ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần đưa chủ trương, chính sách, các gói hỗ trợ của Chính phủ đến DN nhanh nhất |
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phân tích không thể giảm thuế được nữa. |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh:
Những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra năm đơn vị, thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước, bao gồm: Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines).
Kết quả đã phát hiện vi phạm tại các tập đoàn này lên tới trên 30.000 tỉ đồng. Đây là con số chính thức mà báo chí đã đưa tin và thanh tra có được.
Vi phạm của các đơn vị thuộc năm dạng là: sai qui trình, thủ tục theo quy định Nhà nước trong đầu tư, chi phí và các hoạt động sản xuất kinh doanh; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả lợi nhuận không đúng và trình độ quản lý DN còn nhiều yếu kém, dẫn đến các vi phạm về kinh tế và pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện thất thoát đối với các nguồn vốn này. Tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều đã có kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả vi phạm.
Riêng tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển qua cho cơ quan điều tra dự án xây dựng nhà máy xi măng Đồng Bành.
Đối với Vinalines, qua thanh tra phát hiện Vinalines đầu tư dàn trải và có biểu hiện nóng vội, chủ yếu bằng vốn vay, chiếm tỉ lệ cao đến 82%. Dù có sai phạm nhưng Vinalines vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh, tuy nhiên càng về sau thì hiệu quả càng kém, đến năm 2012 bắt đầu lỗ. Theo chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của Vinalines hiện nay rất khó khăn, cần phải được tái cơ cấu. Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ sửa chữa ụ tàu nổi của Vinalines.
Về vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ tháng 9.2011 đến nay, khiếu nại, tố cáo trong cả nước giảm ở cả ba mặt (số đơn, số lượt người và số lượt công văn). Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn đang rất phức tạp, nhiều trường hợp quá khích, đối đầu với chính quyền.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cho biết: Tính đến cuối năm 2010, tổng tài sản của các tập đoàn, công ty nhà nước lên đến 1.799 nghìn tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 1.088 nghìn tỉ. Vốn chủ sở hữu tính đến 31.12.2010 vẫn còn 40%. Lợi nhuận năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt 162.910 tỉ đồng, tăng 66% so với thực hiện năm 2009. Mức lỗ của một số tập đoàn, công ty Nhà nước trong năm 2010 là khoảng 1.116 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2010 là 26.103 tỉ đồng.
Trước ý kiến của các ĐBQH cho rằng Chính phủ đã thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa một cách quá đáng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khẳng định: Đúng là năm 2011 chúng ta thực hiện một chính sách tiền tệ, nhưng chưa bao giờ nói rằng thực hiện một chính sách tiền tệ thắt chặt, mà phải nói rằng thực hiện một chính sách thận trọng và linh hoạt.
Ngay sau Tết (2012), Ngân hàng Nhà nước liên tục nới ra một ít chính sách tiền tệ. Đến giữa tháng 3 thì Ngân hàng Nhà nước hầu như tháo bỏ hoàn toàn tín dụng cho nhóm bị hạn chế. Hiện nay, gói thắt chặt là không có.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cung ra một lượng tiền khủng khiếp - 180 nghìn tỉ đồng.
Theo ông Bình có sự chậm trễ trong hạ lãi suất là do ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Họ kinh doanh mua bán mặt hàng tiền tệ, nên cũng chỉ có thể bán ở mức giá mà họ chấp nhận được. Do vậy, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo thanh khoản của mình, chưa dám tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để góp phần xử lý khoảng trên dưới 100 nghìn tỉ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 11.6 này lãi suất huy động sẽ giảm xuống còn 9%.
Đến cuối năm 2012, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,2%; lạm phát 7 - 8%. Đây là mức được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn hợp lý.
|