Lạm phát 2012 của Việt Nam sẽ giảm mạnh

Thứ tư, 23/11/2011, 08:50
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lạm phát tại Việt Nam vào khoảng 19% cuối năm nay và khoảng 10,5% trong năm 2012, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra thông tin với báo giới.


Tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại do chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát.


Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa được WB công bố sáng nay 22/11.

So với các dự báo về kinh tế Việt Nam cũng được WB đưa ra hồi tháng 3 năm nay, nhiều điều chỉnh đáng chú ý đã được cập nhật tại báo cáo lần này. Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm 2011 đã được điều chỉnh rất sâu từ 6,3% xuống mức 5,8%; lạm phát thì từ ước tính khoảng 9,5% cho cả năm 2011, thì nay lên đến 19%.

Các con số mới được đề cập cũng khá tương đồng với báo cáo cập nhật kinh tế châu Á năm 2011, do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện và công bố hồi giữa tháng 9/2011, trong đó đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 5,8%, và lạm phát ở mức 18,7%.

 

Ông Deepak Mish: kinh tế trưởng của World bank

Phân tích các tác động đến giảm tăng trưởng của năm nay, WB dẫn các điều chỉnh quan trọng về mặt chính sách đã tác động đến sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo, tăng trưởng đã chậm lại trong nửa đầu năm do chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát; lãi suất tăng cả chiều gửi và cho vay, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại; chính sách tài khóa thắt chặt hơn…

Liên quan đến các cân đối vĩ mô lớn, WB cho rằng, việc thu hẹp thâm hụt thương mại và Ngân hàng Nhà nước mua vào một lượng ngoại tệ lớn ngoại tệ cũng đã giúp tăng dự trữ ngoại hối, đạt khoảng 2 tháng nhập khẩu vào cuối tháng 7. Thâm hụt cán cân vãng lai dự kiến sẽ thấp hơn 4% GDP trong năm nay, ngang với mức thâm hụt của năm 2010.

“Điều này có thể giúp giảm các khó khăn tức thời liên quan đến cán cân thanh toán, cũng như giảm sức ép mất giá tiền đồng”, báo cáo bình luận.

Từ những giải pháp chính sách tổng hợp, tốc độ lạm phát đã chậm lại kể từ tháng 6/2011. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận, trong tương lai gần lạm phát sẽ không giảm mạnh do các yếu tố như giá hàng hóa cao, lương tối thiểu được điều chỉnh, giá điện có thể tăng và kỳ vọng của thị trường chính sách tín dụng sẽ được nới lỏng trong quý cuối năm 2011.

Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang bắt đầu gây áp lực đối với ngành ngân hàng.

WB cho biết, trước điều kiện thanh khoản thắt chặt hơn kể từ cuối năm 2010, các ngân hàng thương mại nhỏ đã đưa ra mức lãi suất huy động cao đến 18%, dù Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn duy trì lãi suất này ở mức 14%. Đồng thời, các ngân hàng cũng “dâng” lãi suất cho vay lên đến 22-27%.

“Trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà giảm, áp lực đối với phía vay sẽ lớn hơn nữa trong các tháng sắp tới, dẫn đến sự suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm 2011-2012”, báo cáo lưu ý thêm.

Và dù Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản, có “ám chỉ” khả năng phải sáp nhập, nhưng WB cho rằng, trong điều kiện vĩ mô yếu kém, các nhà quản lý ngân hàng còn lưỡng lự khi buộc các ngân hàng phải hợp nhất, hoặc để một số phá sản.

“Những vấn đề chưa thể giải quyết trong ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn là mối quan ngại đối với Việt Nam trong những năm tới”, thông tin từ WB cho hay.

Trong bối cảnh đó, ông Mishra cho rằng câu hỏi quan trọng là đã đến lúc nới lỏng chưa? Theo chuyên gia đến từ WB này, việc Chính phủ quyết tâm giảm lạm phát xuống dưới mức lãi suất hiện hành là quan điểm tốt, cần duy trì trong điều kiện hiện nay.

Đề cập đến triển vọng năm 2012, các nhìn nhận của WB cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ “sáng màu” hơn. Tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP năm tới sẽ đạt mức khoảng 6,1%, trong khi lạm phát sẽ giảm mạnh mặc dù vẫn khó đưa về ở mức một con số. Cụ thể, báo cáo cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm tới sẽ tăng khoảng 10,5%.

Với các cân đối khác, WB cho rằng hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, tuy nhiên thâm hụt thương mại sẽ tăng lên, kéo theo thâm hụt cán cân vãng lai; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khởi sắc hơn; nợ nước ngoài có thể lên đến 52,2% GDP…


Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn