Hàng hiệu dễ "thất sủng" ở Trung Quốc?

Thứ ba, 03/04/2012, 15:14
Không ít các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn tại thị trường được cho là tiềm năng bậc nhất này. Một nghi vấn đang được đặt ra là liệu Trung Quốc có phải là một thị trường dễ thở cho những cái tên như Hermes, Chivas?


Hermes vừa thất bại trong cuộc chiến giành quyền thương hiệu tại Trung Quốc.

 

Mới đây hãng thời trang Hermes và rượu Chivas đã chính thức thất bại trong cuộc chiến giành quyền thương hiệu tại Trung Quốc. Trong khi đó, không ít các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn tại thị trường được cho là tiềm năng bậc nhất này. Một nghi vấn đang được đặt ra là liệu Trung Quốc có phải là một thị trường dễ thở cho những cái tên như Hermes, Chivas...!

 

Cách đây ít ngày hãng thời trang đình đám Hermes của Pháp đã buộc phải dùng thương hiệu mới mang tên Shangxia tại Trung Quốc sau khi thất bại trong vụ kiện đòi quyền thương hiệu "Ai Ma Shi"- tên thương hiệu tiếng Trung của Hermes- hồi tháng 2 vừa qua với một hãng thời trang của nước này.

Cũng mới đây thôi, thương hiệu Chivas Regal của hãng rượu cao cấp Chivas Brothers Scotland đã phải chính thức nhường đường cho một công ty thời trang Trung Quốc khi tòa án tuyên bố Chivas Brothers thua kiện.

Cũng vào thời điểm này, dư luận thế giới đang ầm ĩ trước vụ kiện đình đám giữa tập đoàn công nghệ cao cấp Apple và công ty Proview liên quan đến thương hiệu iPad.

Việc thay đổi một thương hiệu sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến hình ảnh cũng như giá trị của bất kỳ hãng cao cấp nào. Nhưng điều quan trọng là sự thay đổi này sẽ khiến cho các hãng khó tiếp cận với khách hàng cũng như mở rộng thị trường và tạo doanh thu, lợi nhuận. Chưa kể đến những khoản chi phí theo đuổi vụ kiện hay chi phí để xây dựng một thương hiệu mới.

Bên cạnh các cuộc chiến thương hiệu, nhiều hãng cao cấp cũng đang phải đối mặt với cuộc chiến giành giật thị trường vô cùng khốc liệt tại đây.


Thị trường tiềm năng

Trong những năm gần đây, Trung Quốc được biết đến là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới. Doanh thu của các mặt hàng xa xỉ tại nước này được kỳ vọng sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Số lượng những người giàu có tăng đột  biến. Theo số liệu giữa năm 2011, Trung Quốc có khoảng 500.000 triệu phú Trung Quốc, cao hơn 31% so với năm 2008. Đầu tháng 2 năm 2012, theo báo cáo Wealth Report, Trung Quốc đứng thứ hai về số lượng tỷ phú trên thế giới sau Mỹ với 72 người. Và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phải đối mặt với tình trạng suy thoái và thị trường hàng cao cấp tại nhiều quốc gia đi xuống thì việc mua sắm những sản phẩm sa sỉ lại không ảnh hưởng đến tâm lý cũng như túi tiền của những người giàu có Trung Quốc.

Người Trung Quốc cũng nổi tiếng là thích thể hiện đẳng cấp và đam mê các mặt hàng cao cấp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 80% người trẻ tuổi tại nước này thích hàng hiệu. Hiệp hội Quốc tế về hàng hiệu (WLGA) vừa cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn thứ hai thế giới, trên Mỹ và sau Nhật Bản với mức tiêu thụ chiếm 25% thị trường toàn thế giới.

Từ 2007 đến 2011, thị phần tiêu thụ hàng hiệu tại Trung Quốc đã tăng từ 13% lên 25%. Mức tiêu thụ hàng hiệu năm 2011 của Trung Quốc khoảng 12,6 tỷ USD. Dự báo trong vài năm tới, rất có thể Trung Quốc sẽ thống trị thị trường tiêu thụ hàng cao cấp của thế giới.

Trong khi đó, rất nhiều hãng cao cấp xe hơi, thời trang, mỹ phẩm...nhận định Trung Quốc là cơ hội lớn đối với họ cũng như các nhà đầu tư.

