Thị trường chứng khoán là sòng bạc?

Thứ tư, 28/03/2012, 14:49
Tiến sĩ Alan Phan cho rằng một khi thị trường chứng khoán còn được bảo bọc thì sẽ mãi còn non trẻ. Và muốn thu hút người chơi, không có cách nào khác là phải cho họ thấy đây là nơi họ có thể kiếm lời một cách minh bạch và thuận lợi.

 

Tiến sĩ Alan Phan, Việt kiều Mỹ, hiện là chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa, quỹ đầu tư của gia đình trị giá khoảng 78 triệu USD hoạt động tại Hồng Kông và Thượng Hải. Quỹ đầu tư chủ yếu tại Mỹ, châu Âu, Hồng Kông và Trung Quốc nhưng không đáng kể ở Việt Nam.

Cuộc trò chuyện với ông có thể sẽ lý giải một phần sự thận trọng này.

 

 


Các sách vở về tài chính đều định nghĩa “thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế”. Tại sao ông gọi nó là sòng bạc?

Về mặt lý thuyết, người ta cho rằng sòng bạc thì có kẻ thắng người thua, còn trên thị trường chứng khoán mọi người đều có thể thắng khi nền kinh tế phát triển mạnh, hay công ty làm ăn có lời. Tôi đồng ý với điểm này. Nhưng nếu như vậy, mức lời của nhà đầu tư cũng chỉ nằm trong mức tăng trưởng của công ty họ sở hữu cổ phiếu.

Trong khi đó, trên thực tế, có những người giàu lên từ thị trường chứng khoán với tốc độ hàng trăm phần trăm. Như vậy, số tiền họ có được chắc chắn không tương đương với số lợi nhuận công ty làm ra. Vậy thì ở đâu? Chắc chắn trên thị trường đã phải có người khác mất đi số tài sản tương đương. Về mặt này, thị trường chứng khoán không khác gì sòng bạc.

Thế ông có “đánh bạc” ở Việt Nam?

Tôi đầu tư 50% tài sản vào Trung Quốc, 50% vào cổ phiếu, trái phiếu và vàng ở châu Âu và Mỹ, nhưng chưa đầu tư đồng nào vào cổ phiếu ở Việt Nam.

Trên thế giới có rất nhiều sàn chứng khoán, tại sao phải chơi ở Việt Nam khi thị trường chưa đáp ứng được 2 yêu cầu căn bản nhất của nhà đầu tư? Thứ nhất, thị trường chưa có thanh khoản, vì số người chơi quá ít. Thứ hai, thị trường chưa làm cho nhà đầu tư tin tưởng đây là nơi họ có thể kiếm lời. Họ bỏ tiền vào thì được nhưng muốn rút tiền ra thì không dễ, mà phải chờ đến thời điểm T+4 (tức sau khi thực hiện giao dịch 4 ngày làm việc, tiền hay chứng khoán mới về tài khoản của nhà đầu tư).

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, còn nhiều rào cản khác. Chẳng hạn, phương thức bán khống vẫn không hợp pháp. Việt Nam vẫn nhất quyết chỉ công nhận thị trường chứng khoán là kênh tạo vốn cho doanh nghiệp, tức là chỉ mới công nhận lợi ích của doanh nghiệp niêm yết, vậy lợi ích của nhà đầu tư, người chơi chủ yếu, ở đâu?

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, nên Chính phủ mới cần bảo bọc nó trong một thời gian?

Hay tôi có thể nói ngược lại: vì còn được bảo bọc nên sẽ còn non trẻ. Muốn cho thị trường lớn mạnh, trước tiên phải có nhiều người chơi. Muốn thu hút người chơi không có cách nào khác là phải cho họ thấy đây là nơi họ có thể kiếm lời một cách minh bạch, thuận lợi. Nói cách khác, nếu xem thị trường chứng khoán là sòng bạc thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đóng vai trò cảnh sát, đảm bảo tiền của nhà đầu tư lẫn công ty niêm yết luôn an toàn. Khi những kẻ chơi bạc bịp luôn bị trừng trị thích đáng, chắc chắn sòng bạc ngày càng đắt khách. Tất cả các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, kể cả Mỹ, đều có các đội lái, giao dịch nội gián…, nhưng cảnh sát của họ rất nghiêm, nên những kẻ chơi bạc bịp luôn bị trừng trị. Đó là lý do cả thế giới đổ tiền về đây.

