TGĐ ACB Lý Xuân Hải nói gì về bầu Kiên?

Thứ tư, 22/08/2012, 13:18
Ông Hải từng nói bầu Kiên là một người rất cá tính, đầy tham vọng... Nhờ có những người như ông Kiên, ACB không 'dính' một sự cố nào từ khi thành lập.

>> Bầu Kiên bị bắt, ACB thiệt hại gì?
>> Bắt bầu Kiên: Thị trường tài chính dính cú sốc "tháng cô hồn"
>> Đại gia ngân hàng 'lãnh đủ' cùng bầu Kiên
>> Bắt “bầu” Kiên và những dự báo về chứng khoán

Sáng 22/8, báo Tuổi Trẻ đưa tin, liên quan đến vụ bắt giữ ông Kiên về hành vi kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật hình sự, cơ quan điều tra còn yêu cầu làm việc với ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) để làm rõ mối quan hệ cá nhân giữa ông Hải và ông Kiên.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là ông Lý Xuân Hải là ai? Ông Hải và bầu Kiên có mối quan hệ như thế nào?

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà nội, hiện sinh sống ở TP HCM. Ông là Thạc sỹ Kinh tế Đại học Paris Dauphine (Pháp), Tiến sỹ Toán – Lý Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus).

 
Ông Hải là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu từ tháng 3/2008 đến nay.

Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Tổng giám đốc của Ngân hàng Á Châu. Từ năm 2002 đến năm 2005, ông Hải giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB. Từ năm 2004 đến năm 2005, ông là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng Á Châu.

Từ năm 1996 đến năm 2002, ông Hải đảm nhận các vị trí Phó giám đốc và sau đó là Giám đốc Ngân hàng Á Châu, Chi nhánh Hải Phòng. Từ năm 1993 đến năm 1995, ông Hải làm việc tại Công ty Trimex - Moscow.

 
Bản thân ông Lý Xuân Hải cũng bị liên lụy khi được Cơ quan Công an mời lên hợp tác điều tra những việc liên quan tới bầu Kiên.

Như vậy, ông Lý Xuân Hải gắn bó với Ngân hàng Á Châu tính đến nay cũng "ngót" hơn 15 năm. Thời điểm ông Hải gia nhập vào ACB, ông Nguyễn Đức Kiên đang giữ chức Phó chủ tịch HĐQT ACB.

Cũng trong thời gian đó, ông Kiên còn giữ vai trò quan trọng trong hàng loạt công ty khác như Chủ tịch HĐQT Công ty may thời trang MTT, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh nhựa đường Caltex, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thể thao ACB, Phó chủ tịch và sau đó là Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh KFC Việt Nam.

Tới thời điểm ông Hải làm Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu từ tháng 6/2005, ông Kiên vẫn là Phó chủ tịch HĐQT ACB, sau đó là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng này. Hiện, Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên không còn giữ các vị trí trên tại ACB. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, các chức danh chủ tịch hay phó chủ tịch Hội đồng sáng lập là do Ngân hàng ACB tự đặt ra, không có trong quy định của pháp luật.

Trong Giai phẩm ACB dịp Xuân Kỷ Sửu 2009 có bài phỏng vấn ông Lý Xuân Hải khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu. Trong đó, ông Hải có nói đến những người thuộc thế hệ đầu tiên của ngân hàng, như Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Nguyễn Đức Kiên… Và đồng thời cũng ông Hải cũng tự nhận mình là một trong những người thuộc thế hệ thứ 2 của ngân hàng này.

“Những con người cụ thể như Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang,… đều là những con người có cá tính, họ là xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, họ giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập, họ là người tạo nên văn hóa và cá tính của ACB”.

Còn riêng về ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lý Xuân Hải nhận định, ông Kiên là một con người “đầy tham vọng, đã thổi vào ACB những tham vọng tưởng chừng như không thể đạt được và sự quyết liệt trong việc thực hiện tham vọng ấy”.

Cũng trong bài phỏng vấn này, khi được hỏi vì sao những người thuộc thế hệ đầu tiên, những người đã sáng lập ra Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu lại đang rút dần khỏi bộ máy quản trị của ACB, ông Hải giải thích: “Khi đứa con lớn lên, sự quan tâm của cha mẹ phải khác.

ACB đang chuyển dần từ một ngân hàng mang các dấu ấn cá nhân sang một thời kỳ mang dấu ấn của bộ máy. Cái thời các cổ đông sáng lập ngồi xem xét từng hồ sơ vay tiền đã qua rồi, nay là thời của bộ máy vận hành dựa trên những thể chế và cơ chế vận hành chuyên nghiệp”.

Có lẽ dự luận sẽ không đem ra mổ xẻ những điều ông Hải nói về bầu Kiên cũng như các thành viên Hội đồng sáng lập của ACB nếu như không có vụ bầu Kiên bị bắt gây chấn động giới tài chính, ngân hàng vừa qua.

Việc khẳng định các thành viên sáng lập ra ACB trong đó có bầu Kiên là “xương sống tạo nên sự thành công của ACB, giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập” của ông Hải đã không thể thành hiện thực khi nhà băng này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy từ lúc bầu Kiên bị bắt.

Đầu tiên là cổ phiếu ACB của ngân hàng này giảm sàn liên tục trong hai phiên. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ngày 22/8, ACB tiếp tục giảm sàn, xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu. Tổng dư bán giá sàn hơn 1,1 triệu cổ phiếu, trong khi dư mua trống trơn.

Tiếp đó, từ khi nghe tin bầu Kiên bị bắt, khá đông khách hàng đang gửi tiền tại ACB đã kéo đến hội sở cũng như nhiều chi nhánh của ngân hàng rút tiền, trong đó có cả người rút trước hạn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cuối giờ chiều 21/8 đã phải hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho ACB để đảm bảo thanh khoản ngân hàng.

Bản thân ông Lý Xuân Hải cũng bị liên lụy khi được Cơ quan Công an mời lên hợp tác điều tra những việc liên quan tới bầu Kiên. Và kết luận vụ việc như thế nào thì vẫn phải chờ...
 

 
Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn