Ôm nhiều bất động sản sợ..."chết"

Thứ tư, 28/03/2012, 09:13
Mặc dù nắm trong tay cả chục dự án bất động sản lớn, nhỏ nhưng hiện giờ doanh nghiệp muốn bán cũng không thể được ngay cả khi đã giảm giá 30-40%. Đó là chưa kể đến lượng hàng tồn kho lớn đang nằm chờ.

 


Tin liên quan
>>
Nhà đầu tư bất động sản loay hoay thoát cạn
>>Quỹ đầu tư bất động sản: Lối thoát của thị trường BĐS?
>>Cứu cánh vốn bất động sản: "Chứng khoán hóa"

 

Tiền nằm trong đất

Vốn là tổng giám đốc của doanh nghiệp có số vốn lên đến 1.200 tỷ đồng, nhưng giờ đây ông Nguyễn Quốc T. buộc phải buông tay ngồi nhìn cả chục dự án đang đắp chiếu vì không có người hỏi mua.

Chia sẻ với PV, ông T cho biết, năm 2002 ông bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Mặc dù trải qua bao thăng trầm, nhưng do nắm bắt được cơ hội doanh nghiệp của ông dần lớn mạnh từ chỗ xuất phát điểm chỉ là doanh nghiệp thi công các công trình xây dựng nay công ty của ông đã có tới gần 10 dự án bất động sản lớn ở các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và một hệ thống nhà máy sản xuất nguyên vật liệu xây dựng

Tuy nhiên, những thành quả mà công ty đã đặt được sau hơn 10 năm vun đắp giờ đang có nguy cơ bị mất trắng do những biến động khôn lường của nền kinh tế. Gần 1 năm nay các nhà máy sản xuất vật liệu hoạt động cầm chừng do không có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, các dự án đang thực hiện dở dang không có tiền làm tiếp....Để có tiền công ty của ông T đã buộc phải chào bán một số dự án bất động sản nhưng chào bán cả nửa năm nay mà vẫn không có đối tác hỏi mua bởi một điều đơn giản các doanh nghiệp khác cũng không có tiền.
 

Doanh nghiệp lo sợ vì vốn chôn hết vào các dự án nhưng lại chưa thu hồi kịp


Không phải chỉ doanh nghiệp của ông T, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang trong tình trạng sống dở chết dở vì vốn ngân hàng không được được giải ngân, doanh nghiệp muốn vay thì phải trả lãi suất cao thậm chí cao hơn tỷ suất lợi nhuận. Dự án đang triển khai dở dang giờ buộc phải ngừng lại, khách hàng gây mọi áp lực để đòi lại tiền…

Theo ông Phạm Xuân Cần - Chủ tịch công ty tư vấn BĐS Sohovietnam, trong số những doanh nghiệp đang chào bán dự án, có doanh nghiệp đã vay tiền của ngân hàng, huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng, nhưng do đầu ra cho sản phẩm không có nên không có doanh thu trả lãi ngân hàng và nhà thầu nên buộc phải bán dự án.

Cũng có nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn trước đây đã kiếm tiền rất nhiều và rất dễ từ bất động sản nên tham vọng mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này bằng cách lấy tiền lãi của dự án đã bán để đầu tư tiếp vào các dự án khác, nhưng trong bối cảnh hiện nay không có tiền để đầu tư nhiều dự án cùng một lúc nên buộc phải tìm cách bán bớt một số dự án.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nhưng lại nhảy vào thị trường này lúc sốt bằng cách lấy tiền lãi từ ngành nghề kinh doanh chính để mua dự án, nhưng bây giờ không triển khai được và buộc phải bán dự án để quay lại ngành nghề kinh doanh chính hoặc cứu doanh nghiệp khi mà ngành nghề kinh doanh chính cũng khó khăn.

Thậm chí, có dự án bất động sản trước đây bán tốt, chủ đầu tư đã thu được tiền của khách hàng, nhưng lại dùng tiền thu được đem đi đầu tư dự án khác, nhưng bây giờ, lượng hàng còn lại không bán được nên không có tiền xây tiếp nên cũng phải tính đến phương án bán dự án, nếu không dự án sẽ đình trệ và khách hàng mua rồi sẽ khiếu kiện.

Lực bất tòng tâm

Mặc dù, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đang nỗ lực hết sức để tìm cách thoát khỏi "vũng lầy" tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay xem ra mọi cố gắng đều vô ích.

Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ doanh nghiệp bị dồn vào thế đường cùng là do doanh nghiệp không tự lượng sức mình, đầu tư dàn trải quá nhiều dự án. Tiền thì không phải là doanh nghiệp không có nhưng tất cả hiện giờ đang nằm trong đất, muốn có tiền doanh nghiệp buộc phải chờ đợi.

Chờ thị trường tốt lên, thanh khoản cải thiện doanh nghiệp mới có thể bán được dự án, bán được nhà thu được tiền của khách hàng rồi dự án mới tiếp tục được triển khai. Còn nếu thị trường cứ kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp chỉ có thể gồng gánh trong một thời gian ngắn nữa.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây Ngân hàng nhà nước và Bộ Xây dựng đã đưa ra một loạt các giải pháp như hạ lãi suất cho vay, mở hầu bao cho vay một số khoản mục bất động sản, mua lại một phần quỹ nhà chung cư của các doanh nghiệp bất động sản để làm nhà công vụ, nhà tái định cư... nhưng xem ra những biện pháp đủ mạnh để cứu vãn tình hình.

Theo VnMedia

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích