"Thiệt hại do dừng cảng Kê Gà sẽ được bồi thường"

Thứ sáu, 22/02/2013, 13:53
Vinacomin sẽ thẩm định thiệt hại phát sinh khi dừng dự án cảng vận chuyển cho bô xít Tây Nguyên và xin ý kiến Chính phủ đề bồi thường theo đúng quy định.

Trao đổi với PV sáng nay, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã giải thích cụ thể lý do dừng triển khai cảng Kê Gà (Bình Thuận) và phương án đền bù cho các dự án nếu bị ảnh hưởng.

Cảng Kê Gà được thực hiện theo chủ trương quy hoạch bô xít - nhôm Tây Nguyên từ những năm 2007-2008. Hiện nay, công suất của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ đạt 1,3 triệu tấn alumin.

Theo ông Biên, trong khi chưa điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp bô xít - nhôm thì việc đầu tư riêng một cảng chuyên dùng chỉ phục vụ cho 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ trước mắt sẽ không có hiệu quả kinh tế.

cảng Kê Gà
Dự án bô xít Tây Nguyên một thời gây xôn xao dư luận.

Trong khi đó, vì tỷ giá đã tăng lên so với thời điểm năm 2010, giá cả đầu vào và chi phí đền bù cũng tăng… nên dự án cảng Kê Gà không đạt được hiệu quả như dự kiến ban đầu.

"Vinacomin tạm dừng xây dựng cảng Kê Gà, còn về lâu dài chắc chắn quy hoạch phát triển vùng bô xít-nhôm Tây Nguyên cũng như cơ sở hạ tầng sẽ được xây dựng đồng bộ để phát triển tiềm năng bô xít ở Tây Nguyên cũng như góp phần phát triển kinh tế khu vực này", lãnh đạo Vinacomin khẳng định.

Ông Biên cho biết, tập đoàn đang nghiên cứu lập phương án vận tải đáp ứng yêu cầu khai thác, sản xuất cho các dự án Tân Rai và Nhân Cơ trước mắt và lâu dài, báo cáo Thủ tướng trong quý II/2013.

Dự án cảng Kê Gà có vốn đầu tư khoảng 700 triệu đôla nhưng sau đó đã được điều chỉnh lên 1 tỷ đôla. Tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 3.768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Vinacomin khẳng định, chi phí thực hiện chưa lớn vì cảng mới ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và chưa khởi công. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn một liên quan đến 4 doanh nghiệp, Vinacomin đã chuyển 4 tỷ đồng. "Hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn một chưa thực hiện xong do còn vướng mắc về giá đền bù", ông Biên cho hay.

Liên quan đến 12 dự án buộc phải dừng triển khai khu resort để nhường đất xây cảng Kê Gà, ông Nguyên Văn Biên khẳng định, phải kiểm tra xác định cụ thể lại. "Sau khi tính toán, báo cáo Chính phủ, chúng tôi sẽ đền bù theo đúng quy định của pháp luật".

Về hiệu quả sản xuất alumin, Vinacomin cho hay, mới chỉ tính trong dự án và chưa kiểm nghiệm được thực tế do dự án chưa hoàn chỉnh. Trong khi sản phẩm alumin trong nước đang phải nhập khẩu, sản lượng bán trong nước dự kiến khoảng 100 nghìn tấn mỗi năm sẽ giúp hạn chế dùng ngoại tệ để nhập khẩu. Ngoài ra, giá bán trong nước cạnh tranh với giá nhập khẩu cho nên đảm bảo hiệu quả kinh doanh khi bán trong nước.

"Nhà máy Tân Rai đã góp phần giảm nhập siêu. Sau này, khi điện phân thành nhôm thì hiệu quả còn tăng rất cao vì sẽ thay thế cho sản phẩm nhôm nhập khẩu hiện nay để phục vụ phát triển kinh tế đất nước", Vinacomin khẳng định.

Trước một số ý kiến cho rằng hiệu quả của dự án alumin không cao do giá xuống thấp, ông Biên cho hay, sản phẩm xuất khẩu thì theo giá thị trường quốc tế (LME London…) hiện nay và dự báo cho những năm tới.

Với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách phù hợp của nhà nước thì dự án sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội.: "Lấy giá lúc khủng hoảng này tính cho cả giai đoạn dài hạn thì thường là chưa chuẩn xác. Bởi đời dự án Tân Rai lên tới tới 30 năm", ông Biên nêu quan điểm,

Ngoài ra, bô xít Tây Nguyên là dự án đầu tiên của Việt Nam, công nghệ phức tạp nhưng dự án Tân Rai đã ra được sản phẩm là dấu hiệu chứng tỏ công nghệ sản xuất ra sản phẩm alumin đạt chất lượng.

Đây cũng là ngành công nghiệp mới có giá trị kinh tế cao, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên góp phần cải thiện đời sống người dân. "Hai dự án sau khi hoàn thiện và có đánh giá cụ thể, sẽ mở đường cho ngành công nghiệp lớn sản xuất nhôm sớm phục vụ phát triển đất nước vì Việt Nam được đánh giá vào một trong những nước có trữ lượng bô xít nhôm lớn nhất thế giới", ông Biên khẳng định.

Cảng Kê Gà được xây dựng tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Cảng có có chiều dài ven biển khoảng 2 km với tổng diện tích khoảng 366 ha kể cả diện tích đất liền và diện tích mặt nước. Công suất năm 2015: 3,55 triệu tấn / năm. Năm 2020: 17,46 triệu tấn/ năm. Năm 2025: 26,99 triệu tấn/ năm. Năm 2030: 36,77 triệu tấn/ năm.

Ngày 10/09/2010, Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng Kê Gà - Bình Thuận Giai đoạn I (công suất 3,5 triệu tấn/năm)

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn