Thua trên sân nhà
Từ năm 2011 đến nay, VN đã phải chi hơn 2 tỉ USD để nhập trên 5 triệu tấn phân bón. Tuy Hiệp hội Phân bón VN vừa phát đi tin vui rằng năm 2012, lần đầu tiên VN sẽ xuất khẩu urê do Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy phân bón Ninh Bình đi vào hoạt động, nhưng thực tế là các cánh đồng ngô, khoai, lúa… vẫn đang phải tiếp tục “ăn” kali, phân SA, DAP nhập khẩu.
Theo tính toán, nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta hằng năm vào khoảng 8,5 triệu tấn các loại. Trong đó, phân lân, NPK và bây giờ là urê thì sản xuất trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu. Riêng phân DAP các nhà máy trong nước mới đáp ứng được trên 50% nhu cầu; kali mỗi năm cần khoảng 800.000 - 900.000 tấn thì trong nước không sản xuất được nên phải nhập khẩu hoàn toàn.
Về thức ăn chăn nuôi, theo Bộ NN-PTNT, năm 2011, cả nước phải chi tới 3,7 tỉ USD nhập 8,9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm ngô, cám nguyên liệu các loại, lúa mì, đậu tương hạt, khô dầu và thức ăn bổ sung khác.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, chúng ta đã đem 476 triệu USD để “đổi” lấy các loại nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, trong đó có cả những loại nước ta có đủ điều kiện để sản xuất và đáp ứng đủ nhu cầu như bắp, đậu tương, sắn, bột cá...
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, thừa nhận VN đang phải nhập 35% về lượng và trên 45% về mặt giá trị đối với tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi mỗi năm (24 triệu tấn).
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, thức ăn chăn nuôi luôn chiếm 65 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi nhưng nguyên liệu làm thức ăn ở nước ta thiếu nghiêm trọng, phải nhập khẩu là điều rất bất lợi. “Chúng ta đang quá phụ thuộc vào nước ngoài. Tình trạng này khiến giá cả thức ăn chăn nuôi trở thành một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành sản xuất chăn nuôi bị đội lên”, ông Lịch nói.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, giá thành chăn nuôi tại VN hiện nay quá cao, hơn 20% so với các nước trong khu vực, trong khi các nước này cũng có giá thành cao hơn 20% so với các nước có nền chăn nuôi phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi cao.
Ngay tại “sân nhà”, chúng ta cũng phụ thuộc vào doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang nắm giữ phần lớn thị phần thức ăn chăn nuôi. Ông Dương thừa nhận tuy chỉ có 56 trong tổng số 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động trên cả nước nhưng các DN nước ngoài lại giữ tới hơn 60% thị phần, trên 60% sản lượng.
Riêng với thức ăn cho tôm, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Uni President, CP, Tom Boy… đang nắm trong tay tới 95% thị phần.
Ông Lịch bức xúc: “Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài như Cargill, CP, Proconco, New Hope… đang chiếm phần lớn thị phần, chi phối thị trường nội địa. Như vậy, thêm một lần nữa chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài.
Họ mạnh hơn về vốn và chiến lược đầu tư, chưa kể đến yếu tố kỹ thuật. Phải nói trắng là chúng ta đang thua trên sân nhà. Nơi hẻo lánh nhất họ cũng đã có mặt”. Theo ông Lịch, hệ lụy của việc này là các DN nước ngoài nắm giữ giá cả vì ai nắm được thị phần thì người đó có lợi thế về mặt điều chỉnh giá cả.
Đem “đô” mua vắc xin
Liên tiếp trong nhiều năm qua, dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng xảy ra liên miên. Năm 2011, VN được đánh giá là khống chế tốt các dịch bệnh nguy hiểm này nhưng cũng đã có tới 2.293.607 con trâu, bò, lợn và gà mắc bệnh, trong đó hơn 217.000 con chết hoặc bị tiêu hủy.
Cơ quan thú y nhận định, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong nhiều năm tới và đang nỗ lực triển khai các biện pháp cấp bách, lâu dài để “sống chung với dịch”.
Vắc xin vẫn được xác định là “vũ khí” chính trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay, VN đang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc xin cúm gia cầm, heo tai xanh và lở mồm long móng do nước ngoài sản xuất và cung cấp, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc. Chỉ riêng vắc xin cúm gia cầm, từ năm 2005 đến 2010, cả nước đã phải chi 426 tỉ đồng mua trên 1,9 tỉ liều để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Điều đáng nói, việc phụ thuộc hoàn toàn vào vắc xin nhập khẩu sẽ dẫn đến nguy cơ bị động, thiếu hoặc vắc xin về không đúng thời điểm, khiến công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Lê Minh Sắt, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học - Công nghệ), nêu thực trạng: “20 năm qua chúng ta bắt tay nghiên cứu để tự chế tạo ra sản phẩm vắc xin “made in Việt Nam” nhưng đến bây giờ vẫn chưa thành công là điều đáng tiếc. Vắc xin phòng dịch tai xanh vẫn dựa vào nhập khẩu và chắc sẽ còn phải nhập dài dài”.
Nguyên nhân, theo ông Sắt, việc nghiên cứu chế tạo vắc xin lở mồm long móng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và phương tiện hiện đại, công nghệ cao mà chúng ta chưa thể đáp ứng. Ông Bùi Quang Anh, nguyên Cục trưởng Cục Thú y, nói rằng điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực con người trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin lở mồm long móng của chúng ta còn hạn chế. “Muốn thành công, nhất thiết chúng ta phải liên kết với đối tác nước ngoài”, ông Anh nói.
Theo ông Sắt, mới đây Công ty Navesco đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin cúm gia cầm. Tuy nhiên, vắc xin này cũng chỉ có thể đáp ứng được với chủng vi rút cũ, vô hiệu đối với nhánh vi rút đã biến đổi nên cũng không đáp ứng được thực tế phòng chống dịch.
Chúng ta đang cứ phải chạy theo trong việc nghiên cứu sản xuất vắc xin. Nếu cứ chậm chân như nhiều năm qua, chắc chắn, tình trạng phải tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vắc xin sẽ khó có thể được cải thiện bởi các công ty nước ngoài luôn “về đích trước” trong cuộc đua tìm vắc xin mới.
Dành quỹ đất thích hợp Để giải bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chúng ta phải làm tốt khâu quy hoạch, dành một quỹ đất thích hợp cho trồng cỏ, ngô, sắn... Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý nhất thiết phải cải tiến các bộ giống, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất cây trồng. Ngô là một ví dụ. Năng suất ngô hiện nay ở nước ta mới đạt dưới 4 tấn/ha, nếu các nhà khoa học, cơ quan nông nghiệp hỗ trợ giúp nông dân tăng lên 5 tấn/ha, diện tích hiện nay có khả năng mở rộng lên 1,5 triệu ha, thậm chí là 2 triệu ha thì lúc đó VN có thể không cần nhập khẩu ngô nữa. |
Theo Thanhnien