Bầu Kiên bị bắt, ACB thiệt hại gì?

Thứ tư, 22/08/2012, 11:36
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, nhà băng chấp nhận hy sinh quyền lợi để đảm bảo lợi ích cho khách hàng gửi tiền.
Hôm qua, sau tin ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị bắt, hoạt động ngân hàng của ACB bị ảnh hưởng gì?
 
Có hiện tượng một số người dân do tâm lý đã đến hội sở ACB tại TP HCM để rút tiền, nhưng không lớn. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho rút bình thường, xử lý theo cách trật tự, quy củ.
 
Mặt khác, khi có tin đồn, ngại nhất là không có tiền chi trả người dân, nhưng rất mừng là ACB đủ sức, thêm việc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác cũng có phương án hỗ trợ.

Ngay chiều qua, xe chở tiền đã về đến hội sở, ngay lập tức chúng tôi chuyển đến tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch. Về cơ bản, việc rút tiền là tâm lý đám đông, nghe tin đồn thì lo sợ nên vội vã đi rút tiền.

 
Vậy hiện tại, hạn mức giải ngân cho các khoản vay của ACB là bao nhiêu?
 
Hạn mức này được căn cứ dựa vào tình hình thực tế. Sáng nay, tạm thời chúng tôi vẫn chưa có cụ thể về hạn mức. Nhưng trưa qua, các khoản vay dưới 2 tỷ đồng, chi nhánh được tự quyết, còn trên 2 tỷ thì phải chuyển về hội sở. Đến chiều, nhận thấy có nhiều người đến rút tiền hơn buổi trưa nên ACB chỉ đạo giới hạn hạn mức là 500 triệu đồng. Tức là các khoản vay 500 triệu đồng vẫn giải ngân bình thường, còn trên 500 triệu thì phải trình hội sở ký duyệt.
 
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, việc giảm định mức giải ngân từ 2 tỷ đồng xuống 500 triệu đồng là sự chia sẻ, hi sinh quyền lợi của ngân hàng với khách hàng.

Sau một ngày, ACB đã chịu những hệ lụy gì từ việc bầu Kiên bị bắt?
 
Việc chuyển định mức giải ngân từ 2 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng cũng là một yếu tố cho thấy mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả cho khách hàng. Giảm giải ngân, có nghĩa ACB đã hi sinh quyền lợi của mình để đáp ứng lợi ích của khách hàng khi gửi vào có thể rút ra.
 
Chúng tôi xác định, cho vay lúc nào cũng được, không hôm nay thì ngày mai nhưng khách gửi tiền vào, ngân hàng phải có đủ khả năng thanh toán. Vì thế mà, trưa qua, khoản vay dưới 2 tỷ chúng tôi vẫn giải ngân nhưng đến chiều thì trên 500 triệu đã phải báo cáo hội sở, ưu tiên cho thanh khoản tiền gửi. Các khoản vay không thể giải ngân, như vậy là có thiệt hại cho ngân hàng chúng tôi, dù ít hay nhiều.
 
Một số ý kiến cho rằng, dù không còn là thành viên hội đồng sáng lập ACB, nhưng bầu Kiên bị bắt cũng là một cái “hạn” của ngân hàng, ông nghĩ như thế nào?
 
Tôi không cho đây là “hạn”. Vì phàm đã làm trong ngành tài chính, dù nhỏ hay lớn, các ngân hàng đều phải sẵn sàng đương đầu với các tình huống. Ngân hàng là một ngành kinh doanh rủi ro. Yếu tố này luôn đeo đuổi hoạt động ngân hàng, nên có hiện tượng này hiện tượng kia, tôi cho là rất bình thường. Quan trọng nhất, theo tôi, là nội tại ngân hàng không có vấn đề gì.
 
Vì rủi ro, nên ACB cũng đã biết trước và luôn có kế hoạch ứng phó với khủng hoảng. Ngay cả sự việc diễn ra hôm qua khi khách đến rút tiền, chúng tôi đã có kế hoạch ứng phó rồi. Trưa qua, thời điểm khách đến rút tiền nhiều nhất cũng chỉ bằng lúc đông nhất ngày bình thường và cũng chỉ ở hội sở.
 
Trước đó, năm 2003, thị trường cũng xuất hiện tin đồn Tổng giám đốc ACB bỏ trốn và một số khách hàng lo lắng cũng đến rút tiền. Sau đó, tổng giám đốc xuất hiện, người ta vẫn lo sợ và rút tiền do tâm lý đám đông. Rút kinh nghiệm từ sự việc này, ACB học mô hình quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế và thường xuyên cập nhật.
 
Theo ông, đến khi nào thì “hệ lụy bầu Kiên” tại ACB được xử lý xong?

Cái đó có trời mới biết. Nói vậy vì tâm lý thị trường diễn biến không thể lường được, nhất là khi tâm lý lại là cái gì đó rất bí ẩn. Chúng tôi đang làm hết sức minh bạch hóa mọi vấn đề, cung cấp các thông tin rõ ràng nhất đến người gửi tiền và sẵn sàng cung ứng tiền thanh toán.

 
Năm 2003, vụ việc người dân rút tiền do sợ lãnh đạo ngân hàng bỏ trốn, ACB xử lý xong trong 2 ngày dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn hiện tại, chúng tôi đã có kinh nghiệm, thêm vào đó là sự chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan chức năng và ngân hàng bạn, nên mọi việc không có gì trầm trọng.
 
Ngày hôm qua, giá cổ phiếu của ACB giảm sàn sau tin bầu Kiên bị bắt, ông đánh giá như thế nào?

Chuyện lên xuống của cổ phiếu là chuyện thị trường, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tâm lý, vĩ mô, chính sách... Cũng có thể việc cổ phiếu trồi sụt là trò chơi của các nhà đầu tư muốn lướt sóng, tạo tin đồn đẩy giá cổ phiếu lên xuống… Cái này ngoài tầm kiểm soát của ACB. Chúng tôi hiện tại có nhiệm vụ hoạt động an toàn, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn