Điểm lại những sự cố tiêu dùng “sốc” nhất tuần qua

Thứ ba, 03/04/2012, 15:07
Chiêu lừa đảo NTD biến vịt thành ngỗng rất tinh vi; Abbott trả lời vụ khách "tố" sữa lẫn bao cao su… là những sự kiện nóng hổi trong tuần qua.

Tin liên quan
>> ATM 'ngậm' tiền, ngân hàng đá trách nhiệm
>> Phù phép vịt thành ngỗng quay
>> Hoang mang tin độc tố, dân ngại dùng Coca, Pepsi


1. Giật mình chiêu làm giả vịt thành ngỗng
 
Những ngày qua, dư luận xôn xao và tỏ rõ bất bình khi có quá nhiều người tiêu dùng bị lừa, mua ngỗng quay hóa ra chỉ là những chú vịt quay bình thường, giá rẻ hơn rất nhiều.
 

Sự việc bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm sau khi một loạt các tờ báo ở Thâm Quyến, Quảng Châu của Trung Quốc đưa các thông tin, phản ánh của người dân khi cho rằng mình đã bị lừa, bỏ ra số tiền không nhỏ mua ngỗng quay nhưng hóa ra chỉ là những con vịt bình thường.

Chiêu đổi vịt thành ngỗng lừa khách hàng vô cùng tinh vi

Đến hôm 20.3, một đội kiểm tra quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra tại các tiệm ngỗng, vịt quay gia truyền và phát hiện, tỷ lệ đánh tráo ngỗng và vịt là 50/50, hòng để kiếm lời.
 
Theo các đầu bếp có kinh nghiệm của Trung Quốc, những cơ sở kinh doanh không đứng đắn đã làm giả ngỗng rất tinh vi. Họ tìm mua tim vịt, gà hoặc chỉ là miếng sụn, sau đó về nhà dùng dao sắc tạo thành hình khối nhỏ, rồi nhét lên đầu con vịt, nhô lên cao y hệt các đầu ngỗng. Bằng cách này, người tiêu dùng khó mà nhận biết, phân biệt ngỗng hay vịt.

 
2. Coca-Cola buộc phải thay đổi công thức lâu đời

Tập đoàn Coca-Cola đã buộc phải thay đổi công thức huyền thoại của đồ uống nổi tiếng Coca-Cola để để tránh việc phải cho in lên bao bì tại California thông tin cảnh báo về sự hiện diện của chất 4-méthylimidazole (4-MEI). Đây là một chất tạo màu caramel khi thử nghiệm với súc vật trong phòng thí nghiệm đã cho thấy nếu hấp thu với lượng lớn sẽ gây ung thư.
 
Vốn duy trì công thức pha chế loại nước giải khát nổi tiếng có từ hàng trăm năm qua, tập đoàn Coca-Cola cho biết mùi vị của Coca-Cola theo công thức mới vẫn được giữ nguyên và vô hại.  Ben Sheidler, một trong các phát ngôn viên của tập đoàn,  tuyên bố: “Chúng tôi không hề thay đổi gì cả, từ phương pháp sản xuất cho đến công thức pha chế. Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà cung cấp caramel giảm tỉ lệ chất 4-MEI xuống, cho phù hợp với quy định của tiểu bang California”.
 
Công thức cũ của Coca-cola có thể gây ung thư?

Cũng hiện diện trong các loại nước soda, bia và nước tương, chất 4-MEI được nhìn nhận là gây ung thư cho loài vật, nhưng còn đối với con người thì vẫn là chủ đề đang tranh cãi.  Hiệp hội Nước giải khát Mỹ (ABA) cho rằng khả năng gây ung thư chỉ mới được công nhận qua một công trình nghiên cứu trên loài chuột, các cơ quan an toàn thực phẩm Mỹ (FDA), Canada và Châu Âu (EFSA) vẫn chưa cấm sử dụng 4-MEI và chưa quy định ngưỡng tối đa cho các sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng tiểu bang California đã áp dụng nguyên tắc phòng ngừa nghiêm ngặt. Một đạo luật được thông qua vào năm 1986 buộc phải bảo vệ người tiêu thụ trước “các sản phẩm hóa học gây ung thư, gây quái thai hoặc vô sinh” và phải “thông báo cho người tiêu thụ biết các nguy cơ tiềm ẩn”. Tháng 12/2011, tiểu bang California đã ghi thêm chất 4-MEI vào danh sách các sản phẩm gây ung thư. California ấn định tỉ lệ tối đa của chất 4-MEI là 29 microgram cho mỗi sản phẩm tiêu thụ.
 
Theo một công trình nghiên cứu mới đây tại Washington do hiệp hội người tiêu dùng CSPI (Center for Science in the Public Interest) thực hiện, thì một lon nước ngọt Coca hay Pepsi chứa từ 103 đến 153 microgram chất này.
 
Hiệp hội CSPI đã kiến nghị lên FDA để chất 4-MEI được xếp vào danh sách các chất gây ung thư. Ông Jacobson nói: “Vấn đề hiện nay là biết được đến bao giờ thì Pepsi và Coca sẽ tiến hành các thay đổi này, không chỉ tại California mà còn trên toàn thế giới ?”

 
3. Abbott lên tiếng vụ khách "tố" sữa lẫn bao cao su
 
Nhật báo Tứ Xuyên ngày 19/3 đưa tin giới hữu trách đang điều tra tại sao một chiếc bao cao su lại lọt được vào hộp sữa bột hiệu Abbott (loại hộp giấy) ở Hàng Châu, Trung Quốc. 
 

Một người đàn ông họ Lý đang lấy sữa bột cho con gái thì tá hỏa khi múc trúng cái “áo mưa”. Điều đáng nói là con gái 13 tháng tuổi của anh đã dùng gần hết hộp sữa trong khi chiếc bao cao su đã nằm trong hộp khá lâu nên đã bị biến màu. Chưa rõ “áo mưa” này đã được sử dụng hay chưa. Nhật báo Tứ Xuyên dẫn lời anh Lý cho biết con gái mình đang bị nổi mẩn đỏ trên mặt và anh nghi ngờ liên quan tới bao cao su.

Vụ việc đang được tiến hành điều tra


Đại diện của Abbott đã lên tiếng phủ nhận việc bao cao su có thể lọt vào hộp sữa bột trong quá trình sản xuất và cho biết thông tin trên báo Trung Quốc là vô căn cứ, sai sự thật. Đại diện của Abbott đã gặp anh Lý (Hàng Châu – Trung Quốc) – người đã phát hiện bao cao su trong hộp sữa của hãng này.

Tuy nhiên, phát ngôn của hãng này đã lên tiếng phủ nhận việc bao cao su lọt vào sản phẩm trong quá trình sản xuất. Bởi vì, hệ thống sản xuất và kiểm soát nghiêm ngặt của Abbott nhằm ngăn vật lạ từ bên ngoài lọt vào trong sản phẩm sữa.
 
Còn đại diện Abbott Nutrion Singapore nói với trang YourHealth của Asiaone (Singapore) rằng, các cáo buộc được đưa ra trên báo chí Trung Quốc là vô căn cứ và không đúng sự thật.
 
Trong khi đó, khách hàng Lý đã gửi mẫu sữa của Abbott bị cho là có vấn đề đến một cơ quan kiểm tra chất lượng để tiến hành kiểm tra và sẽ công bố kết quả ngay sau khi nhận được thông báo.
 
 
4. ATM 'ngậm' tiền, ngân hàng đá trách nhiệm
 
Mới đây, qua đường dây nóng, Báo điện tử VTC News có nhận được phản ánh của anh Nguyễn Xuân Trường với nội dung như sau: Vào 17h17' và 17h18' ngày 13/03/2012, anh Trường có sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) số tài khoản (TK): 711A22230002 thực hiện 2 lần giao dịch rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (đặt tại Gián Khẩu, Gia Trấn, Gia Viễn, Ninh Bình). 
 
Số tiền mỗi lần anh định rút là 200.000 đồng. Tuy nhiên, máy ATM của BIDV thông báo là giao dịch không thực hiện được. “Song tôi vẫn nhận được tin nhắn trừ tiền trong tài khoản của tổng đài 8149 (tổng số tiền bị mất là 400 ngàn đồng)”, anh Trường cho biết. 
 
Ngay lập tức, anh Trường liên hệ với ngân hàng BIDV, nơi đặt cây ATM “ngậm tiền”, để khiếu nại nhưng nhân viên ngân hàng này không giải quyết cho anh. 
 
“Bức xúc với thái độ của nhân viên BIDV, tôi đã đến tận chi nhánh ngân hàng nơi tôi làm thẻ ATM (ngân hàng Vietinbank đặt tại khu kinh tế Nghi Sơn ở địa chỉ: Trúc Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) để phản ánh sự việc thì được nhân viên ở đây giải thích là lỗi mất tiền của tôi là do máy ATM của BIDV, bên Vietinbank không giải quyết được. Họ nói họ chỉ giúp tôi in sao kê các giao dịch làm bằng chứng để tôi sang BIDV khiếu nại”, anh Trường bức xúc cho biết thêm. 
 

Tuy nhiên, “do ngân hàng BIDV không nhận khiếu nại của tôi nên tôi đã gọi cho người phụ trách cây ATM nơi tôi bị mất tiền tên là Hằng, số điện thoại: 094772xxxx để trình bày sự việc thì cô này lôi quy định gì đó của ngân hàng ra để nói và bảo tôi sang bên Vietinbank để khiếu nại”, anh Trường tâm sự.
 

ATM ngậm tiền, BIDV và Vietinbank đẩy "quả bóng" trách nhiệm cho nhau?

Ngay sau khi nhận được phản ánh của anh Trường, Ông Phạm Lê Như Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ của BIDV cho biết: “Trong trường hợp khách hàng (chủ thẻ) có phát sinh khiếu nại, theo quy định của các ngân hàng thì khách hàng cần đến ngân hàng nơi mở thẻ để kiểm tra thông tin và xử lý triệt để”. 
 
Còn phía Vietinbank cho biết: “Với tình huống này, khi nhận được khiếu nại của khách hàng, lẽ ra cán bộ của BIDV sẽ phải hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng phát hành và xác minh giao dịch, trong trường hợp giao dịch không thành công thì tiền sẽ được hoàn trả vào tài khoản của khách hàng”. 
 
Với trường hợp của anh Trường, phía Vietinbank cho biết thêm, sau khi làm thủ tục tra soát, Vietinbank đã liên hệ ngay với ngân hàng BIDV xác minh 02 giao dịch của khách hàng đều không thành công và bị trừ tiền đúng như phản ánh nên họ đã thực hiện hoàn lại tiền vào tài khoản cho khách hàng ngay trong ngày 19/3 vừa qua. 
 
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới sự cố trên, đại diện lãnh đạo Vietinbank nói: “Về nguyên tắc, khi chủ thẻ VietinBank thực hiện rút tiền tại ATM của ngân hàng khác, lệnh yêu cầu kiểm tra tài khoản sẽ được chuyển về VietinBank và được VietinBank kiểm tra nếu còn đủ tiền sẽ trừ trên tài khoản của khách hàng trước.  Sau đó gửi lệnh cho hệ thống ATM của BIDV chi tiền cho khách. 
 
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ATM của BIDV đã không nhận được lệnh chi tiền (có thể do lỗi đường truyền của hệ thống Banknet), dẫn đến giao dịch không thành công, không chi tiền cho khách. Thông thường thì khi giao dịch không thành công ATM của BIDV sẽ thực hiện gửi lệnh đảo giao dịch cho ngân hàng phát hành trả lại tiền vào tài khoản cho khách hàng.
 
Với tình huống này của khách hàng Xuân Trường, đáng lẽ ra khi nhận được khiếu nại của khách hàng, nhân viên của BIDV phải có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục tra soát hoặc liên hệ với VietinBank để hỗ trợ giải quyết cho khách hàng kịp thời”. 
 
 
5. Constrexim Hod biến nhà tái định cư thành nhà công vụ
 
Một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí tuần vừa qua là việc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim (Constrexim Hod) đã có những việc làm khuất tất khi dùng quỹ nhà tái định cư (118 căn hộ) tại dự án Green Park (Yên Hòa – Cầu Giấy, Hà Nội), để bán cho Chính phủ sử dụng làm nhà công vụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Constrexim Hod đã sử dụng sai mục đích quỹ đất 20% của lô đất CT1 – CT2, thuộc dự án khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa, Cầu Giấy.
 
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Constrexim Hod cho rằng, việc bán quỹ nhà nói trên là đúng pháp luật và thực hiện theo chỉ đạo của cấp thẩm quyền. Theo đó, Constrexim Hod dùng quỹ nhà tái định cư để bán cho Chính phủ làm nhà công vụ và được sự chấp thuận của của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng.
 
Trả lời báo chí ngày 29/3, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc bán căn hộ tái định cư tại CT1, CT2 Yên Hòa làm nhà công vụ cũng ảnh hưởng đến quỹ nhà tái định cư, song nhu cầu về nhà công vụ cấp thiết hơn nên cần ưu tiên.
 
118 căn nhà thuộc quỹ nhà tái định cư của dự án này được chỉ đạo để làm nhà công vụ?

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, nhà tái định cư trên địa bàn chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nhà ở tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất cho các dự án theo đó các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ do thiếu quỹ nhà tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
 
Điều đáng nói, khi được hỏi về những vướng mắc liên quan đến dự án, chủ đầu tư đều lấy lý do thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành khảo sát một số dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội để mua nhà chung cư làm nhà công vụ. 
 
Tuy nhiên, trong văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng số 83/TTg-KTN của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc mua căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ ngày 13/1/2012 ghi rõ:
 
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội tổ chức mua 100 căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ, trước mắt mua 30 căn đáp ứng yêu cầu sử dụng được ngay.
 
Như vậy, Thủ tướng không hề chỉ đạo mua nhà chung cư thuộc quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm nhà công vụ cho Chính phủ.
 
Có lẽ chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo khi được hỏi đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: "Cảm ơn thông tin từ báo chí, tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay".
 
Còn dưới góc nhìn xã hội, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá: "Chúng ta có thể bắt đầu những dự án xây nhà công vụ hoàn toàn thuộc khu vực khác. 
 
Khu vực tái định cư là khu vực chúng ta coi là để đền bù cho những người bị thiệt hại về nhà ở do Nhà nước thu hồi đất. Đấy là việc mang tính an sinh xã hội, không phải thuộc kênh của thị trường mang tính thương mại. An sinh xã hội đây là bồi hoàn cho những người đang bị thiệt hại”.
 

Theo Giáo dục

Các tin cũ hơn