Theo nghiên cứu của hãng phân tích ngành công nghiệp thực phẩm IGD, lĩnh vực tạp hóa của Trung Quốc đã đạt tổng trị giá 970 tỷ USD (607 tỷ bảng Anh) vào cuối năm 2011, trong khi giá trị của thị trường Mỹ là 913,5 tỷ USD (572 tỷ bảng).
Những dữ liệu được công bố trong thời điểm mà cả lạm phát trong giá lương thực cũng như tăng trưởng kinh tế đều được đẩy mạnh tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai, đồng thời là quốc gia đông dân nhất thế giới. Các nhà phân tích cũng tin rằng khoảng cách chênh lệch giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ tiếp tục được mở rộng trong vài năm tới khi thị trường tạp hóa ở Trung Quốc đạt con số 918 tỷ bảng Anh vào năm 2015.
Sự tăng trưởng trong lĩnh vực này được đóng góp một phần nhờ lạm phát trong giá thực phẩm cũng như tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế, khi nhu cầu hàng hóa mềm như lúa mì tăng mạnh tại Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác. Việc người Trung Quốc đang chuyển dần thói quen ăn uống dựa trên các sản phẩm từ gạo và thịt lợn sang chế độ ăn với các sản phẩm từ sữa, lúa mì, ngũ cốc, thịt trắng và đỏ, đã giúp tăng giá các mặt hàng này trên toàn cầu.
Bốn nước BRIC - Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - được dự báo sẽ dẫn đầu lĩnh vực này trong năm 2015.
Các dự báo này cũng tính tới việc "chậm lại đáng kể" của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Cécile Riverain, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế của IGD vẫn nhận định tích cực về triển vọng ngành này tại Trung Quốc: "Mặc dù suy giảm kinh tế, các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa của chính phủ Trung Quốc chính là một cơ hội khác cho các hãng bán lẻ”.
Theo Rahul Sharma, chuyên gia phân tích lĩnh vực bán lẻ tại Neev Capital, những hãng sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ như Unilever và Procter & Gamble đã có thể vượt qua lạm phát hai con số tại Trung Quốc và tiếp tục duy trì tăng trưởng tại thị trường này trong khi việc tăng giá đang liên tục tác động tiêu cực tới tăng trưởng sản lượng của các hãng này tại thị trường phương Tây.
Sharma cũng cho biết các chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh kiểu Tây cũng đang được hưởng lợi từ số lượng người dân Trung Quốc ăn ngoài gia tăng. Chuỗi cửa hàng Kentucky Fried Chicken hiện đã có thể được tìm thấy nhan nhản trên khắp các thành phố của Trung Quốc.
Các nhà bán lẻ toàn cầu như Walmart, Tesco và Carrefour cũng đang cố gắng củng cố vị thế tại thị trường giàu tiềm năng này.
IGD cũng dự báo các chuỗi cửa hàng thương hiệu quốc tế cũng sẽ tăng thêm 2.700 điểm cung cấp dịch vụ tại thị trường này trong vòng 4 năm tới.
Theo TTVN/CNBC