Bốn tháng đầu năm trên địa TP Hồ Chí Minh có 8.293 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể thì tổng số DN, hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động hoặc giải thể lên đến 32.284 cơ sở.
Một trong những nguyên nhân khó khăn nhất dẫn đến các cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động chính là hàng hóa làm ra không tiêu thụ được nên không có tiền quay vòng sản xuất trong khi vẫn phải trả lương nhân công và lãi vay ngân hàng.
Giám đốc một DN sản xuất các mặt hàng khăn giấy, giấy vệ sinh, giấy lau tay cho biết, do hàng tiêu thụ chậm nên các khoản vay ngân hàng khó trả được. DN đã lấy nguyên vật liệu để thế chấp làm tài sản vay vốn lưu động nên không thể đem hàng tồn kho ra thế chấp vay tiếp. Tình trạng hàng tồn kho đang diễn ra ở nhiều DN dệt may, nhựa, xi-măng, thép... khiến nhiều DN không dám vay ngân hàng cũng như mở rộng sản xuất.
Trước sức ép về vốn, nhiều người kinh doanh phải bán thanh lý hàng hóa.
Làm gì để khơi thông nguồn vốn sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho quá lớn như hiện nay? Thực tế đang diễn ra là hàng tồn mà giá vẫn cao do chi phí lớn. Thí dụ như con heo từ trại chăn nuôi phải qua năm khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng do nhiều khoản phí vận chuyển, kiểm dịch, giết mổ chính thức và không chính thức gần cả trăm nghìn đồng.
Thương lái bán cho tiểu thương chợ sỉ, chợ sỉ bán cho chợ lẻ. Tiểu thương chợ lẻ bỏ mối cho nhà hàng, quán ăn hoặc người bán lẻ mới đến tay người tiêu dùng. Ðường đi của bó rau, cọng hành, củ cải cũng phải qua 4 đến 5 tầng nấc trung gian. Mỗi tầng nấc phải chịu đủ loại chi phí xăng dầu, thuế, phí cầu đường... nên giá cả hàng hóa bị đẩy lên quá cao.
Có ý kiến cho rằng, ngân hàng nên cho DN thế chấp hàng tồn kho để DN có vốn xoay xở. Theo các ngân hàng, cần phải xác định hàng tồn kho của DN là loại nào, mặt hàng gì mới có thể thế chấp, nếu không bộ máy ngân hàng sẽ lại "phình" ra do phải có thêm đội ngũ nhân viên thẩm định giá và lại dễ phát sinh tiêu cực.
Các ngân hàng giữ quan điểm, DN sản xuất phải tự tìm đầu ra. DN cần nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sức mua, đổi mới mẫu mã cho kịp xu hướng đời sống hiện đại ngày nay. DN cần giảm giá bán, khơi thông nguồn hàng tồn kho, để tồn tại và phát triển.
Phần lớn DN cho rằng, Nhà nước cần có chính sách kích cầu tiêu dùng hơn nữa vì nếu không có đầu ra, hàng hóa tồn ế không tiêu thụ được thì lãi suất cho vay xuống 10%, DN cũng không dám vay.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh để giúp DN kiểm soát chi phí đầu vào, đề nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất. Hai là, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu, điện bảo đảm việc tăng chi phí đầu vào cho kinh doanh không gây khó khăn nhiều cho DN.
Ba là, Nhà nước cần có chủ trương giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng như mua lại nợ, mở rộng dự án nhà thu nhập thấp, tái cơ cấu nợ đối với DN... giúp đồng vốn lưu thông. Bốn là, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể giúp DN tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Năm là, với ngành bất động sản, Nhà nước cần có chính sách cấp bách và linh hoạt giúp thị trường này "ấm lại". Sáu là, cùng với việc thực hiện Nghị quyết II, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách gắn liền với tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong đăng ký kinh doanh, nhà đất, xây dựng, thuế, hải quan, kiểm tra chất lượng.
Trong giai đoạn này, phong trào Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cần được Nhà nước khuyến khích sử dụng hợp lý dưới mọi hình thức, nhằm nâng cao kích cầu tiêu dùng.