Và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Trả lời PV, ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho rằng, phải miễn thuế mới cứu được DN trong hoàn cảnh khó khăn này.
Miễn, giảm thuế, hạ nhanh lãi suất cho vay mới có thể cứu DN trong cơn “đại dịch” giải thể hiện nay. |
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội DN VVN, ông có nhận định gì về con số trên?
Trước hết đây là số liệu tương đối phản ánh đúng thực tế, rơi vào đối tượng DNVVN. Tình hình đang rất không bình thường, số lượng DN giải thể quá lớn và đang tiếp tục gia tăng. Có 3 lý do dẫn đến việc DN phá sản, giải thể hiện nay là chi phí, lãi suất quá cao, hàng tồn kho nhiều trong khi sức mua đang giảm. Lãi suất cao, DN thiếu vốn, buộc họ phải đình truệ sản xuất. Tình trạng kéo dài càng lâu, DN càng khó khăn và giải thể càng nhiều hơn.
Ông đánh giá như thế nào về biện pháp giãn, giảm thuế cho DN của Chính phủ?
Giãn, giảm thuế là một biện pháp thể hiện sự quan tâm của Chính phủ thời gian qua. Song thực tế, theo tôi, tác động kinh tế không đáng là bao, vì đơn vị thực sự gặp khó khăn mới được giãn, số DN còn lại thì dồn thuế qua năm sau. Với thuế thu nhập DN, anh nào có thu thì mới được giãn, nhưng không có thì không được giãn.
Thưa ông, nói vậy tức là Chính phủ cần có biện pháp thực tế hơn nữa?
“Để cứu DN, Chính phủ nên tiếp tục giãn thuế, thậm chí miễn giảm thuế một số ngành, ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, làm “ấm” dần một số lĩnh vực kinh tế, mà đầu tiên là bất động sản”, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ủy viên UB Kinh tế Quốc hội .
Đúng vậy. Cứu DN phải có nhiều biện pháp: thuế, phí, lãi suất, thủ tục hành chính, chính sách thương mại, tài khóa, chính sách phát triển DN, mở rộng thị trường, chính sách ổn định thị trường nông thôn… Tất cả phải làm mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời mới giải quyết được, chứ riêng ngân hàng thì không thể.
Ngoài ra, các biện pháp cũng phải thực hiện hợp lý, đủ “đô”. Ngay như với thuế, nếu giãn, giảm thuế lúc này là chưa đủ. Trong hoàn cảnh DN đã quá khó hiện nay, miễn thuế là tốt nhất. Hay như lãi suất, việc giảm ở mức từ 20% xuống còn 19% thì chỉ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, chứ về mặt kinh tế thì tác động không lớn. Cần thiết phải tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống 10 - 11% để lãi vay DN ở mức 13 – 14% mới hợp lý.
TP.HCM hiện có 60% DNVVN đình truệ, không đủ vốn duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt khủng hoảng. Hà Nội trong 2 tháng đầu năm, số DN đã giải thể tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. Theo ông, có cần giải pháp đặc biệt cho 2 đầu tàu kinh tế này?
Đây là 2 đầu tàu kinh tế chủ lực của đất nước, nên các chính sách phải có những kết quả mạnh mẽ mới kéo các địa phương khác được. DN tập trung vào đây nhiều nhất, nên phải làm thế nào để chi phí DN ít xuống thì khả năng khôi phục sản xuất nhanh.
Ông dự báo như thế nào về tình hình kinh tế các quý còn lại của năm?
Tăng tưởng ở mức 9 – 10% có thể đạt được, nhưng sẽ rất khó khăn. Quý I vừa qua tăng trưởng GDP chỉ có 4%, là quý đầu tiên thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Sản xuất đang co lại, nhập siêu chỉ có 300 triệu USD nhưng không phải là do quản lý tốt mà do sản xuất trong nước đình trệ, DN không nhập nhiều nguyên vật liệu như trước. Xuất khẩu cũng đang chậm lại, là một biểu hiện xấu, vốn tín dụng, đầu tư cũng đang giảm xuống so với trước.
Người đi vay giờ cũng phải tính, khi tồn kho tăng, hàng làm ra không bán được, lãi suất cao thì vay làm gì. Thực trạng này đe dọa tăng trưởng. Nên nếu Chính phủ không có những giải pháp tổng thể, đồng bộ, nhanh chóng và đủ mạnh thì số lượng DN phá sản sẽ nhiều hơn nữa.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), khảo sát của VCCI cho thấy, hiện các ngành nghề sản xuất đều gặp khó khăn. Hầu hết tài sản của DNNVV từ nhà xưởng, đất cát đã thế chấp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tồn tại, ngân hàng và DN phải tìm cách hợp tác cùng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, DN thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được. Vì lãi suất hiện nay quá sức của DN, muốn vay thì cũng khó vì DN không chứng minh tính khả thi. Chính phủ cần ưu tiên các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí và các khoản đóng góp khác của DN cho ngân sách.
Theo Đất Việt