Theo Bộ Tài chính, các DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối đang có lãi khoảng 1.000 đồng/lít xăng dầu. Do vậy cùng với việc giảm giá, bộ cũng tăng thuế nhập khẩu đối với tất cả mặt hàng như xăng thêm 3%.
Như vậy từ ngày 8-6, lượng xăng dầu được nhập về sẽ có mức thuế 7%.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc giảm giá xăng dầu lần này dù chưa kịp thời lắm nhưng cũng cho thấy điều hành theo diễn biến giá xăng dầu thế giới là điều đáng hoan nghênh. Vì việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào. Điều này rất quan trọng đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế khi sức mua sụt giảm, kinh doanh khó khăn.
Giá cước vân tải không thể giảm mặc dù giá xăng đã giảm
Mặt khác, ông Long cũng lưu ý Bộ Tài chính cần giám sát chặt chẽ những ngành sử dụng đầu vào là nhiên liệu như vận tải xem họ có giảm cước hay không. Chỉ trong một tháng qua, từ ngày 9-5 đến 7-6, đã ba lần giảm giá xăng dầu.
Cụ thể xăng giảm 1.900 đồng/lít, dầu giảm 1.400 đồng/lít nên giá các mặt hàng có đầu vào là xăng dầu chiếm tỉ lệ lớn như vận tải với 35-40% mà không giảm giá thì cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt chẽ.
Theo quy định, cước vận tải là dịch vụ thuộc danh mục mặt hàng, nhóm dịch vụ bình ổn giá. Hơn nữa, doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận nên có thể vì nhiều lý do mà họ lờ đi quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, khẳng định là sẽ không thể giảm cước vận tải dù giá xăng dầu có giảm. Ông Liên phân tích ngành vận tải quá khó khăn do các chi phí đầu vào khác như giá dịch vụ ra vào bến xe tăng 5% so với năm trước, cùng với đó là lương tài xế... cũng đồng loạt phải tăng.
Trong khi đó lượng khách đi xe giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ và Bộ Giao thông vận tải về những khó khăn của ngành vận tải, trong đó có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh vận tải.
Ông Đinh Văn Sáu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty taxi Hương Lúa (Hà Nội), cho hay hiện chưa có xem xét cụ thể mức giảm cước taxi là bao nhiêu, có thể sẽ cân nhắc trong thời gian tới.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào của các doanh nghiệp thành viên về việc giảm giá cước. Một số doanh nghiệp vận tải container đi tuyến TP.HCM - Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... cho biết vẫn đang tính toán các chi phí xem có cơ sở để giảm hay không. Tuy nhiên, nếu thực hiện giảm cũng chỉ được khoảng 50.000 đồng/chặng đi khu vực lân cận TP.HCM.