Seabank có nhiều tiền nhưng không dám cho vay. |
Ngân hàng gồng mình chạy theo 'số đẹp'
Bản thân Ngân hàng SEABank là một ngân hàng đang đứng nhóm 1 hạng A trong 4 nhóm mà Ngân hàng Nhà nước vừa mới phân loại. Về mặt thanh khoản, chúng tôi thừa rất nhiều tiền nhưng mà quá sợ, không dám cho vay.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT SEABank |
Chúng tôi sợ là bởi, nếu cho vay không đòi được thì sẽ mất thanh khoản, mà mất thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vào nhóm thấp, mà nhóm thấp thì mất thành tích, không được tăng trưởng tín dụng.
Hiện tại ngân hàng nào cũng chạy theo “chỉ số đẹp” để được nằm trong nhóm 1. Trong khi đó nếu chúng tôi cho vay mà gặp khách hàng không có khả năng trả đúng hẹn, nếu quá 10 ngày thì trở thành nợ loại 2, nợ quá 90 ngày thì nợ loại 3….
Nhiều người cứ nghĩ ngân hàng 'ăn đủ' trong lúc kinh tế khó khăn, thực ra họ không biết những rủi ro chúng tôi phải chịu. Máy tính cộng vào ra số này số kia, đấy chỉ là lãi trên sổ sách cộng lại thôi chứ tiền đã đòi được đâu. Nói dại, doanh nghiệp gặp bề gì thì tiền gốc cũng 'đi' luôn còn mong gì đến lời lãi.
Điều đáng nói là nợ quá hạn đã được Ngân hàng Nhà nước khống chế không quá 3%. Nếu đã quy định như vậy, theo như tâm lý của tôi thì tôi sẽ giữ túi tiền cho chặt, thu tiền được anh nào thì thu luôn, còn cho vay thì theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN lập tức bị phân loại quá hạn.
Lãi suất 20-30%, đến tôi cũng khiếp!
Mà quá hạn sẽ có hai vấn đề xảy ra. Thứ nhất: Doanh nghiệp sẽ phải nộp lãi suất phạt với 150% lãi suất cho vay. Tôi hỏi các anh nếu lãi suất 20% thì doanh nghiệp còn chịu được chứ 30% thì ai mà chịu được nữa. Như vậy thực sự doanh nghiệp không bị ai ép cũng bị “tắc thở” rồi. Điều đó đã dẫn đến chuyện hiện nay nhiều doanh nghiệp có khả năng vay nhưng mà lại không dám vay. Thứ hai: Nếu ngân hàng bị phân quá hạn nếu vượt quá 3% thì làm sao lọt vào nhóm 1 được nữa, không được nhận bằng khen, giấy khen hoặc các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và…”đủ thứ luôn”, thế thì ai dám cho vay nữa.
Bản thân tôi không chỉ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng mà tôi còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác do đó tôi thấu hiểu một doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất 20% thì “đố ai mà chịu được”. Làm sao mà hoạt động bình thường được khi doanh nghiệp phải trả lãi suất 20% rồi còn chi phí này nọ…
Và một vấn đề nữa là: “Nói thực là Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến khích cho vay”. Tôi kiến nghị nhà nước xem xét mở rộng cho vay đối với một số lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, sản xuất các mặt hàng thiết yếu...
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga hiện là chủ nhân của Tập đoàn BRG. Bà cũng là chủ sân golf Đồng Mô, sân golf ở Đồ Sơn, Hải Phòng và Sóc Sơn, Chủ tịch Ngân hàng Seabank. Bà Nga lừng danh trong giới đầu tư trong quá trình cổ phần hóa công ty Intimex . Bà Nga ngoài tư cách là người nắm giữ khối cổ phiếu lớn còn được ủy quyền của nhiều cổ đông khác đã "chiến đấu" thành công để nắm giữ chức vụ Chủ tịch một công ty có bề dày với nhiều BĐS mà đáng chú ý nhất là mảnh đấy trên đường Lê Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm. Một thương vụ dù âm thầm nhưng lại khiến giới đầu tư thán phục là việc bà Nga mua lại khách sạn Hilton Opera - một khách sạn có vị trí hiếm có ở Hà Nội. Vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo diễn ra êm thấm và đa số mọi người chỉ biết khi đã xong việc. |
Theo DĐDN