Sáng 13/6, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) họp báo, công bố giấy phép kinh doanh mới.
Ông Nguyễn Minh Trí (đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Đất Việt - Hà Nội) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam, có tỷ lệ vốn chiếm 62,43% trong tổng vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ông Trần Văn Trí (chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền) chiếm 34,57%, còn lại 3% thuộc về cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế.
Thủy sản Phương Nam đã hồi sinh. |
Trước khi điều hành Thủy sản Phương Nam, ông Nguyễn Minh Trí là Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), một chủ nợ lớn của đại gia thủy sản Phương Nam với hơn 328 tỷ đồng. Để tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty cổ phần Dịch vụ Đất Việt mua lại nợ của LienVietPostBank. Ông Nguyễn Minh Trí được ngân hàng miễn nhiệm Phó tổng giám đốc, sang ký hợp đồng làm việc với Công ty Đất Việt và được doanh nghiệp cử làm đại diện vốn góp vào Thủy sản Phương Nam theo đề án tái cơ cấu.
Như vậy, trên thực tế Thủy sản Phương Nam chỉ còn nợ LienVietPostBank khoảng 228 tỷ đồng, sau khi trừ phần nợ bán cho Công ty Đất Việt.
Đối với chồng bà Diệu Hiền, số cổ phần 34,57% tại Thủy sản Phương Nam là mua hết nợ của Ngân hàng An Bình (ABBank) và một phần vốn của gia đình góp vào. Ông Trần Văn Trí được HĐQT cử làm tổ trưởng thanh lý tài sản không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy để giảm dần nợ cho Thủy sản Phương Nam.
Biệt thự của đại gia Lâm Ngọc Khuân được chủ nợ ngân hàng lấy cho thuê làm nhà hàng khách sạn. |
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Trí, sau khi thanh lý xong tài sản bên ngoài nhà máy và xử lý hàng tồn kho (khoảng 60 tỷ đồng), công ty chỉ còn nợ khoản 1.300 tỷ đồng và có thể mất cân đối 500 tỷ.
Để Thủy sản Phương Nam hoạt động hiệu quả, ngoài việc tuyển thêm 1.000 lao động, công ty được các ngân hàng tạm ngưng tính lãi 3 năm và khoanh, giãn nợ từ 3-5 năm tùy theo điều kiện của mỗi nhà băng. Đối với LienVietPostBank, nơi đây cam kết cho Thủy sản Phương Nam vay thêm vốn mới để mua nguyên liệu, sản xuất hàng cung cấp cho các hợp đồng vừa ký kết với đối tác truyền thống ở nước ngoài.
Toàn bộ số tiền 1.600 tỷ đồng đang nợ các ngân hàng, Phương Nam sẽ được miễn lãi trong vòng 3 năm tới. Các ngân hàng cũng đồng loạt điều chỉnh lãi vay từ trước đây xuống còn 10%. Các khoản nợ cũ sẽ được thanh toán dần khi công ty hoạt động trở lại, làm ăn có lãi.
Bà Trịnh Thị Hồng Phượng, Phó giám đốc Công ty Phương Nam cho biết trong tháng 6 này công ty có đơn hàng 1,3 triệu USD, dự kiến đến cuối năm đạt kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD. Kế hoạch năm 2014 công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 50 triệu USD. Năm 2015 tăng lên 70-80 triệu USD, nguyên liệu tiêu thụ khoảng 7.200 tấn, trong đó 80% tôm thẻ, còn lại là tôm sú. Công ty tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu sang Mỹ từ 45-50%, Nhật 25% và EU 20%, còn lại là thị trường Canada, Hàn Quốc, Malaisia.
Trả lời PV về việc “thanh lý” nợ nần là bất động sản trước đây Thủy sản Phương Nam thế chấp, bà Phượng cho biết biệt thự của đại gia Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT) được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) định giá 38 tỷ đồng để cho vay. Hiện nhà băng này định giá biệt thự tương đương 42 tỷ đồng để thu hồi nợ. Trước mắt, VietcomBank đã cho Công ty cổ phần Xây dựng Sóc Trăng thuê biệt thự của ông Khuân để mở nhà hàng, khách sạn.
Theo tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Trí, tới đây công ty sẽ liên hệ với các ngân hàng chủ nợ để xem việc cấn trừ tài sản để thu hồi nợ có đúng quy định của pháp luật hay không nhằm đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.
Theo VnExpress