Thông tin bầu kiên bị bắt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, thị trường chứng khoán, vàng, tiền tệ cũng biến động chóng mặt.
Phiên ngày 21/8, thị trường chứng khoán rớt thảm khi Vn-Index giảm tới 20 điểm, giá USD tại ngân hàng đi xuống sau nhiều phiên chững giá và giá vàng miếng trong nước vọt tăng lên mốc 43 triệu đồng/lượng-mức giá hiếm thấy suốt nhiều tháng nay trên thị trường.
Đầu giờ sáng nay, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam vẫn báo giá mua bán USD ở 20.830 - 20.860 đồng. Tuy nhiên đến chiều nay, niêm yết này chỉ còn 20.820 - 20.855 đồng.
Vàng, USD có phiên giao dịch bất thường.
Trong khi đó, đầu giờ sáng nay, giá vàng cũng chỉ tăng khoảng hơn 100.000 đồng mỗi lượng so với mức giá niêm yết của phiên kề trước đó, thị trường vẫn chưa có sóng.
Tuy nhiên, bắt đầu tư hơn 10h sáng, các tổ chức kinh doanh kim hoàn đua nhau đẩy giá vàng bán ra lên trên 43 triệu đồng/lượng và giá mua vào cũng trên 42,9 triệu đồng/lượng, cao hơn đến 300.000 đồng mỗi lượng so với giá lúc mở cửa phiên và tăng gần nửa triệu đồng mỗi lượng so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Đây có thể nói là phiên biến động mạnh đột biến của giá vàng sau một thời gian trầm lắng cả về giá và khối lượng giao dịch. Điều đáng nói là vàng tăng giá bất ngờ không nằm trong kế hoạch của giới đầu tư và cũng không theo diễn biến của giá vàng thế giới. Theo thông tin của các tổ chức kinh doanh kim hoàn, lượng mua vàng lớn đột ngột so với bình thường.
Giá vàng thế giới lúc hơn 15h chiều nay theo bảng báo giá điện tử Ino đang xoay quanh mốc 1.625 USD, tăng khoảng 3 USD/oz so với mức giá khảo sát lúc 9h sáng nay. Như vậy, giá vàng thế giới đã tăng chậm hơn cả giá vàng trong nước.
Vàng trong nước tăng giá, đôla giảm giá khiến khoảng cách giữa vàng trong và ngoài nước càng tăng vọt. Quy đổi theo tỷ giá USD này, một lượng vàng thế giới tương đương 40,9 triệu đồng, thấp hơn tới 2 triệu đồng so với giá thực tế của các doanh nghiệp. Cuối tuần vừa rồi, khoảng cách này là 1,8 triệu đồng.