Kỷ nguyên mới nào cho kinh tế Myanmar?

Thứ tư, 04/04/2012, 07:40
Giàu tài nguyên, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, Myanmar là một trong những thị trường hiếm hoi còn sót lại của châu Á chưa được khai thác. Cùng với nỗ lực cải cách và một chính phủ mới được kỳ vọng sẽ đem lại đổi mới, Myanmar có thể chờ đợi một kỷ nguyên mới hưng thịnh hơn?


Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi bày tỏ niềm vui mừng khi kết quả bầu cử được thông báo.

 

Cải cách kinh tế thần tốc

20 năm sau cuộc bầu cử thất bại và bị giam giữ, bà Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, đại diện Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) đã trở lại vẫn với lời kêu gọi một "kỷ nguyên mới" cho đất nước chùa vàng. Bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4,  những người ủng hộ hy vọng bà sẽ đánh dấu một bước ngoặt ở Myanmar.

Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được chính thức công bố trong vòng một tuần tới. Tối 1/4, NLD thông báo bà San Suu Kyi đã giành được chiến thắng lịch sử khi đắc cử một ghế nghị sĩ đại diện cho Kawhmu tại Hạ viện, với 75% phiếu ủng hộ. Hàng trăm người đã tung hô chúc mừng ở bên ngoài trụ sở của NLD tại thủ đô Yangon.

Bà San Suu Kyi, đại diện cho phe dân chủ tại Myanmar vốn luôn được Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây ủng hộ. Các chuyên gia nhận định, việc cho phép bà San Suu Kyi tham gia tranh cử cũng như động thái của chính phủ Myanmar sau thông tin trên sẽ là một "phép thử" xem Myanmar có thực sự muốn một cuộc cải cách hay không. Nếu chính phủ Myanmar công nhận kết quả trên, nó sẽ cho thấy nỗ lực của nước này trong việc tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và mong muốn các quốc gia phương Tây nhanh chóng gỡ lệnh cấm vận.

Kể từ cuối năm 2010, chính phủ Myanmar đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Một loạt các biện pháp về đối nội và đối ngoại được thực thi với tốc độ kỷ lục. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Tổng thống Thein Sein đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng như mời lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tham dự một cuộc họp ở Naypyidaw, cho phép bà và đảng của bà tham gia tranh cử. Ông cũng dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số...

Về kinh tế, trong những tháng đầu năm 2012, Myanmar cũng đang có nhiều chính sách thay đổi "chóng mặt". Nhiều chính sách cải tổ nền kinh tế, mở cửa đã được áp dụng để thu hút đầu tư, như các chính sách ưu đãi, miễn thuế trong 5 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm không quốc hữu hóa, và nới lỏng kiểm soát tư hữu đất đai.

Mới đây nhất, Myanmar vừa quyết định thả nổi đồng tiền của mình Theo đó, tỷ giá hối đoái chính thức của đồng kyat hiện nay được ấn định cao gấp 125 lần so với tỷ giá Nhà nước quy định trước đó, lên mức 800 kyat/1 USD.

Việc thả nổi đồng kyat được coi là bước tích cực theo hướng đi đến thống nhất các tỷ giá hối đoái hiện nay giúp cho các nhà hoạch định chính sách lập kế hoạch phát triển kinh tế đất nước dễ dàng hơn; thúc đẩy tính cạnh tranh, xuất khẩu, cũng như giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm kinh doanh, giao dịch tại Myanmar.

Kỳ vọng nào cho Myanmar?

Giàu có về tài nguyên, đặc biệt là khí tự nhiên, vàng và đá quý, Myanmar là một trong những thị trường hiếm hoi còn sót lại của châu Á chưa được khai thác. Nguồn tài nguyên của nước này có thể sánh ngang với các quốc gia giàu tài nguyên như Ấn Độ, Trung Quốc.

Về vị trí địa lý, Myanmar hoàn toàn thuận lợi để giao thương buôn bán với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý định của Mỹ - vốn đang có kế hoạch tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Chính điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào thị trường mới này ngay sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, dù Myanmar đang tỏ ra "cởi mở" hết sức có thể, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho quốc gia này. Sự cấm vận trong gần nửa thế kỷ khiến quốc gia từng giàu có nhất khu vực này bị cô lập và tụt hậu, trở thành quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Mức GDP của Myanmar chỉ khoảng 50 triệu USD, quá nhỏ bé so với nước láng giềng Thái Lan là 348 triệu USD.

 

Một nhân viên ngân hàng làm việc sau khi chính phủ ra quyết định thả nổi đồng nội tệ.

 

Dù Myanmar đang có những thành tựu trên con đường giải quyết hai khó khăn chính của nền kinh tế đó là những biện pháp cấm vận của Mỹ và việc trao đổi tỷ giá không mạch lạc, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều vấn đề khác.

Những khó khăn dễ thấy nhất đó là: cơ sở hạ tầng lạc hậu, luật đầu tư yếu kém, một hệ thống ngân hàng gần như tê liệt, quản lý Nhà nước không hiệu quả, tình trạng thiếu việc làm sự thiếu hụt của lao động tay nghề cao.

Tình trạng thiếu việc làm ở quốc gia này cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Thực tế, có một lượng lớn lao động tay nghề thấp đang làm việc tại Thái Lan. Theo một bản báo cáo, có khoảng 1 triệu lao động di cư của Myanmar vào Thái Lan, chiếm khoảng 1/3 số lượng công nhân có tay nghề thấp tại đây và có mức lương chỉ bằng 30 - 50% công nhân bản xứ. Ở đây, những người Myanmar bị đối xử như công dân hạng hai, luôn phải làm những công việc nguy hiểm, bẩn thỉu và khó khăn.

Mặc dù vậy, hiện tại, các chuyên gia cho biết, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lượng người Myanmar di cư sang Thái Lan đang chậm lại. Nghèo đói và không có việc làm khiến những người lao động tay nghề thấp phải sang các quốc gia láng giềng để tìm việc.

Ngoài vấn đề lao động, chính phủ Myanmar còn phải nỗ lực hơn trong việc cải cách nền nông nghiệp - khu vực đang chiếm 2/3 dân số nhưng lại hoạt động không hiệu quả và năng suất thấp.

Với những khó khăn còn chồng chất như vậy, còn quá sớm để nói tới thành công của Myanmar, hay khả năng đuổi kịp Việt Nam hay Thái Lan. Nhưng với những nỗ lực đáng ghi nhận trong cải cách của chính phủ thời gian qua, Myanmar đang có những bước đi vững chắc để chuẩn bị cho một "kỷ nguyên mới" hưng thịnh hơn.

Theo WSJ, BW/VEF 

Các tin cũ hơn