Về việc thu phí giao thông: Chính sách chưa tới nơi tới chốn

Thứ tư, 04/04/2012, 09:48
Việc đề xuất thu phí liên quan đến phương tiện giao thông đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới chuyên gia. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Full Right TP.HCM cho rằng việc thu phí sẽ khó thực hiện.

Tin liên quan

>> Bộ GTVT lên tiếng về thu phí
>> Nhạc sĩ Quốc Trung muốn đăng đàn bàn chuyện thu phí xe hơi
>> Thu phí phương tiện giao thông cá nhân: “Hãy đưa ra một cái lệnh hợp lý”
>> Thu phí, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng xấu


Luôn vượt dự toán


Đề xuất thu phí giao thông chưa nhận được sự đồng thuận từ dư luận.
 

 

Theo số liệu về đầu tư, lĩnh vực giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Trên thực tế dù đầu tư rất nhiều nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể. Đâu là nguyên nhân? 

TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định: “Đó là do hiệu quả về đầu tư trong giao thông rất thấp. Đơn cử như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây Nam Bộ. Dự kiến tổng vốn đầu tư ban đầu là 4.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 6.000 tỷ đồng và cuối cùng là 10.000 tỷ đồng. Đáng lẽ chỉ cần đầu tư 1 thì chúng ta đã phải đầu tư 2,5 nghĩa là tăng 150% so với dự toán ban đầu”.

Không chỉ những dự án do Việt Nam làm mà cả các dự án do các nhà đầu tư quốc tế tài trợ cũng bị đẩy giá. Ví dụ là tuyến đường từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi. Tổng chiều dài của quãng đường này là 125km chia đôi cho 2 tuyến, chi phí đầu tiên do Ngân hàng Thế giới phê duyệt là 6,7 triệu USD cho 1km đường tốc độ cao 4 làn xe.

Tuy nhiên, con số cuối cùng được đưa ra là 10 triệu USD cho 1km, nghĩa là tăng gấp rưỡi. Một ví dụ nữa là về sân bay, hiện chúng ta đang xây nhà ga T2 tại Nội Bài, chi phí so với một sân bay tương tự đã được xây tại TP Hồ Chí Minh tăng gấp 2,5 lần.

“Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy là một sự chi tiêu vượt mức so với dự trù ban đầu. Và không phải chi vượt mức ở mức độ 20-30% mà là ở mức 100-200%. Chi tiêu rất nhiều nhưng chi tiêu vượt mức nên kết quả đạt được không nhiều. Ngoài ra còn có những dự án không cần thiết hoặc chưa cần thiết” - TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh. 

Tìm mọi cách…

“Khi tham vọng đầu tư rất lớn mà nguồn lực không có thì phải tăng phí ở đâu đấy. Khi mà phải tăng phí ở đâu đấy thì phải tìm cách thu tại những chỗ có thể thu như phí trên đầu phương tiện, phí đi vào nội đô… nghĩa là tìm mọi cách để tăng” - ông Anh chỉ rõ. 

Chuyên gia này cũng cho rằng, ở thời điểm này, sự chuẩn bị về mặt chính sách là chưa tới nơi tới chốn. Khi đưa ra một chính sách phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng nếu không chính sách đó sẽ rơi vào trạng thái một là bất cập, hai  là chịu sự phản đối từ phía công luận. 

“Điều này có nghĩa khi chúng ta thực hiện chính sách về thu phí phương tiện, tôi tin sẽ gặp phải rất nhiều sự phản đối. Thứ nhất là ở mặt vĩ mô áp dụng phí lưu hành sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời tăng giá xăng, tăng phí liên quan tới giao thông đường bộ thì tất cả các khoản phí chồng vào và tăng cùng một lúc sẽ nhận được sự phản đối rất lớn từ phía người dân. Với sự chuẩn bị chưa chu đáo lại chịu sự phản đối nên tôi cho rằng điều này rất khó thực hiện ít nhất trong vài năm tới” -  TS. Vũ Thành Tự Anh nói.

Theo ANĐT

Các tin cũ hơn