Cuộc đua lãi suất huy động lại “nóng”

Thứ tư, 28/03/2012, 09:15
Trong những ngày qua, tình trạng thương lượng để gửi tiền vào NH với lãi suất vượt trần đang trở nên phổ biến, lãi suất bị đẩy lên khá cao. Mục tiêu kéo giảm lãi suất của NHNN sẽ còn gặp nhiều khó khăn.


Vượt xa trần huy động
 
Anh N.C.B, nhân viên làm việc tại một cơ quan báo chí ở TPHCM, cho biết: chỉ với khoản tiền trên 100 triệu đồng, anh đã thương lượng với một NHTMCP ở TPHCM để gửi với lãi suất 16%/năm. Theo anh B, việc thương lượng lãi suất với các NH hiện nay rất dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi và rất phổ biến! Trong trường hợp này, anh B chỉ là một khách hàng loại nhỏ. Những khách hàng có khoản tiền lớn có khả năng thương lượng hưởng lãi suất cao hơn nhiều. 
 
Trong mấy ngày qua, lãi suất tiền gửi bỗng trở nên “nóng”. Câu chuyện nên gửi tiền ở NH nào, thương lượng lãi suất được bao nhiêu đã trở thành chuyện trao đổi thường xuyên giữa những người có tiền gửi NH, kể cả trong các cơ quan, đơn vị. Có những nhóm khách hàng là bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng cơ quan chia nhau đi các NH thăm dò, thương lượng lãi suất rồi thông báo cho nhau biết để “chọn mặt gửi vàng”. Những ngày đầu tiên sau khi NHNN quyết định giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống 13%, các NH thương mại còn “án binh bất động” để thăm dò tình hình, chưa bung ra các chiêu thương lượng lãi suất. Nhưng đến nay thì lãi suất huy động đã bị đẩy lên khá cao.
 
TGĐ một NHTMCP, xin giấu tên, cho biết: Ở những NH lớn có thừa thanh khoản cũng có tình trạng thương lượng lãi suất, mục đích là giữ chân khách hàng lớn, nhưng họ chọn lọc khách hàng một cách cẩn thận. Tùy từng nơi, chỉ những khách hàng có từ vài trăm triệu đồng hoặc bạc tỉ trở lên mới được thương lượng. Nhưng ở những NH khó khăn thanh khoản thì những người có khoảng 100 triệu đồng cũng có thể đòi hỏi lãi suất cao vượt trần. Mức thương lượng phổ biến là lãi suất trần cộng 2%, 3% hoặc 4% tùy theo từng NH và tùy khoản tiền lớn nhỏ. Thậm chí, những khách hàng VIP có thể đòi hỏi cao hơn. 
 
“NH chúng tôi hiện dư vài ngàn tỉ đồng chưa cho vay, lý do vì muốn “phòng thủ” và cũng vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay thắt chặt hơn mọi năm. Tuy vậy, chúng tôi cũng phải thương lượng lãi suất để giữ khách hàng lớn” - vị GĐ này cho biết.
 
Mới đây, tại một cuộc họp có sự tham dự của nhiều lãnh đạo báo chí trung ương tại TPHCM, chủ tịch HĐQT một DN đã thổ lộ: Một tổng Cty lớn có khoản tiền 500 tỉ đồng đã thương lượng với NH gửi với lãi suất 21%! Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận tìm hiểu về thông tin này, vị chủ tịch đã từ chối tiết lộ tên của NH và đơn vị gửi tiền vì lý do tế nhị.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Từ sau tết, các NHTM đã bớt khó khăn về thanh khoản. Các NHTM lớn còn có dư để mua trái phiếu với lãi suất hạ. Trước khi NHNN giảm lãi suất trần huy động (13.3), các điều kiện thị trường có vẻ thuận lợi. Nhưng đến nay thì cuộc đua lãi suất đã rộ trở lại. Nguyên nhân chính xuất phát từ chỗ một số NH nhỏ vẫn phải đang loay hoay với thanh khoản kém. Các NH này từ cuối 2012 đã phải vay trên thị trường liên NH với lãi suất cao và trả nợ một cách rất vất vả. Đến nay, mặc dù lãi suất thị trường liên NH đã giảm nhưng các NH này muốn vay không phải dễ. Vì vậy, họ đành tìm cách đẩy lãi suất huy động lên cao để bù đắp thiếu hụt. 
 
Về phần người dân, tuy vẫn thận trọng “chọn mặt gửi vàng” và lo ngại các NH nhỏ ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng vẫn có phần yên tâm với những tuyên bố trước đây của lãnh đạo NHNN về việc không để NH nào mất thanh khoản, không để quyền lợi của người gửi tiền bị ảnh hưởng...
 
Những diễn biến phức tạp trên thị trường tiền tệ cho thấy NHNN vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, mục tiêu kéo giảm lãi suất cho vay xuống 14,5% không dễ thực hiện. Nhất là khi việc kéo giảm lãi suất phải thực hiện đồng bộ với việc kềm chế lạm phát dưới 2 con số.
 
Gần đây, có một số ý kiến cho rằng nên bỏ trần lãi suất, để cho thị trường tự quyết định  và NHNN chỉ can thiệp bằng các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, điều này có vẻ hơi mạo hiểm, bởi vì có thể xảy ra một cuộc đua trong toàn hệ thống và lãi suất sẽ lồng lên như con ngựa đứt cương. Cũng có ý kiến cho rằng nên quy định trần lãi suất cho vay thay vì huy động. Nhưng một khi đầu vào đã xảy ra tình trạng thương lượng như hiện nay thì biết đâu đầu ra cũng sẽ có cách “đi chui”. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, việc cấp bách cần làm để chấn chỉnh thị trường tiền tệ là gấp rút tái cơ cấu hệ thống NH.
 Theo Lao động

Các tin cũ hơn