Dân giàu thì đi đổi gió ở Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt, Hạ Long…đôi khi đi du lịch nước ngoài. Còn dân nghèo thì cũng đi “đổi gió” mà có điều chỉ loanh quanh… Sài Gòn, vậy mà khi theo chân họ đi trốn nóng, chúng tôi thấy cách trốn nóng của họ tuy ít tiền, không mất công đi xa vậy mà tỏ ra rất hữu hiệu, mà cũng không kém phần “thi vị”, hấp dẫn.
Cà phê bình dân ‘Cây Si,’ một nơi trốn nóng giáp ranh hai quận 8 và Bình Chánh. |
Lý tưởng nhất trong mùa nắng nóng này là tìm được những quán cà-phê bình dân với “cây cao, bóng mát” giá cả lại hợp với túi tiền của người bình dân.
Tại khu dân cư mới Phú Lợi, giáp ranh giữa quận 8 và Bình Chánh có quán cafe P.C, đây là một quán cafe bình dân với diện tích lên tới cả ngàn mét vuông trong sân trồng nhiều cây si cổ thụ, xen giữa một khóm tre, có tháp nước nhỏ phun nước róc rách, với giàn quạt máy (loại quạt công nghiệp) bao quanh tạo gió mát.
Quán rất đông khách tới “trốn nóng” vì giá cả ở đây rất bình dân: ly sinh tố dâu có 12 ngàn đồng 1 ly, cà-phê có giá từ 10 tới 12 ngàn đồng một ly. Khách ngồi bao lâu tùy ý.
Câu cá dưới gầm cầu Bà Lớn, quận Bình Chánh. |
Gặp anh L tại quán P.C, anh cho biết nhà anh ở “mũi tàu” Tùng Thiện Vương, quận 8, anh làm nghề thợ hàn tại nhà. Anh than trời nóng như đổ lửa, trưa mà ngồi “ôm” que hàn chịu không xiết, anh chạy qua quán P.C làm ly sinh tố cho mát, ngồi chơi đợi 2 – 3 giờ chiều dịu nắng về làm tiếp.
Anh cười, khoe: ”Mình dân tự do, vừa là chủ vừa là thợ nên giờ giấc có quyền “xê dịch” chút cho đỡ nóng, da thịt người ta chứ có phải “cốt –thép” gì đâu mà chịu nóng sao thấu”.
Dưới gầm cầu Bà Lớn, cũng gần với khu quốc lộ 50, chúng tôi gặp mấy người đang ngồi câu cá, gió mát lồng lộng, thật là một nơi lý tưởng để trốn nóng. Hỏi thăm một anh chàng đang câu, anh ta cho biết là câu hồi giờ vẫn chưa thấy con cá nào cắn câu, anh cười hóm hỉnh: ”Có lẽ nắng nóng quá, cá cũng lo bơi ra sông lớn trốn nóng hết rồi”.
Ngồi chơi, nói chuyện anh cho biết nhà ở bên quận 7 qua đây câu chơi chủ yếu là đi trốn nóng chứ cũng không mấy hy vọng là sẽ câu được cá, vì chuyện ấy theo anh thì “năm thì mười họa” may ra câu được con cá trê dừa.
Anh cũng cho biết thêm anh làm bên ngành xây dựng, chủ yếu là trang trí nội thất, nhưng ngành bất động sản đóng băng mấy năm nay hiện anh thất nghiệp cũng được hai năm rồi. Hàng ngày lo đưa đón con cho vợ đi làm, trong khi chờ rước con anh đi câu, vừa trốn nóng vừa “né” mấy bạn nhậu, sợ vợ con không vui, đã thất nghiệp mà còn lo nhậu nhẹt.
Hỏi thăm về triển vọng công việc sắp tới, anh cười buồn, chỉ qua bên kia dòng sông, nơi mấy tòa cao ốc của khu Happy Lands đang bỏ dang dở mấy năm nay nằm phơi mình trong nắng với những giàn cốt thép đã han rỉ, nói: ”Mấy đại gia bất động sản mà còn nằm kia, thì “râu ria” như tụi em, còn hy vọng gì nữa?”.
Ven Sài Gòn với những khúc sông lớn, ngoài khu cầu Bà Lớn rất được dân câu cá đi trốn nóng ưa chuộng, thì khúc dưới gầm cầu Ông Lớn gần khu dân cư Trung Sơn lâu nay lại trở thành địa điểm “Cafe võng” được nhiều nam thanh nữ tú chọn làm nơi trốn nóng.
Cafe võng dưới gầm cầu Ông Lớn, Khu Trung Sơn, Sài Gòn. |
Nằm đong đưa trên võng, với chai nước suối ướp lạnh hay ly cafe đá 15 ngàn đồng, còn 20 ngàn đồng thì có lon “bò cụng” hoặc trái dừa xiêm ướp lạnh, ngó ra dòng sông cuồn cuộn chảy trong nắng, gió mơn man dưới gầm cầu mát rượi đâu có thua gì mấy resort ngoài Mũi Né?
Là nói cho vui vậy, chứ với giá tiền bình dân như vậy lại không phải đi xa những cặp đôi nam nữ tìm thấy niềm vui giản dị của tuổi biết…buồn.
Trò chuyện với một cặp đôi tại khu cafe võng cầu Ông Lớn, chàng trai cho biết tên T, hiện đang làm tại một xí nghiệp gần đó, còn bạn gái T thì còn đang đi học.T cho biết, giờ trưa thường chở bạn gái ra đây, vì gần, gió mát, giá lại rẻ. Đầu giờ chiều hai đứa lại trở lại với công việc.
Một bác lớn tuổi ở Sài Gòn nhận xét: ”Mùa nắng nóng này thì dân nghèo ai cũng cực hết, chỉ có mấy thằng cha làm cho hãng nước đá tối ngày ôm cây nước đá với mấy đứa nhỏ ham đá dế, thả diều là sướng thôi”.
Có lẽ vậy, nhiều công trình xây dựng đình đám trở thành khu đất hoang, mùa nóng này bỗng trở thành “thiên đường” cho mấy đứa học trò đi bắt dế, thả diều, mặc cái nóng như đổ lửa hầm hập, mặc xăng dầu lên giá, khủng hoảng kinh tế cùng những nỗi lo toan đầy đa đoan của người lớn. Tuổi thơ với những cánh diều, bầu trời xanh và mây trắng bay, mặc cho tháng 4 mở đầu một mùa nóng khắc nghiệt nhất trong năm.
Theo Baomoi