“Khủng hoảng” đã thực sự chấm dứt ở SBS?

Thứ tư, 04/04/2012, 09:04
Ông Nguyễn Hồ Nam thừa nhận giữa năm 2011, SBS đi vào khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ phá sản đến 60-70%. Quý I/2012 SBS vẫn lỗ. Nhưng từ 01/04/2012 SBS không còn áp lực về trả lãi vay cũng như thanh khoản.

 
Từ ngày 23/2 đến 26/3, giá cổ phiếu CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (MCK: SBS) đã tăng giá từ 3.200 đồng lên 6.600 đồng tương đương mức tăng hơn 100%. Trong phần giải trình liên tục tăng trần, ban lãnh đạo SBS cho biết SBS đã hoàn tất việc tái cấu trúc hoạt động cũng như thanh hoán hoàn toàn danh mục tự doanh, thu hồi vốn.

Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 28/03/2012 cả 3 cổ đông nội bộ là chủ tịch, phó chủ tịch, tổng giám đốc SBS đã đăng ký bán 650.000CP. Vậy phải chăng SBS vẫn đang có những trục trặc, nguy cơ phá sản vẫn còn đó?


 


Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch- Ông Nguyễn Hồ Nam và Tổng giám đốc – Ông Nguyễn Thanh Hùng của SBS về những nội dung trên.

Đến ngày 31/03/2012 số dư nợ vay ngân hàng bằng 0

Thưa ông, theo công bố SBS đã thanh hoán hoàn toàn danh mục đầu tư. Tại thời điểm cuối năm 2011 thị trường chứng khoán không được tốt như quý I/2012, vậy việc thanh lý này có giúp SBS hoàn nhập được phần nào chi phí dự phòng không?

Đến thời điểm 31/03/2012, danh mục đầu tư tài chính của SBS – chủ yếu là OTC đã được thanh lý toàn bộ. Tại thời điểm 31/12/2012, SBS thực hiện trích lập dự phòng cho khoản đầu tư OTC theo giá trị nội tại của công ty. Vì vậy, khi SBS quyết tâm thanh lý nhanh toàn bộ danh mục này để thu hồi tiền trả nợ ngân hàng, giá thanh lý của nhiều khoản đầu tư thấp hơn giá trị nội tại của nó.
Biến động giá SBS trong 6 tháng

Đối với các nhà đầu tư,  chúng tôi cũng kiên quyết xử lý tài khoản của các nhà đầu tư không có tiền nộp. Trường hợp tài khoản của nhà đầu tư bị cháy, chúng tôi hạch toán đầy đủ vào công ty. Sau này khi các khoản nợ của nhà đầu tư được thu hồi sẽ trở thành khoản thu nhập bất thường của SBS.

Quý I/2012 SBS vẫn lỗ. Nhưng đây là lần lỗ cuối cùng. Chúng tôi đã kiên quyết có một bức tranh rõ ràng về SBS, để từ tháng 4/2012 SBS bắt đầu một thời kỳ mới – thời kỳ phục hồi, hoạt động có lãi. Bởi, tiền mặt của SBS hiện 600 tỷ đồng (không tính tiền của nhà đầu tư SBS được quản lý qua tài khoản riêng tại Sacombank), chỉ tính riêng lãi tiền gửi thu về hơn 7 tỷ đồng/tháng, tổng các chi phí khoảng 4,8 tỷ đồng. Như vậy, SBS có lãi trước thuế khoảng 2,2 tỷ đồng/tháng cho trường hợp xấu nhất hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của SBS không có thu nhập.

SBS cũng không còn bị áp lực nợ vay của ngân hàng, cũng như áp lực về thanh khoản. Hiện số dư nợ vay của SBS là bằng 0, danh mục đầu tư bằng 0, các khoản cho vay khách hàng chỉ còn là khoản vay bình thường theo margin quy định, tiền mặt 600 tỷ đồng.

Từ tháng 4 trở đi SBS “khỏe mạnh”, bình thường. Hiện giá trị giao dịch tại SBS – dịch vụ môi giới đang tăng lên.


Rất hạn chế tham gia tự doanh

Vậy tương lai SBS có tham gia vào tự doanh không?

SBS sẽ rất hạn chế tham gia tự doanh, tập trung vào dịch vụ như phát triển mảng môi giới – hiện giữ ở Top 3; dịch vụ ngân hàng đầu tư: tư vấn doanh nghiệp, huy động vốn, mua lại, sáp nhập, online trading và; kết hợp với ngân hàng để phát triển hệ thống mạng lưới khách hàng.

Hiện tại chúng tôi đã đóng cửa hết các chi nhánh, chỉ còn lại hội sở và chi nhánh Hà Nội, nhưng lại mở hơn 60 điểm giao dịch thông qua hệ thống mạng lưới của Sacombank. Việc kết hợp với ngân hàng phát triển mạng lưới khách hàng không phát sinh thêm chi phí, SBS chỉ chia sẽ lợi ích khi có thu từ các điểm giao dịch này theo tỷ lệ 6 – 4.


Theo ông, SBS cần bao nhiêu năm để làm sạch số dư lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán?

Sacombank đầu tư ban đầu vào SBS là 1.100 tỷ đồng năm 2006. Từ năm 2006 – 2010 tổng số tiền SBS mang về cho Sacombank là hơn 1.270 tỷ đồng.

Vì vậy, nếu thị trường tốt, khoản lỗ lũy kế trên bản cân đối kế toán sẽ mất một vài năm để “sạch”, nếu thị trường không tốt, SBS cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay (từ ngày 1/04 dư nợ vay bằng 0, danh mục đầu tư bằng 0) đảm bảo cho SBS chắc chắn tồn tại dù cho thị trường xấu nhờ thu nhập từ lãi tiền gửi.

Ngoài ra, qua đợt thanh lọc lần này trên thị trường chứng khoán, số lượng công ty chứng khoán tiếp tục tồn tại sẽ bị thu hẹp so với trước đây. Nhờ đó, những công ty còn lại giá trị sẽ tăng lên nhờ thị phần tăng, khách hàng dùng dịch vụ môi giới, tư vấn của một CTCK cũng sẽ tăng lên bởi quy mô thị trường sẽ tăng.


Chấm dứt khủng hoảng

Vậy ông lạc quan về tương lai của SBS?

Giai đoạn 2006 – 2010 có thể xem là một giai đoạn thành công rực rỡ của SBS. Từ một công ty trẻ, phát triển nhanh chóng trở thành một trong những CTCK hàng đầu thị trường, hiệu quả nhất thị trường. Bởi trong vòng 5 năm, SBS đã hoàn vốn cho cổ đông sáng lập.

Đến năm 2011 SBS đi vào khủng hoảng và có khả năng phá sản cao, đến 60 – 70%. Chúng tôi đã cố gắng hết sức làm những điều có thể: thu hẹp hoạt động, tái cấu trúc bộ máy, tiết giảm chi phí, bán tài sản, giải quyết thanh khoản, trả nợ ngân hàng (trả hết nợ vay ngân hàng hơn 3.500 tỷ đồng trong vòng 15 tháng – PV), tích lũy tiền mặt để bắt đầu thời kỳ hồi phục.

Chúng tôi đã thành công trong tái cấu trúc, có thể nói rằng SBS đã chấm dứt khủng hoảng tại ngày 31/03/2012.

Giai đoạn kế tiếp từ 01/04/2012 đến hết năm là giai đoạn hồi phục của SBS, trong bối cảnh tốt: tiền mặt, chi phí hoạt động tiết giảm tối đa, công nghệ hiện đại, thương hiệu đã có, thị phần tăng lên. SBS sẽ cung cấp dịch vụ an toàn, quản lý chặt mâu thuẫn lợi ích giữa nhân viên và nhà đầu tư để tạo lòng tin cho thị trường. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư, kết hợp chặt chẽ với ngân hàng Sacombank để tạo nên lợi thế tương hỗ thực sự.


Bán ra cổ phiếu để trả nợ vay mua cổ phiếu SBS trước đó

Vậy, các ông có thể giải thích lý do các cán bộ chủ chốt trong đó có cả chủ tich, tổng giám đốc đang ký bán ra cổ phiếu SBS; và đóng cửa hàng loạt các chi nhánh?

Thứ nhất, việc bán ra CP SBS của các thành viên đơn thuần giải quyết vấn đề tài chính và tổng số lượng đăng ký bán không nhiều so với khối lượng giao dịch hàng ngày của SBS. Đây là những CP chúng tôi được phân bổ mua – cổ phiếu phát hành cho CBCNV với giá 15.000 đồng/CP, tại thời điểm đó chúng tôi vay cầm cố để mua CP. Bây giờ đến thời điểm bên cho vay thu hồi vốn, vì vậy một số thành viên phải thu xếp tài chính.

Thứ hai, việc đóng cửa hàng loạt chi nhánh: Theo đánh giá của tôi việc mở rộng chi nhánh đối với công ty chứng khoán trong thời kỳ trading online phát triển không còn quan trọng. Đối với CTCK việc đầu tư công nghệ thông tin tốt, hệ thống giao dịch trực tuyến tốt, việc mở sàn giao dịch nhiều nơi không còn cần thiết. Khi trading online phát triển, CTCK chủ yếu cần điểm giao dịch và khả năng liên kết mạng lưới phát triển khách hàng.

Chân thành cám ơn!

 

Công ty Chứng khoán Lanexang Securities, Lào – có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó SBS góp 155 tỷ đồng, hoạt động có lãi (5%/vốn) trong năm đầu tiên nhờ hoạt động cung cấp dịch vụ và ghi nhận cổ tức được chi trả.
 

SBS - Campuchia vừa qua đã thực hiện thành công tư vấn đấu giá 5,8% vốn Công ty Nước với giá gấp 6 lần mệnh giá. Kỳ vọng SBS – Campuchia sẽ mang lại lợi nhuận trong năm.


 

Theo TTVN

Các tin cũ hơn