Rối mù giá xăng dầu

Thứ sáu, 08/06/2012, 08:19
Dù đã giảm nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa phản ánh đúng diễn biến giá thế giới cả về biên độ tăng - giảm lẫn thời gian điều chỉnh.

 
Từ 14 giờ ngày 7-6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã đồng loạt giảm từ 650 đồng đến 800 đồng/lít (kg), tùy loại. Giảm nhiều nhất là xăng A92 với mức 800 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu diesel giảm 700 đồng/lít, dầu ma dút giảm 650 đồng/kg.
 
Như vậy, xăng A92 sẽ có giá bán mới là 21.900 đồng/lít, dầu diesel có giá bán 20.500 đồng/lít, dầu hỏa là 20.400 đồng/lít và dầu ma dút là 18.250 đồng/kg.

Loay hoay định giá

Đây là đợt giảm giá xăng dầu thứ ba trong năm 2012 và là đợt giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay do giá xăng dầu thế giới đã liên tục giảm sâu từ hơn một tháng qua. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm 2012, giá xăng đã tăng 2 lần với mức tăng tổng cộng 3.000 đồng/lít và giảm 3 lần với mức giảm tổng cộng 1.900 đồng/lít.
 
Từ 14 giờ ngày 7-6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã đồng loạt giảm từ 650 đồng đến 800 đồng/lít. Ảnh: Tấn Thạnh

Mặc dù đã điều chỉnh như vậy nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa phản ánh đúng diễn biến giá thế giới cả về biên độ tăng - giảm lẫn thời gian điều chỉnh. Đây cũng chính là một trong những hạn chế lớn nhất của cơ chế điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, đã được Chính phủ nhận diện và giao Bộ Công Thương làm đầu mối rà soát, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi.

Nhưng hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn bất đồng ý kiến về vấn đề này.
 
Theo Bộ Công Thương, cần có thời gian để hoạt động kinh doanh xăng dầu được vận hành đầy đủ, đúng quy định theo Nghị định 84, đặc biệt là nội dung điều hành về giá (doanh nghiệp được quyết định giá bán lẻ khi giá thế giới biến động đến 7%) mới có đủ cơ sở đánh giá toàn diện nghị định này.
 
Bộ Công Thương khẳng định trong thực tế, doanh nghiệp chỉ được tự quyết định giá bán từ cuối năm 2009 đến tháng 3-2010. Từ đó đến nay, giá xăng dầu chủ yếu do Nhà nước quyết định nhưng thường điều chỉnh chậm hơn biến động giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở gây lỗ tích lũy cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện bị âm hơn 2.300 tỉ đồng quỹ bình ổn giá, lỗ hơn 5.000 tỉ đồng, đến nay vẫn chưa có hướng xử lý, ảnh hưởng đến việc duy trì ổn định hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng chưa thể để doanh nghiệp tự quyết định giá bán vì thị trường xăng dầu hiện nay vẫn đang độc quyền, do doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường chi phối. Hơn nữa, giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở (thuế nhập khẩu còn quá thấp so với khung). Khi điều kiện thuận lợi, cần khôi phục lại mức giá cơ sở, sau đó mới có thể để doanh nghiệp tự định giá trong giới hạn của Nghị định 84.

Phải rút ngắn thời gian tính giá cơ sở

Bên cạnh đó, quy định tính giá 30 ngày phù hợp với thời gian dự trữ lưu thông nhưng tần suất điều chỉnh giá 10 ngày, xét về yếu tố thị trường là không phù hợp với sự biến động giá hằng ngày của thị trường thế giới.
 
Nghị định quy định thời gian giữa lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày đối với tăng giá, tối đa 10 ngày đối với trường hợp giảm giá là tạo độ vênh với số ngày tính giá cơ sở. Bởi vì đợt điều chỉnh giá lần sau lại phải tính theo giá ngược về 30 ngày trước là đã tính trùm lên giá của 20 ngày đã tính trong đợt giảm giá trước đó.

Ngoài ra, mặt hàng xăng dầu dễ đầu cơ trong khi các chế tài kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ nên dễ xảy ra tình trạng găm hàng chờ giá lên hoặc tuồn hàng nhanh trước khi giá giảm. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu quy định tính giá cơ sở bình quân 10 ngày phù hợp với tần suất điều chỉnh giá như quy định tại Nghị định 84.
 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn