Giá xăng giảm 800 đồng/lít, chuyên gia nói gì?

Thứ sáu, 08/06/2012, 16:11
Quyết định giảm giá xăng dầu lần này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh, thậm chí theo nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng còn là do sức ép của dư luận.
Kể từ 14 giờ chiều ngày 7.6, các mặt hàng xăng dầu chính thức đồng loạt giảm giá. Cụ thể, xăng giảm 800 đồng/lít, dầu hoả và dầu diesel giảm 700 đồng/lít, dầu mazút giảm 650 đồng/kg. Như vậy, xăng A92 sẽ có giá mới là 21.900 đồng/lít, dầu diesel có giá 20.500 đồng/lít, dầu hoả 20.400 đồng/lít và dầu mazút là 18.250 đồng/kg.
 
Đây là lần giảm giá xăng dầu lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng qua (2 lần trước vào ngày 9.5 và 23.5), cũng là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng cộng 3 lần, giá xăng giảm 1.900 đồng/lít.
 
Giá xăng dầu đã giảm sau nhiều ngày chờ đợi của người tiêu dùng.

Cùng với quyết định giảm giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế 300 đồng/lít,kg như quy định hiện hành và tăng thêm 3% thuế xăng dầu. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng sẽ là 7%; thuế nhập diesel là 6%, dầu mazút và dầu hỏa cùng chịu mức thuế nhập khẩu 8%.
 
Quyết định giảm giá xăng dầu lần này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục giảm mạnh, thậm chí theo nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng còn là do sức ép của dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên thị trường thế giới, hiện giá xăng Ron92 chỉ 107,8USD/thùng, dầu diesel là 114,4 USD/thùng, dầu hỏa 112,4 USD/thùng và dầu mazut là 603,2 USD/tấn.
 
Bình luận về quyết định giảm giá xăng dầu lần này, một chuyên gia kinh tế chuyên về lĩnh vực giá cả thị trường cho rằng: Tăng thuế thêm 3% và giảm giá bán lẻ 800 đồng/lít xăng là tương đối hợp lý để “phòng” trường hợp nếu sau này giá thế giới biến động tăng cao hơn thời điểm này thì sẽ giảm thuế thay vì phải ngay lập tức phải tăng giá gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và người tiêu dùng.

TS Nguyễn Thị Hiền - Ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế thuộc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết: Biện pháp tăng thuế và giảm giá là biện pháp xưa nay vẫn được các cơ quan quản lý dùng và không có gì thay đổi. Bởi khi giá nhập khẩu thấp thì phải tăng thuế, giá nhập khẩu cao thì phải lùi thuế để ổn định thị trường.
 
“Tuy nhiên, do mình không tiếp cận được chính xác với các con số cụ thể nên không thể định lượng được mức giảm 800 đồng/lít và tăng thuế như vậy đã hợp lý chưa trong khi doanh nghiệp đang lãi lớn. Nhưng xét về định tính, ở vị trí người tiêu dùng thì tôi cũng có suy nghĩ: "Tăng thì nhiều mà giảm thì nhỏ giọt” - bà Hiền bình luận.


Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn