Sau thời gian đầu tư sản xuất trực tiếp, nay các doanh nghiệp Nhật đang chuyển hướng đầu tư vào các công ty Việt Nam thông qua M&A
Việt Nam có cơ hội vô cùng lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản", ông Shinichiro Hori, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dream Incubator Việt Nam, mới đây một lần nữa khẳng định. Điều này không có gì mới, nhưng việc Việt Nam trở thành nền kinh tế dẫn đầu với 14 thương vụ M&A từ Nhật Bản được công bố trong năm 2011 vẫn là một bất ngờ.
Ðiểm ngắm: tài chính và tiêu dùng
Thương vụ đình đám nhất trong năm qua là nhóm 3 ngân hàng Nhật Bản Mizuho Bank dốc túi 567,3 triệu USD để mua lại sở hữu 15% cổ phần tại Ngân hàng Vietcombank. Rồi trong khi "hôn nhân" chỉ mới bắt đầu, Mizhuho Bank lại đánh tiếng muốn mua thêm 5% cổ phần của Vietcombank. Đồng thời, một nhà băng khác đang lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc hội thảo mua bán và sáp nhập tại Nhật Bản liên quan đến thị trường Việt Nam vào cuối tháng 5 tới.
Cụ thể, nhóm 3 ngân hàng Nhật Bản Minato - hiện đang dẫn đầu một câu lạc bộ doanh nghiệp có 144 thành viên - sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp của họ. Ngân hàng này còn cho biết, họ sẽ hỗ trợ tăng lượng vốn vay của ngân hàng đối với các dự án M&A vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực tài chính, các tên tuổi lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như: nhà sản xuất bia và nước giải khát Kirin, nhà sản xuất tã giấy Unicharm cũng đã hiện diện tại Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần của các công ty trong nước. Các dòng đầu tư này, theo ông Shinichiro Hori, nhằm khai thác cơ hội tại thị trường Việt Nam đông dân cư và đang tăng trưởng mạnh.
Việt Nam đang là địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh minh họa |
Ông Shinichiro Hori chia sẻ: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Hơn nữa, chúng tôi cảm thấy được sự đón tiếp thân thiện ở đây. Doanh nghiệp Việt Nam cũng giống như Chính phủ đều rất hào hứng với các nhà đầu tư Nhật Bản. Tôi đã thăm và tìm hiểu 30 công ty Việt Nam và tất cả đều niềm nở. Đặc biệt, đối với các công ty hoặc các quỹ Nhật Bản có quy mô trung bình hoặc nhỏ đang muốn vươn ra thị trường nước ngoài thì Việt Nam có thể còn hấp dẫn hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ, vì trong khi Trung Quốc rộng lớn cần đầu tư vài trăm triệu USD thì vài triệu USD với Việt Nam cũng đủ để khai thác thị trường. Vốn nhỏ nhưng hiệu quả vẫn cao".
Ðẩy mạnh M&A
Chia sẻ về thương vụ với ngân hàng Nhật Bản Mizhuho, ông Nguyễn Hòa Bình, CTHĐQT Vietcombank tiết lộ: có tới 42 nhà đầu tư Nhật Bản muốn trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank. Tuy nhiên, ngân hàng Mizhuho, ngoài việc là một trong những định chế tài chính vào cuộc sớm nhất, còn là nhà đầu tư có đề xuất tài chính và kỹ thuật tốt nhất đối với các yêu cầu của Vietcombank. Ông Bình cũng đánh giá cao tinh thần làm việc trọng thị và miệt mài bất kể ngày đêm của đối tác trong những ngày làm việc với Mizhuho. Đó là những lý do Vietcombank quyết định chọn Mizhuho.
Một điểm đáng lưu ý là tinh thần dân tộc của các nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Hori khẳng định, ngoài các điều kiện khác, đối tượng doanh nghiệp mà Quỹ đầu tư công nghiệp DI Châu Á (DIAIF - được quản lý bởi Dream Incubator và Công ty Orix Corporation) nhắm đến còn bắt buộc phải là doanh nghiệp Việt Nam chưa lên sàn và có mối quan hệ làm ăn lâu dài với Nhật Bản. Hiện nay, Quỹ DIAIF đã đầu tư vào hai công ty là Nutifood và Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC).
Thực tế, việc Quỹ DIAIF, hiện do ông Hori điều hành, sau khi đầu tư vào Nutifood đã kéo theo sự quan tâm của các doanh nghiệp khác tại Nhật. Đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đậu nành, các sản phẩm dành cho trẻ em, thực phẩm đông lạnh, thức uống và thực phẩm chức năng.
Hiện tại, DIAIF cho hay, họ đang kết nối hai công ty về sản xuất đồ uống và thực phẩm chức năng sẽ cùng hợp tác với Nutifood trong tương lai. Quỹ này đang chuẩn bị đưa thêm hai giám đốc mới vào hội đồng quản lý của công ty để hỗ trợ Nutifood trong mảng nhân sự và tài chính.
"Nhật Bản có lợi thế về công nghệ cao, chất lượng sản phẩm và quản trị nội bộ tốt. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng có lợi với các công ty Việt Nam. Tôi tin, sau thời gian được hỗ trợ để phát triển tốt hơn, các doanh nghiệp được đầu tư này sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài khác quan tâm", ông Hori chia sẻ.
Trước đó, DIAIF cũng đã gửi 2 nhà quản lý nhằm hỗ trợ Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) trong phát triển chiến lược kinh doanh, mở rộng quan hệ kinh doanh giữa JVC với các đối tác ở Việt Nam và Nhật Bản… JVC là công ty thứ hai được DIAIF đầu tư thông qua việc mua 31,1% vốn cổ phần hồi giữa tháng 2 vừa qua.
Ông Hori tiết lộ thêm: "Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chờ đợi để được hợp tác với các doanh nghiệp mà DIAIF giới thiệu". Dự kiến, quỹ này sẽ đầu tư thêm vào 3 công ty nữa. Trong đó, hai doanh nghiệp sẽ được công bố trong năm nay.
Sau những doanh nghiệp Nhật Bản lớn như Sony, Toyota, Honda… đầu tư sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, dòng đầu tư thứ hai này vào Việt Nam là một xu hướng đầu tư mới mà các doanh nghiệp Việt không nên bỏ qua.
Theo Doanh Nhân