Tây Ban Nha: Suy thoái kinh tế trong năm 2012?

Thứ ba, 22/11/2011, 08:14
SaigonNews - Chỉ được hỗ trợ bởi các công cụ xuất khẩu và du lịch, nền khinh tế Tây Ban Nha khó tránh khỏi bị kéo theo trong cơn bão suy thoái toàn cầu.


 

Từ đầu năm 2010, Khủng hoảng bắt đầu bùng nổ từ bong bóng thị trường nhà đất. Bị ảnh hưởng thời gian dài, nhu cầu tiêu dùng nội địa, đầu tư bị đình trệ, Tây Ban Nha còn bị đè nặng bởi tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục. Các nhà kinh tế dự báo tình hình có thể tồi tệ hơn trong hai quý tiếp theo.

Năm 2012, Natixis dự kiến GDP nước này sẽ giảm 0.2%, thậm chí còn nghiêm trọng hơn, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch thì cho rằng con số đó phải là 0,7%. Hai ngày trước cuộc bầu cử, chính phủ đã phải chấp nhận mức tăng trưởng trong năm tới là 0,8%  so với 1,3% năm 2011, con số này chưa đạt được một nửa so với dự kiến của Brussels cho khu vực đồng Euro.

Việc làm: Cái khó trước mắt

Với hơn 22%, Madrid cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khu vực đồng tiền chung. Tình trạng thất nghiệp vẫn chưa có dự kiến cải thiện trong ngắn hạn và trung hạn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Tây Ban Nha, trong đó, chịu ảnh hưởng lớn nhất là ngành xây dựng và bất động sản, đã mất hơn 1,4 triệu việc làm kể từ năm 2007. Bên cạnh là 700.000 công ăn việc làm ở các ngành công nghiệp khác.

Thách thức đặt ra là 1 lượng lớn đội ngũ nhân lực hiện có: trẻ, trình độ thấp, không có kinh nghiệm và nhân công nước ngoài… Tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ngày càng tăng mạnh là hiểm họa cần được loại trừ hiện nay của xứ sở Bò tót. Ưu tiên số một, chính phủ Zapatero đưa ra những sáng kiến cải cách, mong muốn thị trường lao động sẽ linh hoạt hơn, ảnh hưởng tích cực tạo thêm nhiều việc làm.

Thị trường bất động sản “đốn ngã” các ngân hàng?

Thời kỳ hưng thịnh của bất động sản, năm 2003, TBN có hơn 700.000 ngôi nhà được xây dựng mỗi năm, nhiều hơn ba nước Anh, Pháp, Đức cộng lại. Nhưng tính đến quý II năm nay,con số tồn kho từ năm 2008  cũng lên tới gần 700.000 ngôi nhà. Những “thành phố không người” liên tục mọc lên, thị trường đóng băng, thanh khoản kém… càng làm gia tăng mối lo ngại cho ngân hàng vì các khoản nợ xấu. Điều chỉnh lãi suất và hạn mức tín dụng  là việc làm cần thiết giúp các tổ chức tài chính của Tây Ban Nha có thể thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Nợ công: Bài toán chung của khu vực
 
Tây Ban Nha đã bắt tay vào việc củng cố ngân sách từ năm 2009, kết hợp với kế hoạch thắt lưng buộc bụng như: áp dụng bảng lương thấp, cắt giảm chi tiêu xã hội, tăng thuế và cải cách lương hưu… Sau khi có báo cáo thâm hụt ngân sách tăng tới 11,2% GDP trong năm 2009, Madrid đã đặt mục tiêu giảm còn 6% trong năm nay.

Một kịch bản của Hy Lạp, Ý dường như đang có cơ hội tái diễn tại quốc gia trên bán đảo Iberia này.Muốn vượt qua thách thức trong tình thế khủng hoảng toàn cầu này, Tây Ban Nha cần thiết phải áp đặt các chính sách nghiêm ngặt hơn nữa.

Thanh Nga

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn