Hôm nay công bố kết quả kiểm nghiệm gạo "giả"

Thứ năm, 05/04/2012, 07:02
Trên thị trường có thể xuất hiện loại gạo giả, chủ yếu được một số gia đình đặt hàng nhằm mục đích làm đồ thờ cúng để tránh tình trạng chuột, gián, côn trùng mò tới.

 

Theo nguồn tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong ngày 4-4, đơn vị này đã có buổi làm việc với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế về việc phối hợp xác minh mẫu gạo nghi là giả được lấy tại một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho hay sáng 4-4, đơn vị này đã mang các mẫu gạo lấy tại cửa hàng ở Hoàng Mai bị phản ánh là bán gạo nghi là giả mang đến Cục ATVSTP để kiểm nghiệm. Dự kiến hôm nay (5-4), Cục ATVSTP sẽ có buổi họp công bố chính thức kết quả kiểm nghiệm.

Trước đó, báo điện tử Dân Trí đã phản ánh trường hợp một độc giả là anh Duy Mạnh, sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, mua 5 kg gạo nghi giả tại một cửa hàng trên phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội với mức giá 14.000 đồng/kg. Theo phản ánh của độc giả thì loại gạo này có hình dạng dài và to hơn các loại gạo bình thường, gạo có màu trắng đục và rất bóng. Gạo này có mùi gần giống như mùi nhựa, khi nấu thành cơm không nở như các loại gạo bình thường, các hạt gạo rời rạc, mùi gạo nấu thành cơm nặc mùi nylon xen lẫn mùi nhựa tổng hợp.

Khách hàng thường chọn cửa hàng quen, uy tín nên khó gặp gạo giả. Ảnh: HTD

Ông Trần Khánh, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 15 Hà Nội, cho hay sau khi có thông tin gạo giả, chiều 3-4, lực lượng chức năng đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh gạo mà sinh viên Duy Mạnh mua. Chủ cửa hàng này tên là Đinh Văn Thiện. Tuy nhiên, theo kết quả ban đầu thì không phát hiện gạo giả như thông tin đã phản ánh. Đơn vị kiểm tra đã tiến hành lập biên bản có sự có mặt của chủ hộ kinh doanh và anh Duy Mạnh. “Tại hiện trường, độc giả này không cung cấp được mẫu gạo nghi giả, đồng thời kiểm tra các loại gạo đang có tại cửa hàng vẫn không phát hiện loại gạo bất thường mà độc giả phản ánh. Các loại gạo ở đây chủ yếu có nguồn gốc từ Điện Biên, Văn Điển, Thạch Thất và đều làm ra từ lúa, sau khi xay xát mới đem đi bán” - ông Khánh cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cách đây một năm, tại TP.HCM đã phát hiện loại gạo giả được sản xuất từ hỗn hợp các chất nhựa dẻo, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có nhiều cách để nhận biết loại gạo giả, chẳng hạn như các hạt gạo giả đều có hình dạng giống nhau như một, dùng tay chà xát không tạo ra hạt cám. Mặt khác, nếu cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to, gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết hiện nay trên thị trường có thể xuất hiện loại gạo giả nhưng lượng gạo này rất ít, chủ yếu được một số hộ gia đình đặt hàng nhằm mục đích làm đồ thờ cúng, với những đặc tính riêng biệt để tránh tình trạng chuột, gián, côn trùng mò tới. Loại gạo này không thể sử dụng vào mục đích ăn uống hằng ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 4-4 tại một số chợ khu vực Hà Nội cho thấy nhiều người tỏ ra khá bất ngờ với thông tin gạo giả, kể cả gạo giả dùng để cúng, bởi phần lớn khách hàng mua gạo thường chọn cho mình cửa hàng quen, uy tín. Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng bán gạo chợ Trương Định, Hoàng Mai, cho biết gạo ở đây thường nhập về từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, còn gạo Thái Lan được nhập từ các công ty lương thực trung ương, nguồn gốc rõ ràng, kiểm định chất lượng.

Theo phapluattp

 

Các tin cũ hơn