Bắt bầu Kiên: Thị trường tài chính dính cú sốc "tháng cô hồn"

Thứ tư, 22/08/2012, 10:34
Đa số người dân chỉ biết tới cái tên Nguyễn Đức Kiên khi ông có bài phát biểu công kích toàn diện VFF, nhưng với những người trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì tên ông không còn xa lạ, thậm chí còn khiến nhiều người e dè mỗi khi nhắc tới.
Nổi danh vì bóng đá
 
Trong buổi lễ tổng kết giả V-League vào đầu tháng 9 năm 2011, ông Nguyễn Đức Kiên đã khiến ban lãnh đạo VFF “tái mặt”, khi có những lời công kích được cho là đã đánh vào đúng những ung nhọt trong “con bệnh VFF” lúc bấy giờ.
 
Không chỉ thế, giới trọng tài cũng bị một phen xấu mặt khi ông Kiên khẳng định: “Trọng tài bây giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn” - Chỉ có người dân là hân hoan khi đoạn clip dài hơn 20’ đã thực sự làm họ hả hê.
 
Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) nổi danh từ những phát biểu trong buổi tổng kết V-League tháng 9/2011.
 
Thực hiện đúng những gì mình nói, vào ngày 9/12/2012, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời. Ít lâu sau ông tiếp tục khiến giới truyền thông phải đổ dồn ống kính máy ảnh về phía mình khi tiếp tục “tuyên chiến” với AVG về bản quyền phát sóng các trận đấu tại V-Leauage.
 
Cho dù cả VFF và AVG đều phản đối cách làm của ông Kiên và VPF, nhưng cuối cùng vào ngày 23/4/2012 AVG đã nhượng lại bản quyền cho VPF, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc khẩu chiến kéo dài, dù dư luận vẫn còn chưng hửng với những đồn đoán xung quanh việc “rút lui” này.
 
Sau đó tên ông tiếp tục xuất hiện trên báo chí với những lần đưa các cầu thủ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Cũng từ sự nổi tiếng này, dân chúng đã biết tới ông không chỉ với tư cách người đầu tiên làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, mà còn là người sở hữu cổ phần trong hàng loạt các ngân hàng thương mại, cũng như các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác.
 
“Ông trùm” đa ngành
 
Tuy vậy, với những người làm việc trong ngành tài chính ngân hàng đã từ lâu biết rằng, ngay từ năm 1994 ông Kiên đã có chân trong Hội đồng quản trị của ngân hàng ACB, và tính đến năm 2006, ông và người thân trong gia đình đã sở hữu khoảng 10,7 triệu cổ phần của ACB, với giá trị khoảng 1.600 tỷ đồng.
 
Theo giới thạo tin, ngoài cổ phần tại NH ACB ông Kiên còn có cổ phần tại một loại các NH như: Kiên Long, Đại Á, Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...
 
Ông Kiên sở hữu cổ phần tại rất nhiều doanh nghiệp
 
Không chỉ đóng khung trong lĩnh vực ngân hàng, ông Kiên còn mở rộng ngành nghề sang những lĩnh vực khác như Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; Phó Chủ tịch/Chủ tịch Công ty liên doanh KFC Việt Nam.

Trong lĩnh vực du lịch Trong lĩnh vực du lịch, ông Kiên cũng có “ghế” trong hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, và CTCP Du lịch Thiên Minh – Công ty nổi tiếng với việc chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria.
 
Thêm vào đó, ông Kiên còn tham gia vào lĩnh vực thể thao và gắn tên tuổi với câu lạc bộ bóng đá Hà Nội ACB. Tuy nhiên, CLB này chưa gặt hái được nhiều thành tích đáng kể dưới thời bầu Kiên và 2 lần rớt hạng trong những mùa gần đây. Sau đó, bầu Kiên bất ngờ mua lại Hòa Phát Hà Nội, sáp nhập hai đội lại để cho ra đời câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.
 
Nhiều tin tức về tài sản của ông Kiên cho đến bây giờ vẫn chỉ là những lời đồn đoán, thật khó có thể đánh giá hay biết được ông Kiên hiện nay đang có bao nhiêu tiền nếu nhìn vào những thống kê trên. Tuy nhiên dư luận thì luôn chắc chắn rằng đó là một con số khổng lồ.
 
Cú sốc "tháng cô hồn"
 
Có lẽ ông Kiên sẽ tiếp tục xuất hiện với hình ảnh và chiến dịch "làm sạch bóng đá chuyên nghiệp" nếu không xuất hiện sự kiện ngày 20/8/2012 – ông bị bắt tạm giam vào buổi chiều tối, ngay trong đêm căn nhà của ông tại Hà Nội bị cơ quan chức năng khám xét.
 
Căn biệt thự bị khám xét của ông Kiên tại Hà Nội
 
Tin này ngay lập tức gây “bão” trên thị trường chứng khoán, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các công ty liên quan đến ông Kiên như Cổ phiếu ACB mất 6,9%, chạm sàn 24.100 đồng/cp. EIB mất 4,8% xuống còn 19.800 đồng/cp.
 
Tới buổi trưa cùng ngày, thị trường tiếp tục nhận tin ông Lý Xuân Hải – Tổng giám đốc NH ACB được cơ quan công an mời lên làm việc thì VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh, mất 20,72 điểm, tương ứng giảm 4,74% xuống còn 416,56 điểm, đây là ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
 
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index của sàn Thành phố Hồ Chí Minh lao dốc đến 4,67% trong khi chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội mất 5,24% số điểm. Với mức giảm này, theo tính toán của các chuyên gia chứng khoán, thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất tổng cộng 35.600 tỷ đồng, tương đương gần 1,8 tỷ đôla Mỹ, gộp cả hai sàn.
 
Trước hiệu ứng quá mạnh của sự việc trên, vào chiều ngày 21/8, NHNN và bộ công an ra thông báo chính thức về vụ bắt giữ ông Kiên, trong đó nhấn mạnh đến việc ông Nguyễn Đức Kiên không còn tham gia điều hành tại Ngân hàng ACB, cũng như việc bắt giữ ông này chỉ liên quan đến sai phạm của ông tại 3 công ty do ông làm chủ tịch HĐQT.
 
Theo đó Bộ Công an đã nhận được một số đơn thư khiếu nại, tố cáo về các vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT gồm: công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu.
 
Qua điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Đức Kiên có một số hành vi vi phạm pháp luật nên đã khởi tố vụ án hình sự số 08 ngày 20/8/2012 về hành vi kinh doanh trái phép.
 
Cho dù ngay trong chiều 21/8, NHNN và Bộ Công an đã có những thông báo mang tính “trấn an” dư luận nhưng chắc hẳn vụ việc này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường tài chính trong những ngày sắp tới. Bởi đơn giảm để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong tình hình rối ren hiện nay là điều vô cùng khó khăn.
 
Sự lo lắng này không chỉ đến từ việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, mà còn vì trong thời gian qua hệ thống ngân hàng luôn có những diễn biến “khó lường”, từ chính sách lãi suất của NHNN, tới hiện tượng một số NH bị thâu tóm, và bây giờ là vụ bắt giữ ông Kiên. Quả thực hiện tại nhà đầu tư đã bị quá nhiều cú sốc trong khi họ đang “đi trên dây”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn