Nghịch lý ngành điện và sự im lặng của EVN

Thứ bảy, 24/03/2012, 15:11
Lên tiếng bác thông tin tăng giá điện nhưng chỉ cách đây ít ngày, EVN đã hoàn toàn im lặng trước những ý kiến mổ xẻ việc quản lý và điều hành giá điện trong một hội thảo khoa học do Học viện Tài chính tổ chức.

Tin liên quan

>> DN Nhật 'sợ' cảnh cắt điện ở Việt Nam

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi các cơ quan thông tin đại chúng khẳng định chưa hề đề xuất tăng giá điện tại thời điểm này. EVN dẫn quyết định của Thủ tướng và cam kết việc xác định giá bán điện sẽ thực hiện công khai, minh bạch, chịu sự kiểm tra, xác nhận và cả giám sát của các bộ, ngành. Lên tiếng bác thông tin tăng giá điện nhưng chỉ cách đây ít ngày, EVN đã hoàn toàn im lặng trước những ý kiến mổ xẻ việc quản lý và điều hành giá điện trong một hội thảo khoa học do Học viện Tài chính tổ chức.
 


 

Quá nhiều bất cập

Ngày 14-3-2012, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo khoa học về quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, dù được mời nhưng EVN không cử đại diện đến dự. Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Học viện Tài chính Hoàng Trần Hậu cho rằng: “Sự im lặng của EVN và các cơ quan quản lý trong hội thảo này cho thấy nội dung được bàn đến hết sức nhạy cảm”. Nội dung nhạy cảm đó đã được các chuyên gia kinh tế, tài chính đem ra phân tích, mổ xẻ chi tiết và đưa ra những ý kiến xác đáng.

Đem đến hội thảo đơn khiếu nại của một người tiêu dùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn trích dẫn những phân tích về giá điện và áp lực của việc tăng giá điện đối với cuộc sống của người dân trong lá đơn. “Từ đơn khiếu nại này, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã tính toán lại và thấy đúng là mức tăng giá điện đối với các hộ gia đình rất lớn chứ không phải chỉ tăng 5%-16% như Bộ Công thương tính toán”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, giá điện có thể tăng khi vật tư đầu vào như dầu khí, than... tăng, nhưng không thể tăng để bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém và để trả lương không hợp lý cho những người làm việc trong ngành điện. “Khi khó khăn doanh nghiệp phải cắt giảm lương, trước hết là cán bộ quản lý. Nhưng với EVN, lương lãnh đạo không những không bị cắt mà vẫn cao hơn nhiều lần lương người trực tiếp sản xuất. Chi phí lương này đều được đưa vào giá thành điện nên có phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm với ông Vương Ngọc Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế xã hội Hà Nội đưa ra bảy nghịch lý của ngành điện và nhấn mạnh: “Nghịch lý lớn nhất hiện nay của ngành điện là mãi chỉ thấy tăng giá chứ chưa bao giờ xuống. Diễn biến này ngược hẳn với ngành viễn thông, sau cạnh tranh đều có giảm giá”.

Nghịch lý thứ hai ông Phong nói đến là EVN đòi áp giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh, tức đang áp quy trình ngược, hay có thể nói là lạm dụng cơ chế thị trường. Thứ ba, cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không ký được hợp đồng bán điện cho EVN. EVN luôn kêu lỗ nhưng thu nhập bình quân lao động của ngành điện cao hơn trung bình xã hội. EVN đầu tư ra ngoài ngành rất lớn và thường là không hiệu quả...

Ông Phong cho rằng việc giám sát đầu tư của ngành điện còn nhiều khoảng trống, lãng phí, thất thu trong sản xuất, phân phối điện... Để minh bạch giá điện, ông Phong đề xuất xây dựng giá điện sàn. Đây là giá chi phí tối thiểu, EVN bán giá tối thiểu để không lỗ, sau đó Nhà nước quy định có giá mềm bán thương mại cộng thêm vào giá bán lẻ. Như thế, EVN sẽ không phải giải trình khi được điều chỉnh và người dân cũng sẽ dễ chấp nhận hơn.

Để tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng sự minh bạch và giám sát xã hội đối với ngành điện, ông Phong kiến nghị thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo EVN, ai không làm được thì nhất thiết phải cách chức.

Cần chấm dứt độc quyền

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng Quyết định 24 của Chính phủ là tín hiệu mở cửa thị trường bằng cách đưa ra nguyên tắc, thời gian điều chỉnh giá điện và bắt buộc thực hiện công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quyết định này không quy định giá tăng thì bên bán điện được hưởng bao nhiêu nên quyết định này chỉ mang lại lợi ích cho EVN vì EVN mua điện với giá chưa tới 5 cent/kWh trong khi có thể bán điện với giá lên tới 10 cent/kWh.

Cũng theo ông Thuyên, một lần tăng giá điện năm 2006 đã đem lại cho EVN thêm 18.000 tỉ đồng, sau đó số tiền này đã được EVN đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng chứ không đầu tư vào điện. Vậy nhưng khi thiếu vốn đầu tư, EVN lại viện cớ lỗ để đòi tăng giá. Ông Thuyên còn “tố” Bộ Công thương đã cho EVN được thất thoát điện năng đến 11% trong khi Thủ tướng chỉ cho phép thất thoát 10%.

Trước những vấn đề ông Vũ Xuân Thuyên nêu, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL - Bộ Công thương) Đặng Huy Cường cho rằng tỉ lệ thất thoát Bộ Công thương phê duyệt cho EVN năm cao nhất cũng chỉ trên 9%. Còn việc EVN “ép” giá mua điện thì do “giá đầu ra khó khăn nên EVN phải ép đầu vào, nếu không thì họ lỗ”.

Không đồng tình với ông Cường, ông Thuyên đọc ngay kết quả kiểm toán năm 2007 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy tổn thất điện của EVN năm 2007 là 10,56% trong khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thất thoát điện trong thời kỳ này là 8%...

Ông Thuyên kiến nghị, khi áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường thì điều kiện cần và đủ là thiết kế thị trường hoàn chỉnh, không có bóng dáng độc quyền chi phối. Việc tái cơ cấu EVN cần phải song hành với yêu cầu minh bạch, công khai các yếu tố hình thành giá điện. Hiện cả ba khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đều nằm trong tay EVN. Cần tách một số bộ phận hiện nay trong EVN  và thành lập các công ty hoạt động độc lập: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và dịch vụ hỗ trợ ngành điện.

Theo ông Thuyên, Nhà nước chỉ nên nắm giữ độc quyền hệ thống truyền tải vì an ninh ngành điện còn hệ thống phân phối điện đến người tiêu dùng thì nên đấu thầu cạnh tranh. Nhiều diễn giả trong hội thảo đồng tình với ông Thuyên về kiến nghị này. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: “Đã đến lúc không thể để sự độc quyền, sự bất lực và những bất cập về năng lực và trách nhiệm bắt cả xã hội làm con tin của mình trong quá trình bảo đảm điện năng cho phát triển đất nước”.

Theo CATPHCM

Các tin cũ hơn