Doanh nghiệp “chơi ép”, nông dân “bẻ kèo”

Thứ sáu, 18/05/2012, 10:43
Sự không tin cậy, thậm chí là “chơi xấu” lẫn nhau đã làm cho tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân ĐBSCL đang diễn ra ngày càng phức tạp.


Tiêu được mùa, nông dân cán đích thành...tỷ phú
Nông dân "ôm nợ" cả nghìn tỷ đồng!
Lúa Global GAP giúp nông dân làm giàu

 



Mua bán nông sản giữa nông dân và DN cần có những hợp đồng ràng buộc.


Quá nhiều bất cập…

Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Cần Thơ cho thấy, người nông dân ĐBSCL thường hay than phiền về tình trạng thường xuyên bị các DN “chơi ép”.

DN không chịu mua theo giá thị trường làm nông dân thua lỗ, nhất là hay kiếm cớ chèn ép nông dân nhiều mặt mỗi khi đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, các DN cũng không chịu chi trả các chi phí phát sinh, đặc biệt là không chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với nông dân.

Còn đối với DN, họ luôn đau đầu trước tình trạng nông dân hay “bẻ kèo”, chạy theo lợi nhuận, không giữ đúng thỏa thuận ban đầu (khi giá lên thì không chịu bán như mức giá đã ký trong hợp đồng).

Không chỉ vậy, nhiều nông dân đã cho bơm chất kích thích, nông dược... vào các loại nông sản khi đến kỳ thu hoạch nhằm tăng trọng nhanh cho cá, tôm hay rau củ..., không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nuôi trồng, làm giảm chất lượng nông sản khi bán cho DN.

Những bất cập trên đã làm cho nông dân và DN không còn tin tưởng lẫn nhau. Nông dân ít chịu hợp tác với DN và ngược lại, cũng chưa có nhiều DN đầu tư cho nông dân trong quá trình sản xuất. Nghiêm trọng hơn là tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu nông sản giữa đôi bên diễn ra ngày càng nhiều.

Hệ quả: Dù là người làm ra nguyên liệu chính nhưng nông dân ĐBSCL lại có thu nhập rất thấp trong chuỗi giá trị sản xuất. Còn các DN cũng phải chịu những thiệt hại nặng nề.

Cần có sự ràng buộc

Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là người nông dân luôn trong thế bị động, khả năng thương lượng, đàm phán trong giao dịch, làm ăn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, DN thì ít am hiểu về pháp luật, nhưng lại rất chủ quan. Quan hệ mua bán chủ yếu là sự tin cậy (hợp đồng bằng miệng), chưa có sự cam kết chặt chẽ. Các hợp đồng mua bán thường chỉ mang tính đối phó.

Vừa qua, tại hội thảo “Hợp đồng mua bán nông sản - thực trạng và những vấn đề về thể chế pháp lý” do VCCI Cần Thơ tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để có một giao dịch mua bán thành công giữa nông dân và DN tiên quyết phải có hợp đồng cụ thể, rõ ràng, nhất là phải bảo đảm khả năng thanh toán của bên mua.

TS Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, việc ký kết hợp đồng nông sản sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả đôi bên.

Đối với nông dân, họ sẽ được kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định, được cung cấp vật tư và kỹ thuật, từ đó nâng cao tính thương mại hóa cho người sản xuất, đặc biệt cho người sản xuất nhỏ. Về phía DN, họ có thể chủ động nguyên liệu, chủ động trong nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành (quản lý chi phí, nâng cao công nghệ, chất lượng lao động)...

Trong khi đó, các chuyên gia ngành luật đề xuất: Đã đến lúc phải đặt vấn đề thực hiện bảo hiểm đối với các hợp đồng mua bán nông sản để đảm bảo thành công giữa bên mua và bên bán.

 

“Quyền lợi của người nông dân chỉ được đảm bảo khi họ tập dần thói quen quan hệ mua bán qua hợp đồng. Đặc biệt, các nông dân cần phải liên kết lại để nâng cao sức mạnh về quy mô, chất lượng sản phẩm để trở thành đối tác mà các DN phải nể trọng...”.
 
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ



Theo Laodong

Các tin cũ hơn