Khó tin màn "ảo thuật" nghìn tỷ của Vinalines!

Thứ sáu, 08/06/2012, 15:40
“Sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinalines điều chỉnh kinh phí đội tàu từ 100.000 tỷ xuống 68.000 tỷ. Chỉ trong vài hôm quy hoạch đã được thay đổi và giảm đến 32.000 tỷ, nếu làm quy hoạch như thế này, nói thật là chúng tôi khó có thể tin được”.
 
 
Đại biểu Lê Văn Học (tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ chính kiến trước thực trạng đầu tư giàn trải, phân tán, hiệu quả thấp đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cũng như các công trình cơ bản trong buổi thảo luận về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế sáng nay 8/6.
 
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết phải Tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá, đề án đánh giá thực trạng, nguyên nhân sâu xa cơ bản của sự yếu kém nền kinh tế chưa được nêu rõ để tìm ra những giải pháp tái cơ cấu hiệu quả.

Ngoài ra, Đề án cũng chưa xác định yêu cầu nguồn nhân lực, chưa tính toán về nhu cầu tài chính để thực hiện tái cơ cấu. Khi tái cơ cấu thì ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội ra sao? Đâu là những ngành, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng cao, đâu là những công trình tiêu biểu xứng tầm với đất nước?
 
Chi phí đầu tư đội tàu của Vinlines giảm từ 100.000 tỷ đồng xuống còn 68.000 tỷ đồng.
 
“Tôi cho đây mới chỉ là một công trình lý thuyết tổng quát về tái cơ cấu kinh tế, trong điều kiện của Việt Nam phải được cụ thể hóa rất nhiều nội dung mới có thể triển khai được”, đại biểu Học cho hay.
 
Cũng theo đại biểu này, đề án phải nêu ra được các biện pháp nhằm khắc phục triệt để việc đầu tư giàn trải, phân tán, hiệu quả thấp trong những năm vừa qua.
 
Vị đại biểu này dẫn chứng bằng những số liệu trong lĩnh vực xây dựng những công trình cầu đường bộ giao thông, suất đầu tư đường bộ cao tốc của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước khác từ 1,5 đến 2 lần. Theo số liệu thống kê thì xây dựng cầu đường bộ của Trung Quốc khoảng 6 triệu USD/1 km, ở Mỹ là 8 triệu USD/km. Còn ở Việt Nam, ví dụ như đường Láng - Hòa Lạc dài 30 km, chúng ra sử dụng khoảng 7.500 tỷ, tức 250 tỷ đồng trên 1 km, khoảng 12 triệu USD. Đường Hồ Chí Minh - Trung Lương 4 làn xe, chi phí tính ra 9,9 triệu USD/1 km…
 
Tại sao giá thành cao như vậy mà chúng ta không tiết kiệm được, vị đại biểu này cho rằng, là do chúng ta sử dụng tư vấn giám sát, máy móc thiết bị đều của nước ngoài, đặc biệt của nước cấp ODA nên tốn kém, lãng phí. Toàn bộ máy móc thiết bị khi thi công, xe cộ, phương tiện của ban quản lý dự án khi xong 1 công trình là hết thời hạn khấu hao.
 
Về công nghiệp tàu thủy và hàng hải, thời gian qua chúng ta đầu tư giàn trải, không đúng mục tiêu, gây thất thoát tài sản và vốn. Đại biểu Học cho hay: Theo quy hoạch được phê duyệt ngành tàu biển Vinalines giai đoạn 2011 - 2020 sẽ mua và đóng mới khoảng 160 con tàu, dự toán khoảng 100.000 tỷ. “Sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinalines lại điều chỉnh tổng kinh phí đội tàu xuống 68.000 tỷ. Như vậy, chỉ trong vài hôm quy hoạch đã được thay đổi và giảm đến 32.000 tỷ. Nếu làm quy hoạch như thế này, thì nói thật là chúng tôi khó có thể tin được”, vị đại biểu nhấn mạnh.
 
Cùng về đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội có nói: “Qua thảo luận ở Quốc hội cho thấy trên đất nước mình ở đâu cũng có những đòi hỏi hết sức chính đáng về những công trình cần được ưu tiên. Vấn đề bây giờ cần phải xác định được thứ tự ưu tiên trên cơ sở lợi ích bao trùm của quốc gia. Tôi vẫn tha thiết đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có lộ trình cụ thể trong vòng còn hơn 7 năm nữa trước năm 2020, mỗi năm sẽ làm được bao nhiêu km trên con đường hàng ngàn km đó để trình Quốc hội”.
 
Theo đại biểu Nam, tại buổi chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Thủ tướng đã trả lời về sự ưu tiên cũng như giải pháp để làm đường Quốc lộ 1A, từng bước xây dựng cao tốc Bắc - Nam trước năm 2020. Nhưng nay con đường ngày càng xuống cấp, một số đoạn đang làm đều thất hẹn tiến độ với dân do khó khăn về vốn, một số đoạn ở Miền Trung cho ta cảm giác quay lại con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
 
Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tình trạng xây dựng chợ, công trình thủy lợi, đường quốc lộ mới đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ xảy ra với những công trình có vốn 500 - 700 triệu đồng mà còn có những công trình hàng tỷ đồng, không chỉ là những công trình cấp địa phương quản lý mà cả những công trình cấp bộ quản lý.
 
“Hiện chưa ai thống kê trên cả nước có bao nhiêu công trình xây dựng xong không phát huy hiệu quả cũng như chưa ai thống kê thiệt hại do công trình nhanh xuống cấp là bao nhiêu nhưng chắc chắn không phải ít, đại biểu nói.
 

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn