Năng lực tài chính và danh tiếng của mình cho phép DOJI chủ động lựa chọn một ngân hàng vừa tầm để mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất. Tại sao TienPhong Bank "lọt mắt " ông?
Cuối năm 2011 chúng tôi nhận được lời mời hợp tác từ một vài ngân hàng thương mại cổ phần. Thực ra, chúng tôi không đặt ra tiêu chí nào cụ thể nhưng khi nhìn lại quá trình tham gia vào TienPhong Bank, tôi nghiệm ra việc chọn đầu tư vào một doanh nghiệp rất giống với việc đi mua nhà.
Một ngôi nhà phù hợp phải "vừa túi tiền" và tạo cho người ở cảm giác thoải mái, tự tin nhất.Tôi đã cảm nhận được điều này rất rõ khi tiếp xúc với cấp điều hành cao nhất và cán bộ nhân viên TienPhong Bank.
Ông Đỗ Minh Phú - 'Thuyền trưởng' mới của Tiền Phong Bank.
Nghĩa là ông có ấn tượng tốt đẹp với các cổ đông lớn cũng như văn hóa doanh nghiệp ở ngân hàng này?
Thực lòng tôi muốn dùng từ "chuẩn mực" khi nói về các cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn của TienPhong Bank. Nếu nói về công nghệ thông tin thì FPT là một công ty lớn, về viễn thông thì VMS MobiFone là một trong những công ty hàng đầu, và Vinare rất mạnh trong lĩnh vực tái bảo hiểm.
Còn tập đoàn SBI VenHoldings của Nhật lại sở hữu dịch vụ ngân hàng điện tử hàng đầu tại Nhật Bản hiện nay. Hơn nữa, TienPhong Bank không phải rót tiền vào các công ty "sân sau" của cổ đông. Tôi đặc biệt thích môi trường cổ đông của TienPhong Bank với văn hóa đồng nhất và tin cậy lẫn nhau. Ngay từ đầu khi mới tiếp xúc tôi đã cảm nhận được môi trường dễ hòa nhập và xác định chúng tôi có thể đi chung trên một con thuyền.
Vậy theo ông, điều gì thuyết phục được các cổ đông sáng lập TienPhong Bank chấp nhận DOJI "sống chung" với "đứa con ruột" của họ?
Đứng trong tâm thế của người vừa chia sẻ "đứa con đẻ" của mình là Diana (ông Phú là người sáng lập và nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Diana, trước khi bán lại 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm của Nhật năm 2011- PV) nên tôi rất hiểu HĐQT TienPhong Bank. Các cổ đông ngân hàng luôn mong muốn tìm được đối tác đánh giá xứng đáng doanh nghiệp của mình, cho mình cảm giác thoải mái và an tâm đi tiếp. Không như các trường hợp M&A khác, thương vụ này không phải là cuộc thâu tóm lẫn nhau, mà bản chất quan hệ đối tác chiến lược DOJI - TienPhong Bank là liên kết để phát triển. Cả 2 bên tự tìm đến nhau, cởi mở và minh bạch nhất có thể.
DOJI được tiếp xúc trực tiếp với cán bộ nhân viên ngân hàng, kể cả bộ phận kiểm toán nội bộ. "Mối duyên" này hoàn toàn do tự nguyện, các bên đều rất hợp nhau, tự tìm hiểu và đến với nhau chứ không cần "ông tơ bà nguyệt" nào.
Giá trị cốt lõi của một ngân hàng dựa trên nhiều yếu tố: Thương hiệu mạnh + Thanh khoản cao + Chiến lược kinh doanh tốt + Con người (lãnh đạo) giỏi. Ông chấm điểm TienPhong Bank như thế nào nếu xét theo các tiêu chí này?
TienPhong Bank như một cậu bé mới lớn, cho nên dù có vấp ngã cũng dễ đứng dậy, dễ uốn, dễ nuôi và dễ đưa vào quỹ đạo
Xét một các khách quan nhất, thương hiệu TienPhong Bank chưa ghi được dấu ấn sâu đậm trên thị trường trước khi chúng tôi đến. Còn về thanh khoản, chiến lược kinh doanh là thách thức lớn đối với hầu hết các định chế tài chính trong thời điểm năm 2011 chứ không riêng gì TienPhong Bank. Nếu chỉ dựa vào các tiêu chí như vậy để quyết định thì chẳng ai đầu tư vào ngân hàng.
Nhưng ông cũng không thể bỏ qua các khuyến cáo về tình hình kinh doanh của TienPhong Bank khi đó chứ?
Khi tiếp cận TienPhong Bank, chúng tôi nhận được rất nhiều khuyến cáo. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều quên rằng, với thương hiệu còn nhỏ, ban điều hành thiếu ổn định mà ngân hàng còn đạt được thành quả như vậy thì hẳn là "chất" của TienPhong Bank nằm ở các giá trị nền tảng, hệ thống cơ sở hạ tầng và đội ngũ cán bộ nhân viên. Một doanh nghiệp tốt, theo tôi là doanh nghiệp vẫn có thể vận hành bình thường trong một giai đoạn khó khăn, dù có thiếu thuyền trưởng hay đối mặt với nhiều thách thức tạm thời. TienPhong Bank như một cậu bé vừa lớn, cho nên dù có vấp ngã cũng dễ đứng dậy, dễ uốn, dễ nuôi và dễ đưa vào quỹ đạo.
Theo tôi biết, lý do chính DOJI "chấm" TienPhong Bank là bởi ngân hàng này còn nhỏ nhưng có tỷ lệ nợ xấu thuộc loại thấp nhất trong toàn hệ thống - chỉ ở mức 0,02% tổng dư nợ năm 2010?
Thực sự TienPhong Bank mới được thành lập chưa lâu, lại rơi đúng vào thời kỳ suy thoái của nền kinh tế, cho nên không thể tránh khỏi những khó khăn chung. Nhưng điểm tích cực là nó không bị sa lầy vào các khoản đầu tư trong các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán hay bất động sản.
Trước DOJI đã có đối tác khác đàm phán sơ bộ với TienPhong Bank nhưng sau cùng lại rút lui. Với tư cách người đi mua, ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Cũng giống như chúng tôi, các cổ đông của TienPhong Bank cũng chủ động tìm kiếm các đối tác có điều kiện phù hợp. Đó là việc bình thường. Một thương vụ thành công khi các điều kiện, tiêu chí phù hợp, các lợi ích của đôi bên được cân bằng, không xung đột. Nói về câu chuyện mua và bán, triết lý của tôi là "thuận theo dòng nước".
Dòng nước có chỗ uốn lượn, hiền hòa, có đoạn lại hung dữ tung bọt trắng xóa nhưng nước luôn thuận dòng. Đi theo dòng nước là tuân theo quy luật tự nhiên. Trong cuộc đời kinh doanh của mình, tôi không ngừng quan sát, tư duy, cân nhắc và khi thời cơ đến thì cứ thuận theo tự nhiên, có thể quyết định mọi sự rất nhanh, rất thoải mái, việc đầu tư vào TienPhong Bank cũng diễn ra tự nhiên như vậy và không bị ảnh hưởng của dư luận bên ngoài.
Tôi còn nhớ khi mới ra mắt TienPhong Bank, vị tổng giám đốc đầu tiên của ngân hàng nói rằng, TienPhong Bank được xây dựng dựa trên nền tảng cốt lõi là công nghệ hiện đại, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cổ đông sáng lập như FPT, MobiFone. Định hướng phát triển này có tiếp tục được duy trì trong giai đoạn bản lề 5 năm sắp tới không?
TienPhong Bank sẽ tiếp tục lấy ngân hàng điện tử làm lợi thế so sánh, song song với việc tận dụng lợi thế của các cổ đông lớn khác để phát triển kinh doanh như chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ biến những tiềm năng và cơ sở hạ tầng hiện có thành các giá trị lợi ích thực sự. Ngân hàng SoftBank (thuộc
Tập đoàn SBI VEN Holdings Nhật Bản - cổ đông đang nắm giữ 4,9% cổ phần TienPhong Bank - PV) đã sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực ngân hàng điện tử cho TienPhong Bank. SoftBank mặc dù có số nhân viên chưa đến 100, nhưng họ quản lý khối lượng tài sản lên tới 10 tỷ USD mà chỉ dựa trên công nghệ ngân hàng hiện đại. Chúng tôi tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn trong năm 2012. Giai đoạn bản lề 5 năm tới, TienPhong Bank đặt mục tiêu sẽ lọt vào nhóm ngân hàng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam.