Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư - Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng việc doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn sẽ vẫn là trở ngại rất lớn để giới đầu tư quyết định bỏ thêm tiền vào thị trường chứng khoán trong năm 2012.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: "Việc hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực đầu tiên với ngành ngân hàng bởi nó giúp giảm nhanh giá vốn. Ngoài ra, lãi suất thấp sẽ giúp đẩy nhanh tín dụng".
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố sẽ hạ 2% lãi suất huy động xuống 9%/năm, từ 11/6 tới. Ông có ngạc nhiên về những bước giảm khá nhanh của lãi suất trong thời gian qua không, và vì sao?
Tôi nghĩ, việc hạ lãi suất thêm 2% là khá mạnh, nhưng không quá bất ngờ với giới đầu tư, bởi từ trước đã có những tin đồn về biên độ 2% này.
Trong buổi họp của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại lớn vào cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo sẽ điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn xuống còn 9%/năm. Cũng trong phiên họp này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có thể ấn định lãi suất tiền vay ở mức 12 - 13%/năm, nhưng chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn (dưới 1 năm), còn trung và dài hạn cho phép các ngân hàng thương mại tự thỏa thuận với khách hàng.
Sau buổi họp này, Vietcombank đã đi đầu trong việc hạ lãi suất bằng việc công bố hạ lãi suất huy động.
Theo thông tin của chúng tôi, từ tuần trước, các mức lãi suất chào với các khoản tiền gửi lớn (thường được lãi suất thỏa thuận vượt trần) cũng chỉ dừng lại ở mức 11%, có những ngân hàng chào chỉ 7-9%. Như vậy, các ngân hàng thương mại cũng đã có những chuẩn bị trong việc hạ lãi suất trong tương lai gần.
Động thái này, theo ông sẽ có những tác động thế nào tới thị trường chứng khoán, đặc biệt là yếu tố dòng tiền?
Theo logic, khi Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất huy động vốn, điều đầu tiên nghĩ đến là kênh đầu tư khác ngoài gửi tiền sẽ được hưởng lợi, do người gửi tiền muốn tìm một kênh sinh lời khác tốt hơn. Ngoài ra, lãi suất giảm sẽ tạo kỳ vọng phục hồi kinh tế và thị trường chứng khoán.
Như vậy, việc hạ lãi suất về mặt lý thuyết sẽ có tác động kép, vừa giúp tăng niềm tin vào đà tăng của chứng khoán khiến đầu tư chứng khoán sinh lời tốt hơn trong tương quan với các kênh đầu tư khác, vừa khiến người gửi tiền giảm tỷ trọng gửi ngân hàng và tăng tỷ trọng đầu tư.
Nhưng trong thực tế, hai lần giảm lãi suất huy động trước chưa mang lại hiệu quả rõ rệt bởi hai lý do. Thứ nhất, lãi suất cho vay thực tế vẫn cao, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thứ hai, rủi ro đầu tư chứng khoán vẫn cao, khiến đầu tư chứng khoán không đủ hấp dẫn so với gửi tiền.
Với lãi suất giảm còn 9%, lý do thứ hai sẽ không còn nhiều, tuy nhiên lý do thứ nhất sẽ vẫn là trở ngại rất lớn để giới đầu tư quyết định bỏ thêm tiền vào thị trường chứng khoán trong năm 2012.
Những vấn đề của Việt Nam như hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, hiệu quả đầu tư công là những vấn đề có tính chất dài hạn. Chưa có biện pháp giải quyết thấu đáo và chi tiết những vấn đề này thì những quyết định như giảm lãi suất cũng sẽ chỉ giúp chứng khoán có sự hồi phục ngắn hạn.
Cần lưu ý là thị trường chứng khoán thế giới cũng đang có những phản ứng tích cực với kỳ vọng về các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước lớn. Sau một đợt giảm sâu, những động thái này của các quốc gia thường là liều thuốc kích thích cho thị trường chứng khoán hưng phấn trở lại. Cần theo dõi diễn biến thế giới để tùy cơ ứng biến với diễn biến trong nước.
Vậy thì, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư cá nhân, ông đánh giá thế nào về triển vọng cổ phiếu ngân hàng sau sự kiện giảm lãi suất huy động này?
Việc hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực đầu tiên với ngành ngân hàng bởi nó giúp giảm nhanh giá vốn. Ngoài ra, lãi suất thấp sẽ giúp đẩy nhanh tín dụng.
Theo thông tin chúng tôi có được, vào cuối tuần trước, nguồn tiền dư thừa ở các ngân hàng không còn nhiều, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tìm được đầu ra tín dụng. Với lãi suất thấp hơn đáng kể, tín dụng sẽ có đà tăng mạnh hơn.
Tín dụng tăng, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động được nới rộng sẽ giúp tăng lợi nhuận từ lãi của các ngân hàng.
Năm 2012, với hoạt động kinh doanh trầm lắng, tỷ giá gần như phẳng lặng, các nguồn thu từ phí và kinh doanh ngoại hối sẽ khó có bước tăng đáng kể. Nguồn thu từ lãi tín dụng và từ kinh doanh trái phiếu (lợi nhuận thu được nhờ xu hướng lãi suất giảm nhanh) sẽ có đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng năm 2012.