Từ ngày 1/4/2012, Thông tư 35/2011/NHNN, hướng dẫn công bố và cung cấp thông tin chính thức có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là việc công khai nợ xấu các ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại tới tình trạng các ngân hàng vì muốn "làm đẹp" con số mà sẵn sàng gian lận ảnh hưởng đến “chất” của con số công khai.
Thông tư 35 của NHNN có khá nhiều đổi mới, trong đó có điểm quan trọng là sẽ công bố 5/12 chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của IMF, gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ, chỉ số ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn đầu tư) của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ngoài ra, những thông tin về mua, bán, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể, thu hồi giấy phép của tổ chức tín dụng hay các xử phạt hành chính cũng sẽ được công bố; lãi suất điều hành, các loại tỷ giá, kết quả hoạt động thị trường liên ngân hàng, kết quả đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, diễn biến thị trường vàng và ngoại tệ; các chủ trương, định hướng điều hành của NHNN, các quyết định điều hành của Thống đốc...cũng sẽ được công bố kịp thời.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình minh bạch hoá thông tin về hoạt động ngân hàng. Trong đó, vấn đề công khai tỷ lệ nợ xấu là rất cần thiết và có lợi cho người gửi tiền bởi họ sẽ biết rõ ngân hàng nào tốt, xấu để có thể đặt niềm tin. Các ngân hàng cũng sẽ có lợi, vì yêu cầu này buộc họ phải bằng cách này hay cách khác nâng cao hiệu quả hoạt động, cố gắng lấy lòng tin của người gửi tiền.
Theo NHNN, đây là một bước tiến quan trọng của cơ quan này trong quá trình minh bạch hóa thông tin về hoạt động ngân hàng. Các thông tin này cũng sẽ góp phần định hướng dư luận, hạn chế những thông tin thiếu chính xác, sai lệch gây ảnh hưởng lên tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng thương mại công bố những con số nợ xấu rất khác nhau. Nhiều khoản nợ xấu ở các thị trường bị mất thanh khoản như bất động sản, chứng khoán không được công bố, vì có thể các khoản nợ này đã giảm so với giá trị thực nhưng không được thống kê.
Theo số liệu từ Thanh tra NHNN, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng năm 2011 là 3,39%, tăng 1,2% so với năm 2010. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam tăng lên đến 3 – 4 lần.
Một vị lãnh đạo của NHNN cho rằng, con số mà NHNN công bố chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro tín dụng của các ngân hàng do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và các tổ chức tín dụng thường không phân loại đúng theo quy định. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc công bố thông tin sai sự thật là sự lừa dối khách hàng, gây nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng.
Do vậy, thông tin trước khi công bố, cần được kiểm soát chặt chẽ. NHNN cũng cần quy định mức tiêu chuẩn xác định nợ xấu thống nhất cho tất cả các ngân hàng. Tránh tình trạng mỗi ngân hàng công bố một kiểu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo ngân hàng khi cho rằng, không giống như các doanh nghiệp thông thường, ngân hàng kinh doanh tiền, cũng là kinh doanh dựa trên niềm tin của người dân. Chỉ cần một ngân hàng công bố thông tin không trung thực, người dân mất niềm tin, khi đó, các ngân hàng cũng sẽ “chết” và kéo theo sau đó là cả một hệ thống đi xuống.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Luật bảo hiểm tiền gửi hiện đang được Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào tháng 5 tới. Ông Hiếu mong muốn dự án Luật này được Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi người gửi.
Ngoài ra, bảo hiểm tiền gửi cũng giúp người gửi tiền yên tâm hơn nếu các ngân hàng công bố thông tin sai lệch. Khi thấy các ngân hàng có vấn đề, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ vào cuộc vì suy cho cùng nếu ngân hàng đổ vỡ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là người phải chịu rủi ro. Do vậy, có thêm sự giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, hoạt động ngân hàng sẽ càng thêm minh bạch.