Bão siêu xe với hàng loạt “hàng khủng” như Bugatti Veyron, Lamborghini Aventador đã đang và sẽ “càn quét” tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường xe đóng băng vì thuế, phí.
Nếu đầu năm nay, giới yêu xe “choáng” vì sự xuất hiện đột ngột của siêu xe mạnh và đắt nhất nhì thế giới, Bugatti Veyron thì tới giữa năm dư luận thêm một lần sốc khi hai chiếc xe hàng khủng Lamborghini Aventador “rủ nhau” cùng lộ diện. Cả ba dòng xe này nếu nộp đầy đủ thuế phí sẽ có mức giá trên 1 triệu USD, tương đương với hơn 20 tỷ đồng.
Một trong hai siêu xe trị giá sau thuế tới 25 tỷ đồng Lamborghini Aventador vừa cập cảng Sài Gòn.
Tin đồn về cặp đôi Lamborghini Aventador được cho là của hai đại gia tên Cường, Cường đô la và Cường Luxury đã xuất hiện từ vài tháng nay. Tuy nhiên, xe của hai đại gia này chưa thấy đâu, hai siêu xe Aventador của hay đại gia chịu chơi khác đã lộ mặt liên tiếp trong hai ngày qua.
Và hiện nhiều nguồn tin vẫn khẳng định cặp đôi xe của hai đại gia tên Cường sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới và còn góp mặt vào hành trình siêu xe dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 25/8 tới.
Không chỉ thế, còn một siêu xe Aventador màu đen khác cũng ngấp nghé về nước, nâng tổng số siêu xe mạnh nhất của gia đình Lamborghini lên tới con số 5, một con số mà các thị trường chịu chơi như Hongkong, Singapore cũng phải nể. Nể không chỉ bởi siêu xe này vừa thuộc loại đời mới, khó mua mà còn cực đắt trên thế giới và là siêu đắt tại Việt Nam. Nhẩm tính nhanh 5 siêu xe trên đã có giá trị sau thuế tới hơn 100 tỷ đồng.
Bên cạnh hai dòng xe “khủng” cả về khả năng vận hành lẫn giá tiền trên, dân chơi Việt còn mang về nước những dòng siêu xe khác như Ferrari F430…
Không chỉ vậy, ở một số góc độ, có thể nói bão siêu xe năm nay còn có sự góp mặt của series xe siêu sang Rolls-Royce Phantom phiên bản rồng với tổng cộng 5 xe về nước chỉ trong 6 tháng đầu năm nay.
Nếu xét về phân khúc thì dòng xe Rolls-Royce Phantom rồng không thuộc dạng siêu xe thể thao tính năng cao như Bugatti Veyron, Lamborghini hay Ferrari. Tuy nhiên, xét về độ độc, hiếm và đắt những dòng xe này lại có điểm chung bởi mỗi xe Phantom rồng cũng có giá sau thuế hơn 1 triệu USD và số lượng xe trên toàn thế giới chỉ dừng lại ở con số 33.
Số lượng xe triệu đô về nhiều và liên tục trong thời gian ngắn như vậy không chỉ khiến dư luận trong nước “choáng” mà báo chí nước ngoài cũng phải “ngả mũ” thán phục độ chịu chơi của các đại gia Việt.
Cùng nghịch lý thị trường xe đóng băng
Việc bão siêu xe đổ bộ về nước trong thời gian qua vốn đã gây sốc thì nay càng khiến dư luận “choáng” hơn nếu nhìn tổng thể nền kinh tế hiện nay nói chung và thị trường xe cùng ngành công nghiệp ô tô Việt nói riêng.
Siêu xe về như bão còn xe thường dân ế chỏng chơ.
Xe trị giá hàng chục tỷ đồng liên tục về nước trong lúc các dòng xe bình dân và hạng trung cao cấp cả nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước điêu đứng vì… ế. Doanh số thị trường liên tục giảm và lượng xe tồn ngày càng tăng.
Các hãng xe đau đầu “nghĩ mưu” kích cầu còn đại lý “khốn khổ” đẩy hàng tồn dù phải chịu lỗ để mong hoàn vốn trả lãi ngân hàng. Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA) liên tục họp và ra đề xuất, kiến nghị rồi thư cầu cứu với mong muốn “phá băng” cho thị trường xe đang ở thời kỳ điêu đứng.
Không ít showroom và đơn vị nhập khẩu nhỏ lẻ phải đóng cửa, phá sản vì kẹt cả đầu ra lẫn đầu vào. Với đầu vào, những chính sách siết nhập khẩu cùng việc không thể có giấy ủy quyền nhập xe khiến các showroom nhập không thể mang xe mới về nước đồng thời cũng chẳng dám nhập xe cũ vì thuế suất quá cao.
Còn đầu ra, khách hàng không chỉ “sợ” cả phí lẫn thuế mà còn “kẹt” vì lãi suất ngân hàng nên chẳng dám mua xe.
Bối cảnh đó khiến nhiều người càng thêm “nể” khi các đại gia đua nhau rước xe giá hàng chục tỷ đồng về nước đặc biệt là trong bối cảnh thuế phí ngất ngưởng hiện nay.
Tất cả các dòng siêu xe và xe siêu sang trong bão siêu xe trên đều chưa có nhà nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam nên về mặt lý các mẫu xe trên đều về nước theo dạng xe đã qua sử dụng và chịu mức thuế cực cao, đẩy giá xe lên gấp 3-4 lần giá gốc nếu nộp đủ các loại thuế và ra biển trắng.