Đơn giản vì nếu hiện tại 1 giờ bạn làm ra 1 đô, nhưng giả sử bạn làm ra 1,5 đô thì cuối tháng, đương nhiên bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn 50% so với tháng trước. Vấn đề là làm sao từ 1 đô lên 1,5 đô. Bạn chỉ cần suy nghĩ rằng một "sản phẩm" của mình là một giờ lao động và làm sao cho sản phẩm đó giá trị hơn. Điều đó có nghĩa là bạn phải "đầu tư" cho sản phẩm của mình.
Bạn đã có người mua sản phẩm, chính là ông chủ/công ty của mình. Thị trường mà bạn cần cạnh tranh là bộ phận/phòng ban của bạn (hay tổ/dây chuyền làm việc). Hãy xác định ưu thế cạnh tranh là gì và đầu tư cho nó.
Cần tiếng Anh? Bỏ 1 triệu thay vì tiết kiệm ra đi học tiếng Anh. Cần chuyên môn? Bỏ tiền ra đi học nghề. Nghề không ai dạy thì đầu tư tiền một cách "khéo léo" vào các nhân viên cấp trên, nhân viên nhiều kinh nghiệm hơn mình để được họ chỉ dạy.
Đương nhiên ở đây tôi đang bàn chuyện cạnh tranh lành mạnh và trong sáng, kể cả việc công khai cạnh tranh để khẳng định bản thân chứ không phải nịnh nọt, chạy chọt.
Ảnh minh họa |
Rất nhiều bạn sẽ nói rằng tôi cũng đầu tư học hành thêm rồi, có được gì đâu. Tôi nghĩ đó là vì cái cách "học", thói quen "ham học" của người Việt Nam. Học mà chẳng biết học làm gì. Chẳng hạn, làm nhân viên sale cho thị trường nội địa, tối bạn đòi học tiếng Anh thay vì học online marketing, sale qua Internet,...
Một khi bạn hiểu cái suy nghĩ không bán sức lao động mà bán "sản phẩm" của sức lao động, thì bạn sẽ hiểu mình cần đầu tư cho nó thế nào. Từ nhu cầu đó, bạn sẽ học và đầu tư đúng mức và có động lực rõ ràng. Kết quả chắc chắn sẽ là những thay đổi về mức lương, về tư duy và những trải nghiệm sống thú vị hơn.
Tại sao bạn lại phải cắt giảm chi phí tối đa, sinh hoạt ở mức tối thiểu để vì 1 mục tiêu là tiết kiệm tiền? Bạn hãy làm điều đó, nhưng với một mục tiêu khác: Tôi là ông chủ của chính tôi, tôi cắt giảm chi phí sinh hoạt (giống như công ty cắt giảm chi phí hoạt động) là bởi vì tôi đang đầu tư cho cái sản phẩm "1 giờ lao động" của tôi.
Theo VNE