Nhiều giải pháp đang được thảo luận để vực dậy thị trường. Ông có sáng kiến gì không?

Tôi e là phần lớn các giải pháp đều thấp thoáng biện pháp hành chính, vậy thì không cứu được mà có khi còn gây hại. Có người tranh luận rằng trong những thời điểm khó khăn, có lúc biện pháp hành chính cũng tỏ ra hiệu quả, chẳng hạn như đối với thị trường ngân hàng. Nhưng ngân hàng và chứng khoán hoàn toàn khác nhau. Ngân hàng là nơi giữ tiền của dân. Người dân bỏ tiền vào ngân hàng chỉ mong bảo toàn đồng vốn, họ cần được bảo vệ. Thị trường chứng khoán chắc chắn là nơi của những người muốn kiếm lời (nếu không, họ đã đem tiền gửi ngân hàng rồi!), thì họ phải chấp nhận rủi ro.

Ông từng đề xuất giải pháp bán một phần thị trường chứng khoán Việt Nam cho nước ngoài. Tại sao ông nghĩ giải pháp này sẽ hiệu quả?

Tôi gợi ý Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể bán cổ phần cho một sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới, như NASDAQ chẳng hạn, với tỉ lệ khoảng 40%. Với tỉ lệ này, họ có thể hỗ trợ Việt Nam về kinh nghiệm quản lý, công nghệ và tên tuổi của họ chắc chắn là sự bảo chứng cho thị trường để thu hút dòng tiền nước ngoài. Thế giới không thiếu tiền chơi chứng khoán, quan trọng là thị trường có đủ minh bạch để họ yên tâm và hào hứng bỏ tiền vào hay không.

Không đầu tư vào chứng khoán, ông cũng chưa có hoạt động kinh doanh nào đáng kể ở Việt Nam. Ông không nghĩ rằng thị trường Việt Nam hấp dẫn như nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn ca ngợi?

Thực ra, tôi đang tìm các cơ hội đầu tư tốt vào các công ty tư nhân Việt Nam trong thời gian tới. Có 5 lĩnh vực đáng chú ý là y tế, hàng tiêu dùng, chế biến nông hải sản, công nghệ thông tin và du lịch. Cơ hội đầu tư tốt đối với tôi là giá hợp lý và công ty phải có ban quản trị tốt. Vì tôi chỉ đơn thuần đầu tư tài chính, không trực tiếp điều hành, nên thành bại của công ty đều nằm trong tay ban quản trị.

Ông có nhiều kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh tại Trung Quốc. Ông nghĩ Việt Nam có thể cạnh tranh với họ như thế nào?

Muốn cạnh tranh thì phải nhìn xem họ mạnh ở đâu và yếu ở đâu. Theo nhận xét sơ sài của tôi, lợi điểm của họ chỉ có 3.

Một là đồng nhân dân tệ đang được định giá dưới giá trị thật 26%. Điều này khiến hàng xuất khẩu từ Trung Quốc có giá cả rất cạnh tranh, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến đó làm ăn. Hai là hạ tầng logistics của họ được đầu tư rất tốt, rộng và chất lượng. Ba là thị trường nội địa của họ đủ lớn để nhà đầu tư nước ngoài tính chuyện đến mở nhà máy, dù chỉ để phục vụ người tiêu dùng nội địa.

Điểm yếu của họ, theo những nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc mà tôi được biết, là nạn ăn cắp bản quyền và hàng nhái quá trầm trọng. Rất nhiều chuyên gia phân tích những ưu thế của Việt Nam, cái mà chúng ta gọi là chiến lược Trung Quốc +1, nhưng ít ai nghĩ một cách đơn giản rằng có lẽ vì quá sợ nạn hàng nhái ở Trung Quốc mà các hãng công nghệ lớn như Samsung, Intel thời gian gần đây quyết định chọn Việt Nam
để đầu tư nhà máy.

Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn