Xin Thống đốc cho biết định hướng điều hành thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2013 để tiếp tục giữ ổn định tỷ giá – một trong những điểm sáng của công tác điều hành kinh tế vĩ mô năm 2012?
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều so với năm 2012. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý.
Do vậy, NHNN sẽ thực hiện các biện pháp điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và các cân đối vĩ mô như lãi suất, lạm phát, cán cân thanh toán nhằm hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của đồng Việt Nam trong dài hạn góp phần tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước;
Tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục căn bản tình trạng đô la hóa nền kinh tế, cũng như tập trung nguồn ngoại tệ vào hệ thống TCTD để tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý của nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. |
NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt phù hợp với các cân đối vĩ mô nhằm góp phần ổn định giá trị VND, kiểm soát kỳ vọng lạm phát góp phần quan trọng hỗ trợ bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, NHNN sẽ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế và khuyến khích chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế đất nước.
Người đi vay kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục hạ trong năm tới trên dưới 10%? Vậy lộ trình về lãi suất trong năm tới sẽ như thế nào?
Năm 2012, ngay từ đầu năm NHNN đã định hướng điều hành lãi suất theo hướng giảm xuống còn 9-10%/năm vào cuối năm, đồng thời đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quý 1%/năm; tuy nhiên, trước xu hướng giảm nhanh của lạm phát và diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, NHNN đã giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Trên cơ sở kỳ vọng lạm phát năm 2012 ở mức 7-8%, thì đến đầu tháng 7/2012, NHNN đã điều chỉnh giảm 5%/năm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng, đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định lãi suất trên cơ sở cung- cầu vốn thị trường, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với bốn lĩnh vực ưu tiên và điều chỉnh giảm phù hợp với lãi suất tiền gửi xuống còn 13%/năm;
Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi phổ biến ở mức khoảng 9%/năm, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-12%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 12-15%/năm, trong đó lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ từ 9-11%.
Trên cơ sở đánh giá lạm phát cả năm 2012 được kiểm soát ở mức dưới 7% (thực tế là 6,81%), thì từ ngày 24/12/2012, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 1%/năm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, đồng thời bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,5-1%/năm.
Năm 2013, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó, điều hành lãi suất của NHNN phải phù hợp với diễn biến lạm phát, các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.
Năm 2013 có giảm được lãi suất hay không phụ thuộc vào xu hướng diễn biến của lạm phát; trường hợp lạm phát cả năm có khả năng được kiểm soát theo đúng mục tiêu đặt ra (khoảng 6%) thì có thể tính đến việc điều chỉnh giảm lãi suất (đây cũng là mong muốn của NHNN).
Tuy nhiên, bên cạnh chiều hướng chung, còn nhiều yếu tố gây nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại. Do đó việc điều hành chính sách vẫn luôn phải thận trọng, linh hoạt; lộ trình giảm lãi suất đi đôi với tính toán điều kiện tự do hóa lãi suất, diễn biến tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các giải pháp chính sách vĩ mô khác để vừa kiểm soát được lạm phát mà lại có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.
Thời hạn các ngân hàng tự tái cơ cấu là năm 2012 đã hết và xử lý ngân hàng yếu kém cơ bản đã hoàn tất. Năm 2013 được dự báo là năm của ngành ngân hàng để xử lý dứt điểm những vấn đề của năm trước như nợ xấu, tái cơ cấu, NHNN sẽ có các biện pháp đẩy mạnh việc này như thế nào, có điểm gì mới thưa Thống đốc? (Xin ví dụ việc sáp nhập Sacombank, Eximbank...)
Về công tác tái cơ cấu ngân hàng: Hiện tại, NHNN đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu các TCTD trong năm 2013. Theo đó, dự kiến trong năm 2013, việc triển khai tái cơ cấu tập trung vào các nội dung sau:
- Hoàn thiện căn bản các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm nâng cao các chuẩn mực, điều kiện an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD như Thông tư quy định về tổ chức lại; góp vốn, mua cổ phần của NHNN tại TCTD được kiểm soát đặc biệt…
- Hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của NHTMCP yếu kém. Theo đó, trong năm 2013, NHNN tiếp tục xử lý các NHTM cổ phần yếu kém đã được xác định vào đầu năm 2012.
- Triển khai và hoàn thành căn bản cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng, trong đó tập trung xử lý các TCTD phi ngân hàng yếu kém được xác định qua công tác thanh tra, giám sát năm 2012.
- Kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ các TCTD trong việc xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại, đặc biệt là các ngân hàng đã được phê duyệt năm 2012 để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, giải pháp và lộ trình đã đề ra trong Phương án.
- Khuyến khích các TCTD không thuộc đối tượng yếu kém tích cực tăng vốn điều lệ và triển khai các giải pháp để cơ cấu lại hoạt động, quản trị, kể cả giải pháp sáp nhập, hợp nhất nhằm hình thành các TCTD có quy mô và năng lực quản trị ngang tầm quốc tế.
Liên quan đến thông tin sáp nhập Ngân hàng Sacombank và Eximbank, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được văn bản đề nghị về vấn đề này.
Về vấn đề nợ xấu của TCTD: Việc xử lý nợ xấu được NHNN đặc biệt quan tâm. Theo đó, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng, khách hàng vay, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định; đồng thời triển khai ngay các giải pháp tự thân để xử lý nợ xấu như xử lý tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bán nợ… Vì vậy, nợ xấu thời gian qua đặc biệt là những tháng cuối năm 2012 có chiều hướng tăng chậm lại rõ rệt so với thời điểm đầu năm.
Kế hoạch xử lý nợ xấu của TCTD trong thời gian tới như sau:
(i) Thực hiện rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, TCTD, đối tượng vay vốn và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...và đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, tình trạng pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản của các tài sản này để triển khai các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu;
(ii) Hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam để báo cáo Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam và các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định; quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp trong Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế.
Với việc tích cực triển khai các giải pháp trọng tâm nêu trên, trong năm 2013, NHNN sẽ đạt được các mục tiêu đề ra tại Đề án là nguy cơ đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng được loại bỏ; các TCTD yếu kém được xử lý về cơ bản. Kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực ngân hàng được lập lại và củng cố.
Để miêu tả bức tranh ngành ngân hàng năm 2013, Thống đốc có thể nói ngắn gọn như thế nào? Thống đốc kỳ vọng gì cho hoạt động ngành trong năm Quý Tỵ?
Năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng.
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng rất nặng nề, trong đó trọng tâm là thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng cường quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ và tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo đến năm 2015 phát triển hệ thống tín dụng theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và hội nhập vào kinh tế thế giới.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách như chính sách tài khóa, chính sách quản lý giá Nhà nước, chính sách đầu tư, thương mại, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…
Tôi tin rằng trong năm 2013 chính sách tiền tệ của NHNN sẽ góp phần tích cực vào thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Thị trường vàng vận hành ổn định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nguồn lực vàng trong nền kinh tế được huy động để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.
Quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt gắn với xử lý nợ xấu một cách căn bản, tạo điều kiện để hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh và hiệu quả, khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế.
Theo Chính Phủ