Tin liên quan
> Lương hưu sẽ tăng 26,5%
> Đóng 1% lương để mua nhà
Ảnh minh họa.
Lương theo không kịp giá thực phẩm
Theo lộ trình Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008 - 2012, Chính phủ đã thực hiện việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung như sau: Năm 2008 tăng từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng/tháng (tăng 20%), năm 2009 tăng lên 650.000 đồng/tháng (tăng 20,37%), năm 2010 điều chỉnh lên 730.000 đồng/tháng (tăng 12,3%), năm 2011 tăng lên 830.000 đồng/tháng (13,7%) và năm 2012 sẽ tăng lên 1.050 đồng/tháng (25%).
Tính chung từ năm 2008 đến năm 2011, mức lương tối thiểu đã tăng thêm 84,4%, cao hơn mức tăng giá tiêu dùng 68,4% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và mức tăng trưởng GDP gần 20%. Tuy nhiên nếu tính riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm (vốn chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình), thì chỉ số giá mặt hàng này đã 105,4%. Như vậy, tiền lương thực tế tăng sau 4 năm là 9,5% theo chỉ số giá chung hoặc - 10,2% (nếu tính riêng giá lương thực, thực phẩm).
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu chung của năm 2011 chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng 41,5% mức lương tối thiểu cao nhất cả doanh nghiệp, bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu của cả nước năm 2011, tính theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Kể cả sau khi tăng lương tối thiểu vào tháng 5/2011, thì mức lương trung bình bằng hệ số 2,34 nhân với mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/tháng, chia cho 22 ngày làm việc/tháng thì cũng chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/ngày, quá thấp so với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường lao động hiện nay. Điều này sẽ dẫn đến rất khó khăn cho việc giữ và thu hút cán bộ, công chức yên tâm công tác, làm hạn chế khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả của khu vực nhà nước so với các khu vực còn lại.
Cái khó bó cái khôn
Một “nút thắt” khó gỡ nhất với công cuộc cải cách tiền lương, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên chức và năng lực hiệu quả của khu vực nhà nước chính là nguồn tiền để thực hiện.
Theo Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008 – 2012, việc đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính của khu vực sự nghiệp công lập theo hướng thu phí dịch vụ dự kiến sẽ huy động được trên 26.000 tỷ đồng để làm nguồn lương. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Đề án đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo được Quốc hội thông qua. Thế nhưng Đề án này cũng không đạt mục tiêu đề ra, thu học phí ở mức tương đối thấp. Các đề án thu phí ở các lĩnh vực sự nghiệp công khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, việc cân đối ngân sách nhà nước càng ngày càng khó khăn do tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt như dự kiến. Đề án thu NSNN được xây dựng trên cơ sở tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 8,5 - 9%/năm, tuy nhiên các năm sau đó chỉ đạt 5,8 - 6%. Ngoài ra các chính sách miễn, giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, các cam kết hội nhập… đã khiến NSNN giảm thu khoảng trên dưới 3000 tỷ đồng/năm. Những điều này khiến nhiệm vụ cải cách tiền lương càng thêm khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn về nguồn lực, thực hiện thành công cải cách tiền lương cán bộ công chức giai đoạn tới 2012 - 2020, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện quyết liệt đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động đối với khu vực sự nghiệp công, theo hướng thu giá dịch vụ, được hạch toán thu - chi. Nâng cao kỷ luật công vụ kết hợp với tinh giản biên chế, xác định rõ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước cho từng đơn vị, lĩnh vực quản lý, không ôm đồm làm thay công việc của xã hội.
Nhu cầu dịch vụ công như học tập, khám chữa bệnh, văn hóa nghệ thuật… hiện nay là rất lớn. Cần có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sự nghiệp, phục vụ nhu cầu của người dân để giảm áp lực tăng chi ngân sách khi cải cách tiền lương.
Theo Vnmedia