Tờ Guardian đã loan tin trên hôm 7/6, cho biết việc Alwaleed bin Talal được Forbes định giá có 20 tỷ USD là chưa chính xác.
Tranh cãi quanh khối gia sản 9 tỷ USD
Hoàng tử Alwaleed, cháu trai của người sáng lập ra Arab Saudi và là họ hàng của Quốc vương Abdullah, hiện đang sở hữu Công ty Kingdom Holding. Thông qua công ty, Hoàng tử nắm nhiều cổ phần của các tập đoàn lớn trên thế giới như Citigroup, News Corp và Apple.
Ông cũng là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu nhiều khách sạn hạng sang gồm Plaza ở New York, Savoy ở London và George V tại Paris. Hoàng tử tin rằng mình có trong tay số tiền lớn hơn mức 20 tỷ USD mà Forbes tính toán.
Hoàng tử Alwaleed Bin Talal, người vừa khởi kiện Forbes vì tính thiếu 9,6 tỷ USD trong gia sản của ông
|
Vì lẽ đó, khi danh sách tỷ phú thế giới của Forbes được công bố vào ngày 4/3, chỉ một hôm sau Kingdom Holding đã nói rằng tiến trình đánh giá của tạp chí có vấn đề khi sử dụng "dữ liệu không chính xác", khiến cho Alwaleed bị tính "hụt" mất 9,6 tỷ USD trong gia sản.
Công ty cũng cho rằng dường như hoạt động đánh giá đã được thiết kế để gây bất lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tới từ Trung Đông.
Theo Văn phòng Hoàng tử Alwaleed, tạp chí Forbes đã từ chối chấp nhận việc tính toán tài sản theo giá cổ phiếu niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Arab Saudi Tadawul. Trong khi đó, tạp chí lại chấp nhận việc tính tài sản dựa trên giá cổ phiếu niêm yết ở các sàn giao dịch thuộc một số thị trường mới nổi như Mexico.
Văn phòng cho rằng Forbes đã áp dụng "các tiêu chuẩn khác nhau" trong việc đánh giá sự giàu có của từng cá nhân và vì thế kết quả của họ không chính xác. Văn phòng đã yêu cầu Forbes bỏ tên Hoàng tử Alwaleed khỏi danh sách người giàu, đồng thời tuyên bố cắt đứt mọi mối quan hệ với tạp chí và sẽ không hợp tác với các đội đánh giá nữa. Thay vì thế, Hoàng tử sẽ hợp tác với đối thủ của Forbes là Bloomberg.
Tìm cách khoe giàu
Phản ứng của Hoàng tử Alwaleed đã gây xôn xao dư luận. Nhưng Forbes cuối cùng vẫn giữ nguyên ước tính tài sản của Alwaleed là 20 tỷ USD, thay vì mức 29,6 tỷ USD và cũng không bỏ tên ông ra khỏi bảng xếp hạng. Chưa hết, Forbes còn viết một bài báo mang tựa đề "Hoàng tử Alwaleed và trường hợp kỳ dị của cổ phiếu Kingdom Holding" để trả đũa.
Bài báo đã đưa ra chi tiết về việc vì sao Forbes lại đánh giá tài sản của Alwaleed chỉ có 20 tỷ USD và chỉ trích sự thiếu minh bạch của Kingdom Holding trong việc kê khai tài sản.
Cũng theo bài báo, Alwaleed đã liên tục tìm cách gây tác động tới việc xếp hạng độ giàu của ông. Ví dụ Alwaleed đã trực tiếp liên lạc với một phóng viên của tạp chí chỉ để cho anh biết rằng Công ty Kingdom Holding thành công tới đâu và qua đó, ông muốn được đảm bảo chắc chắn rằng mình sẽ có mặt trong danh sách tỷ phú mới của tạp chí.
Việc trực tiếp liên lạc như thế không phải là hành động hiếm hoi của Alwaleed. Trong 1/4 thế kỷ qua, ông đã làm đủ trò, từ vận động, ve vãn cho tới cả việc đe dọa tạp chí khi liên quan tới việc xếp hạng khối tài sản của ông. Điều đáng nói là trong số 1.426 tỷ phú được xếp hạng, ngay cả kẻ thích phô trương và đầy tự phụ như Donald Trump cũng không tìm mọi cách để thay đổi thứ hạng của mình trong bảng tổng sắp!
Có vẻ như với Alwaleed, việc được xếp hạng cao trong danh sách tỷ phú rất có ý nghĩa với ông. Nó cho thấy sự thành công và tầm vóc của ông, như nhận xét của một cựu trợ lý từng làm việc cho Alwaleed nói với Forbes.
Tại sao lại là tòa án nước Anh?
Một quan chức tại Tòa thượng thẩm London hôm 7/6 đã xác nhận với Guardian về việc Hoàng tử Alwaleed có gửi đơn tới đây trong ngày 30/4 với nội dung chống lại Forbes, Tổng Biên tập tạp chí là Randall Lane và 2 phóng viên. 2 phóng viên bị nêu tên trong lá đơn là Kerry Dolan, tác giả bài báo kể trên của Forbes và Francine McKenna, người tham gia bổ sung thông tin cho bài viết.
Hiện chưa rõ khi nào phiên tòa sẽ diễn ra. Công ty luật Kobre & Kim đại diện cho Alwaleed đã từ chối bình luận. Forbes, có trụ sở ở New York, Mỹ, cũng chưa có phản ứng gì. Tuy nhiên, Guardian có dẫn lời các quan chức tạp chí nói rằng: "Chúng tôi rất ngạc nhiên trước việc Hoàng tử Alwaleed quyết định kiện Forbes, đặc biệt là khi ông làm thế ở Anh, một thể chế sẽ chẳng can thiệp được gì vào bài báo gần đây của chúng tôi, vốn đặt nghi vấn về việc Hoàng tử tìm cách phát tán thông tin về khối gia sản của ông".
Theo luật sư Jonathan Coad từ Công ty luật Lewis Silkin, việc Alwaleed chọn Anh thay vì Mỹ để khởi kiện là có lý do. "Tại Mỹ, một nguyên đơn nổi tiếng phải chứng minh được rằng bài báo phỉ báng họ không đúng sự thực và nhà xuất bản biết rõ bài báo này sai trái nhưng vẫn in. Hai rào cản đó không có trong hoạt động khởi kiện tội phỉ báng ở Anh" - Coad nói.
Dưới luật Anh, nguyên đơn chỉ cần chứng minh rằng một bài báo nào đó mang nội dung lăng mạ và chứng minh bản thân vô tội thì các gánh nặng sẽ lập tức đổ lên vai bị đơn.
Theo TT&VH