Thanh Hương, nhân viên văn phòng của một công ty may đóng tại quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ, cô vừa mới tốt nghiệp và đi làm được 2 tháng. Tháng lương đầu tiên, cô tiêu hết và chẳng dư ra đồng nào. Tới cuối tháng, cô đi viện cần tiền gấp nhưng không có một xu. Gia đình ở xa, hơn nữa đã mang tiếng đi làm không nỡ mở miệng xin người thân nên Hương phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Sau bài học này, cô quyết tâm phải thực hành tiết kiệm.
"Ngay khi nhận lương 4 triệu đồng, tôi đã lấy 2 triệu bỏ ngay vào con heo đất. Số tiền còn lại tôi để chi tiêu cho cả tháng", cô nói.
|
Tiết kiệm là điều rất quan trọng với những người mới đi làm. |
Thu Lan, hướng dẫn viên du lịch một công ty có tiếng tại quận 10, TP.HCM tâm sự, vì là người từ tỉnh lẻ lên thành phố, lại không có người thân bên cạnh nên ngay khi đi làm, cô đã lên kế hoạch tiết kiệm để phòng ngừa ốm đau.
Ngay tháng lương đầu tiên, Lan không ngần ngại mở một tài khoản ngân hàng và dành khoảng 30% tiền lương mỗi tháng nộp vào đó. Những tháng sau, cô ra chỉ tiêu là tăng 5-10% số tiền tiết kiệm. Do đó, cô rất dè xẻn trong mua sắm.
Lan cho biết, vì là dân hướng dẫn viên du lịch nên khâu ăn mặc cũng được nhiều đồng nghiệp đầu tư khá tốn kém. Tháng nào nhận lương là các đồng nghiệp của cô cũng rủ nhau đi shopping. Nơi cô làm việc trở thành "cuộc đua" thời trang vì ai cũng cố tỏ ra sành điệu, hợp mốt. Do đó, một người luôn cân nhắc chuyện mua sắm như Lan bị xem là lạc hậu. Nhưng cô cho rằng không quan tâm lắm về chuyện đó, vì tiết kiệm mới là mục đích quan trọng của cô.
Theo Lan, khoản dự phòng này là tài sản của riêng mình, để bản thân luôn an tâm. "Hơn nữa, học cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý ngay bây giờ để sau này lấy chồng, sinh con sẽ biết vun vén cho gia đình", cô tâm sự.
Trong khi đó, Thành Nam, nhân viên IT của một công ty phần mềm nghĩ ngay đến việc mua bảo hiểm tai nạn để phòng ngừa rủi ro. "Hàng tháng chỉ cần trích ra khoảng 1 triệu đóng bảo hiểm nhưng mình sẽ cảm thấy rất an tâm khi lỡ xảy ra sự cố", Nam nói.
Trao đổi với PV, một chuyên gia tư vấn của Tổng đài 1088 cho rằng, nhiều người từ chỗ sống phụ thuộc gia đình chuyển sang giai đoạn mới đi làm và nhận được những đồng lương đầu tiên thường dễ mắc sai lầm là chi tiêu quá tay. Bởi khi đó, ví của họ luôn rủng rẻng tiền và họ nghĩ ngay đến việc phải hưởng thụ nó bằng cách đi mua sắm, ăn tiêu... Điều này có nghĩa là họ không có định hướng, không có kế hoạch tài chính cụ thể, khi đó khó mà quản lý được túi tiền của mình và rất dễ rơi vào tình trạng không một xu dính túi khi ốm đau.
Do đó, vị chuyên gia này khuyên, những người mới đi làm nên lường trước việc này và bắt tay ngay vào thực hiện chính sách tiết kiệm. Khoản tiền này là thứ duy nhất giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn bất ngờ như bị sa thải, bị đau ốm...
Hơn nữa, theo ông, khoản tiết kiệm đó còn là tiền vốn để những người mới đi làm có thể thực hiện ước mơ dài hạn của mình sau này như đầu tư vào việc kinh doanh riêng... "Tiết kiệm một khoản tiền mỗi tháng có nghĩa là người đó phải hy sinh một số nhu cầu trong thời gian ngắn, nhưng đó là cách duy nhất để đạt được mục tiêu bảo đảm tài chính của họ", ông nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, không có công thức nào cho việc tiết kiệm bao nhiêu, mà tùy mỗi người phải biết liệu cơm gắp mắm. "Điều quan trọng là ngay khi làm ra tiền, còn độc thân thì nên trích ra một số tiền nhất định để đưa bố mẹ giữ hoặc gửi ngân hàng...", ông chia sẻ.
Theo VnExpress