Năm 2011,doanh số tiêu thụ xe sang BMW tại Trung Quốc tăng 26% mặc dù doanh số tiêu thụ BMW toàn cầu giảm 9%. 11 tháng đầu năm 2011 hãng này đã tiêu thụ được với 200.699 xe. Trong khi đó doanh số của Audi tại Trung Quốc đã tăng 35% lên 283.600 xe, và Mercedes tăng 31% lên 170.112 xe.

BMW- sở hữu thương hiệu xe hơi xa xỉ Rolls Rocye, có lợi nhuận năm ngoái tăng gấp 4 lần phần lớn nhờ nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc.

Tập đoàn nổi tiếng thế giới LVMH (Louis Vuitton, Moet Hennessy) cũng có ý định mở rộng thị trường tại nước này khi mà hiện tại 40% lợi nhuận của LVMH đến từ Trung Quốc.


Tại Trung Quốc, ngay cả những thương hiệu có giá cao ngất ngưởng như Ferrari, Lamborghini, Aston Martin, Rolls-Royce... đều lạc quan với triển vọng kinh doanh tại thị trường này.

 

 

Hàng nhái, và tình trạng vi phạm bản quyền

Tại Trung Quốc, liên tục xảy ra các vụ kiện liên quan đến bản quyền sáng chế cũng như thương hiệu. Trung Quốc hiện vẫn cho có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và toàn diện về lĩnh vực này. Đây cũng chính là một bất lợi lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài quyết định kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Nước này nổi tiếng trong việc sao chép mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm của các hãng lớn trên thế giới nhưng lại tung ra thị trường với mức giá rất rẻ. Đây chính là một thử thách không hề nhỏ đối với các thương hiệu cao cấp chính hãng.

Theo báo cao cáo của hội động thương mại quốc tế Hoa Kỳ, mỗi năm các doanh nghiệp Mỹ đã mất hàng vài chục tỷ USD do tình trạng vi phạm bản quyền sáng chế và thương hiệu ở Trung Quốc. Và những hãng cao cấp cũng không phải là trường hợp ngoại trừ.

Trong thời gian qua, mặt hàng cao cấp nhái tràn ngập thị trường Trung Quốc. Làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như thị phần của nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới như LV, Rolex, D&G, Prada, Gucci... Mặc dù nhiều vụ kiện đã được giải quyết nhưng tình trạng này vẫn còn đang tiếp diễn và rất khó không chế.

 

 

Sự nổi lên của các hãng cao cấp trong nước

Hiện nay, dòng sản phẩm cao cấp đang được các nhà sản xuất trong nước theo đuổi và rất chú trọng. Nhiều hãng cao cấp nội địa cũng đang nổi lên và mang tham vọng thống trị thị trường trong nước cũng như quốc tế. Trong thời gian gần đây, có vẻ như họ tỏ ra không hề kém cỏi so với những đối thủ rất mạnh đến từ các nước phương Tây.

Doanh số bán hàng của các hãng thời trang Trung Quốc như PYE, JNBY, Ochirly, Septwolves, Lilanz và Cabeen đều tăng trong vài năm trở lại đây và đang có tốc độ phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Hãng Li-Ning cũng có mức tăng trưởng rất ấn tượng trong mấy năm trở lại đây. Đây là thương hiệu thời trang nội hàng đầu Trung Quốc với hơn 7.900 đại lý trên khắp Trung Quốc. Họ còn đang trên đường chinh phục thị trường Mỹ cũng như châu Âu.

Rượu cao cấp cũng là một lợi thế của Trung Quốc khi họ sở hữu nhưng thương hiệu cao cấp tỷ USD. Các hãng rượu ngoại đang  gặp phải những trở ngại lớn trước những đối thủ trong nước như Moutai và Wuliangye- các nhãn hiệu rượu cao cấp được cho là đắt khách nhất và có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới.

Sự thành công của những thương hiệu cao cập nội địa trong thời gian gần đây khởi nguồn tự lợi thế hiểu biết văn hóa cũng như thị hiếu của chính người tiêu dùng trong nước. Và họ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đó trên con đường chinh phục khách hàng và "hất cẳng" đối thủ khỏi thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.


Theo VEF 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích