Tin liên quan
>>Lãi suất ngân hàng: Chạm đáy, đụng trần
>>Lãi suất chưa giảm như kỳ vọng
>>Lãi suất vẫn đang ưu tiên dòng vốn ngắn hạn
>>Cắt giảm lãi suất, không nên vội vàng
>>Chờ ngày bỏ trần lãi suất
Sau một thời gian khá dài kềm chân thành công lãi suất huy động ở mức 14%/năm, với kết quả là được một số ngân hàng thương mại lớn hưởng ứng qua nỗ lực giảm nhẹ lãi suất cho vay doanh nghiệp ở mức 18 - 20%, mới đây Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng còn 13%/năm và khuyến khích các ngân hàng này giảm mức lãi suất cho vay xuống còn 14,5 - 16,5%/năm. Việc yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động không phải là một biện pháp hành chính đơn thuần, nó được hỗ trợ bởi việc cắt giảm lãi suất từ phía NHNN.
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai việc cắt giảm đồng loạt lãi suất tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm.
Bằng việc hạ giảm các mức lãi suất nói trên, NHNN đã phát đi một thông điệp khá rõ ràng là kể từ nay NHNN sẵn sàng tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thể nhận được từ phía NHNN những dòng tiền rẻ hơn hoặc ngang bằng với lãi suất huy động nhằm giải quyết trước mắt khó khăn thanh khoản của mình mà không tùy thuộc sống chết vào nguồn tiền gửi đang mỏng dần từ khu vực hộ gia đình. Khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, các ngân hàng thương mại được kỳ vọng là sẽ có thể giảm phần nào lãi suất cho vay.
Quyết định giảm lãi suất của NHNN tuy còn dè dặt (chỉ mới giảm 1%/năm) nhưng cũng cho thấy một vài tia nắng sáng trong bầu trời còn nhiều mây mù. Trước hết, chúng ta có thể tin rằng tình hình thanh khoản khó khăn kéo dài của hệ thống ngân hàng, điều mà nhiều nhà phân tích kinh tế rất quan ngại, có vẻ đang được khắc phục dần và nay, theo như nhận xét của người đứng đầu NHNN, đang nằm trong vòng kiểm soát.
Trên thực tế, dường như việc hạ giảm lãi suất huy động tại một số ngân hàng lớn đã xảy ra trước khi có yêu cầu của NHNN. Thông tin gần đây cho thấy các ngân hàng, kể cả ngân hàng nhỏ, đã bắt đầu triển khai việc huy động tiền gửi và cho vay với mức lãi suất thấp hơn trước và đang điều chỉnh giảm lãi cho vay cho một số khách hàng nhất định. Có tổ chức tín dụng chỉ huy động nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất 12%/năm, trước cả khi NHNN quyết định cắt giảm lãi suất, và cho vay với mức lãi suất chỉ từ 13,5 - 16%.
Tuy nhiên, trong khi các vấn đề nợ tồn đọng của ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán còn đang chờ những biện pháp giải quyết căn cơ hơn, tình hình thanh khoản của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, có thực sự ổn định lâu dài hay không vẫn còn là một ẩn số. Thứ hai, việc giảm lãi suất cho thấy NHNN đã có một cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng lạm phát trong năm 2012.
Áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế trong nhiều tháng đang có dấu hiệu suy giảm, thống kê mới nhất cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng gần đây tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà phân tích kinh tế trong và ngoài nước tin rằng mục tiêu của Chính phủ đưa lạm phát xuống dưới hai con số có thể đạt được trong năm 2012, và tăng trưởng của GDP có thể duy trì ở mức 6%.
Tuy nhiên, vẫn còn những đám mây đen đe dọa làm phát sinh cơn bão giá mới. Việc tăng giá xăng dầu mạnh mẽ (gần 10%) gần đây đang làm dấy lên những lo ngại mới về tình trạng lạm phát giá phí (cost-push inflation) mặc dù có sự trấn an của Bộ Tài chính rằng giá xăng dầu tăng chỉ ảnh hưởng đến lạm phát cả năm ở mức tăng 0,64%, còn tác động trực tiếp trước mắt chỉ làm CPI tăng 0,24%.
Đối với các ngân hàng thương mại, không những sẵn lòng, họ còn rất hoan nghênh việc hạ giảm lãi suất huy động tiền gửi miễn là nhận được một cam kết đảm bảo thanh khoản từ phía NHNN, song song với việc khởi động lại một cách hiệu quả thị trường tiền tệ liên ngân hàng vốn đang đình trệ trong vài tháng qua. Đối với họ, cơn ác mộng cạnh tranh thu hút tiền gửi, một cuộc chiến sinh tử nhằm lách luật để sống còn đã tạm thời trôi qua và chắc hẳn không ai muốn điều đó lặp lại. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, việc giảm lãi suất ngân hàng lần này chưa đáp ứng đúng mức mong đợi của họ. Dù cho việc hạ giảm lãi suất huy động tiền gửi có thể thực hiện ngay từ ngày 13-3, các doanh nghiệp hiểu rằng khó có thể hy vọng được vay ngân hàng với mức lãi suất thấp ngay lập tức.
Ngoài những ràng buộc trong hợp đồng tín dụng, lý do chính đáng mà các ngân hàng thương mại nêu ra trong việc chậm áp dụng lãi suất cho vay thấp - như phát biểu của một viên chức ngân hàng - là họ cần một thời gian không nhỏ để "tiêu hóa" hết những khoản huy động vốn lãi suất cao. Như vậy sẽ còn khá lâu các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn vay được gọi là giá rẻ ở mức 14,5 - 16%/năm.
Nhưng nếu như được vay với mức lãi suất như trên vào lúc này, nhiều doanh nghiệp vẫn phải dè dặt vì đó cũng không thể được xem là vay với giá rẻ. Các doanh nghiệp của chúng ta đang thật sự bị kẹt vào hoàn cảnh trên đe dưới búa. Giá xăng dầu tăng mạnh hiện nay và ảnh hưởng lan rộng của nó trên các thị trường hàng hóa nguyên vật liệu khác đang là một chiếc đe nâng cao chi phí cấu tạo nên giá thành sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường nội địa ngày càng mở rộng của chúng ta đang chịu một sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực và trên thế giới, thêm vào đó, khó khăn của khu vực doanh nghiệp khiến số lượng công ăn việc làm không tăng như kỳ vọng, sức mua toàn xã hội sẽ giảm theo, tạo nên một chiếc búa đè nặng trên giá bán hàng nội địa. Như vậy, lãi suất 14,5 - 16%/năm đối với doanh nghiệp Việt Nam chưa chắc là một ưu đãi, khi mà các đồng nghiệp của họ trong khu vực (ASEAN, Trung Quốc đại lục, Đài Loan...) đang đi vay với một mức lãi suất thấp bằng 1/3.
Điều đáng quan tâm hơn là việc giảm lãi suất lần này thể hiện một bước đi rất dè dặt và thận trọng của NHNN. Trả lời phỏng vấn báo chí, vị lãnh đạo NHNN khẳng định rằng việc giảm lãi suất lần này không đồng nghĩa với việc NHNN chuyển mục tiêu của chính sách tiền tệ sang tăng trưởng. Mục tiêu không thay đổi của chính sách tiền tệ hiện nay vẫn là tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô mà trụ cột chính là kềm chế lạm phát.
Trong trường hợp lạm phát có nguy cơ xuất hiện trở lại và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát dưới 10% của năm nay, việc tăng lãi suất sẽ là một điều không thể tránh được. Trong điều kiện đó chúng ta sẽ trở thành một nền kinh tế có tiềm năng lớn và có mức lãi suất cao trong khu vực và trên thế giới, điều đó sẽ làm xuất hiện những cơ hội mới lẫn những rủi ro mới. Sẽ có những dòng ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam chuyển đổi thành tiền đồng gửi vào hệ thống ngân hàng để được hưởng lãi suất cao, điều rất có khả năng xảy ra khi lãi suất tại các nước công nghiệp phát triển đang được duy trì ở mức rất thấp trong nỗ lực không ngừng nghỉ của họ nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi vũng lầy suy thoái. Khi nguồn cung ngoại tệ trở nên dồi dào hơn, thanh khoản tại các ngân hàng của chúng ta được cải thiện hơn, một dấu hiệu tốt, tỷ giá đồng bạc Việt Nam cũng trở nên mạnh hơn và ổn định hơn, một dấu hiệu khác thường được xem là tốt.
Tuy nhiên, khi lãi suất đồng bạc Việt Nam cao và tỷ giá đồng bạc ổn định, lợi nhuận mà nền kinh tế nước ta phải trả cho những dòng ngoại tệ đang rót vào hệ thống ngân hàng sẽ trở nên quá lớn. Những người gửi tiền không phải từ trong nước sẽ là những người hưởng lợi lớn. Những doanh nghiệp Việt Nam, những người phải trả thuần cho các khoản lợi nhuận khổng lồ này, và những người lao động đang làm việc cho họ, là những người sẽ chịu thiệt lớn. Vậy mà họ đang là xương sống phát triển của nền kinh tế của chúng ta.
Thách thức này sẽ là một bài toán lưỡng nan, khó giải nhưng không phải là không giải được cho tất cả những ai quan tâm đến sự thịnh suy của nền kinh tế đất nước.
Theo DNSG