Ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo giới.
Thưa ông, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã tung ra các ưu đãi “khủng” để thu hút khách hàng, nhưng giao dịch vẫn ảm đạm. Phải chăng, những “chiêu” khuyến mại đó vẫn chưa đủ để tạo được sức hút lôi cuốn khách hàng?
Đúng là trong thời điểm thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay, chủ đầu tư đã làm mọi cách để thu hút sự quan tâm của khách hàng, từ hạ giá, tặng quà, đến hỗ trợ lãi suất, trải nghiệm thử…, nhưng vẫn không khiến cho thị trường bất động sản sôi động hơn.
Tôi cho rằng, những “chiêu” khuyến mại đó đã là sự cố gắng rất lớn của các chủ đầu tư nhằm bán được hàng và cần phải nhìn nhận việc đó một cách tích cực, đáng khích lệ. Nhưng việc khách hàng lưỡng lự là do chính bản thân họ cũng đang gặp khó khăn.
Nhìn một cách tổng thể, khi cả nền kinh tế suy giảm thì lượng tiền tích lũy được của người dân chắc chắn sẽ bị giảm sút, trong khi giá cả chi tiêu thiết yếu hàng ngày lại tăng, khiến nguồn tiền tích lũy được bị thu hẹp lại.
Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài, khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn. Người dân bắt đầu thận trọng trong chi tiêu nói chung, đặc biệt là khi quyết định mua một khối tài sản có giá trị lớn như bất động sản lại càng thận trọng hơn. Người mua hiện không còn tin vào những lời quảng cáo hay lời rỉ tai rằng “mua đi, nhất định có lãi đấy” như trước đây, họ đã quá hiểu thị trường nên rất thận trọng.
Như vậy là sự trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian qua lại có nguyên nhân từ phía cầu?
Savills vừa có một cuộc khảo sát với các nhà đầu tư bất động sản. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, mức giá hiện nay của thị trường cũng đã tương đối hấp dẫn những nhà đầu cơ mới và tạo động lực cho cả những nhà đầu tư dài hạn.
Những người có nhu cầu mua bất động sản để ở cũng đang nghe ngóng thị trường xem đã chạm đáy hay chưa để hiện thực hóa dự định của mình. Nhu cầu mua bất động sản rõ ràng là rất thực và lúc nào cũng có.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhà đầu tư hiện đang quan tâm nhất đến phân khúc có giá khoảng 1 - 3 tỷ đồng/căn, với gần 70% số người được hỏi. Trong khi chỉ có chưa tới 30% người được khảo sát chú ý đến phân khúc 3 - 7 tỷ đồng/căn và phần nhỏ còn lại là những người quan tâm đến loại hơn 7 tỷ đồng/căn.
Kết quả khảo sát trên có làm ông bất ngờ?
Việc chưa biết rót vốn vào đâu, như thế nào, lại cho thấy những giả thiết: hoặc là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hoặc thị trường còn nghèo loại hình sản phẩm để đầu tư, cái đang được chào bán không phải cái họ muốn.
Một khả năng nữa là kết quả khảo sát này phản ánh chính tâm lý của thị trường, tất cả đối tượng tham gia thị trường đều đang bối rối.
Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, trong đó có những chính sách được nhận định sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Ông có bình luận gì về việc ban hành những chính sách đó?
Chính phủ đặt ra mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, nhưng lại vừa đạt được tăng trưởng kinh tế, nên đã ban hành nhiều chính sách để tác động vào sự phát triển kinh tế chung. Việc can thiệp bằng chính sách đã có tác động đôi chút đến thị trường bất động sản ở những thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể can thiệp bằng chính sách mãi được. Hơn nữa, theo nguyên lý thị trường thì việc can thiệp chỉ bằng chính sách của Nhà nước không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả.
Đặc biệt, tôi cho rằng, các chính sách vừa rồi vẫn nghiêng về bên cung, nhưng theo tôi, cần phải tập trung cho bên cầu nhiều hơn. Như kết quả mà chúng tôi khảo sát trong quý I/2012, cầu rất ít và năng lực của cầu lại càng xuống thấp, vì trong bối cảnh suy thoái này, nguồn thu nhập của người dân không ổn định.
Vì vậy, nếu các chính sách có thể tác động đến phía cung để các dự án hoạt động được, thì cũng cần quan tâm đến phía cầu để thị trường có thể phát triển một cách toàn diện.