Vì thế, một giả thiết được nhiều chuyên gia BĐS đề cập, đó là một chu kỳ mới của thị trường BĐS đang manh nha hình thành.
Thị trường BĐS cần những cú hích
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), thị trường BĐS sẽ khả quan hơn trong thời gian tới và một diện mạo mới của thị trường chắc chắn sẽ hình thành.
Cụ thể, hiện có nhiều kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án đã được phê duyệt, đang triển khai được điều chỉnh quy mô theo hướng tăng số lượng căn hộ diện tích nhỏ và vừa cho phù hợp nhu cầu thị trường. Nhờ vậy, dự báo tình hình giao dịch sẽ được cải thiện, thanh khoản tăng lên.
Thị trường BĐS bước vào chu kỳ phát triển ổn định và không phụ thuộc vào vốn ngân hàng
Đặc biệt, cũng theo ông Hà, thời gian qua, nhiều công cụ tài chính trung và dài hạn cho thị trường nhà ở đang được trình Chính phủ; nhiều mô hình huy động vốn cho BĐS, nhất là nhà ở xã hội và nhà thu nhập thấp cũng đang được cân nhắc đưa vào thực tế. Vì thế, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cũng khẳng định, thị trường BĐS đang có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại.
Trần lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm về 13%/năm và dự báo tiếp tục hạ trong thời gian tới, nhiều người dân không còn coi gửi tiết kiệm là kênh sinh lời tốt. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát tăng mạnh vẫn rình rập trở lại, vì thế, khi BĐS đã giảm giá rất mạnh, nhiều người sẽ rút tiền để đầu tư vào BĐS. Song, thay vì đầu tư lướt sóng, nay NĐT mua BĐS như một cách để giữ tiền.
Giữ tiền nên NĐT rất tỉnh táo trong việc chọn mua sản phẩm. Cụ thể, người mua nhà hiện chỉ chọn những dự án đã hoàn chỉnh các các thủ tục pháp lý, hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, để chắc chắn sản phẩm mua sau này sẽ có sổ đỏ, chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh hoặc các sản phẩm đã hoàn thiện…
Mới đây, tại một Hội thảo về tìm nguồn vốn cho BĐS, TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2011, thị trường BĐS đã chứng kiến tất cả những bất lợi nhất. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, dù đã hết tháng 3/2012, thị trường chưa đổ vỡ và chưa có doanh nghiệp BĐS nào công bố phá sản. Theo ông Chung, thị trường BĐS hiện nay đang ở đáy và đang chờ những cú hích để đi lên.
BĐS sẽ không còn phụ thuộc ngân hàng?
Có một thực tế là động thái hạ trần lãi suất xuống 13%/năm và việc hạ lãi suất vẫn tiếp tục được cân nhắc được nhiều người kỳ vọng như một cú hích với thị trường BĐS. Tuy nhiên, trên thực tế, động thái này ngay lập tức không phát huy được nhiều tác dụng. Bởi đầu vào của ngân hàng đã giảm, nhưng đầu ra vẫn giữ ở mức rất cao.
Theo tính toán của TS. Trần Kim Chung, với mức lãi suất 20%/năm hiện nay, trong khi thị trường vẫn rất khó khăn và không bán được hàng, buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc, bán hạ giá để cắt lỗ. Vì thế, thị trường BĐS vẫn có những diễn tiến khó đoán định. Cụ thể, trong ngắn hạn, khả năng thị trường BĐS khởi sắc sẽ rất khó xảy ra. Khả năng dễ xảy ra nhất là thị trường sẽ tiếp tục như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ hoạt động cầm chừng và NĐT tiếp tục phải hy vọng.
Tuy nhiên, tình huống xấu nhất, ngoài dự đoán của nhiều người vẫn có thể xảy ra, một khi kinh tế châu Âu vẫn khủng hoảng, lãi suất tiền đồng vẫn giữ ở mức cao và lạm phát trong nước tăng trở lại. Khi ấy, các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó khăn hơn, thị trường sẽ suy giảm trầm trọng, các dự án tiếp tục ngưng trệ và NĐT rời khỏi thị trường. Muốn hồi phục trở lại, thị trường BĐS phải cần một thời gian rất dài.
Thừa nhận thị trường BĐS đang rất khó khăn và khó đoán định một cách chắc chắn bức tranh thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ ra sao, nhưng một số chuyên gia BĐS vẫn đưa ra nhận định về một chu kỳ phát triển mới của thị trường BĐS đang dần hình thành. Tại chu kỳ này, thị trường BĐS sẽ phát triển ổn định và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.