Tiến sĩ nam khoa kể chuyện chữa vô sinh
Ngồi ghế đợi cùng khoảng 20 bệnh nhân ở bệnh viện chuyên khoa nam học hiếm muộn Hà Nội, chúng tôi cảm nhận được phần nào tình trạng “ngóng đợi” của họ. Gần 20 gương mặt, đủ mọi lứa tuổi. Tôi đoán, người đàn ông già nhất ngồi ghế bên phải năm nay chừng 50, còn người phụ nữ trẻ nhất vừa được xướng tên là Nguyễn Thị My, 35 tuổi ở Láng Hạ.
Người đi khám vì lập gia đình hơn chục năm mà chưa có con, người khám vì muốn sinh thêm đứa thứ 2 mà phải chờ đợi mãi. Có trường hợp, muốn sinh con thứ 3 nhưng mãi không đẻ được. Tất cả họ có chung sự chờ đợi là một đứa con.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Vương Văn Vệ. |
Tới gần 11h trưa tôi mới gặp được bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, giám đốc bệnh viện chuyên khoa đầu tiên về nam học hiếm muộn Hà Nội. “Đó chưa phải là bệnh nhân cuối cùng của tôi trong buổi sáng nay. Vừa nói, bác sĩ Vệ vừa hướng mắt về người phụ nữ tôi gặp ngoài cửa”. Đó là một phụ nữ cao ráo, có nhan sắc, chừng 45 tuổi. Theo bác sĩ Vệ, chị này tới khám, điều trị để sinh thêm đứa con nữa.
Bác sĩ Vệ kể, vợ chồng người phụ nữ ấy giàu có, họ nhiều nhà, nhiều xe nhưng chẳng biết để làm gì. “Chị ấy ở tuổi mãn kinh rồi nhưng mà nghe bạn bè giới thiệu tìm đến đây. Tôi đang tư vấn để lên kế hoạch điều trị”.
Theo vị Tiến sĩ trong lĩnh vực hiếm muộn, có rất nhiều trường hợp phụ nữ ở tuổi mãn kinh tới xin giúp đỡ để sinh thêm con. “Như chị đó còn trẻ, chứ có phụ nữ năm nay 52 tuổi, có 2 con gái lớn rồi đã mãn kinh vẫn tới điều trị. Sau một thời gian, tới nay, chị ấy đang mang thai tháng thứ 7”.
Với những người mãn kinh, bác sĩ sẽ dùng phác đồ điều trị tạo chu kỳ kinh, sau đó, sẽ có những biện pháp tạo điều kiện để buồng trứng chấp nhận. Khi có nhu cầu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn, điều trị để đạt được kết quả như ý muốn.
Hai mẹ con đi chữa vô sinh
Đó là trường hợp của gia đình chị Mai Thị Hà (tên đã thay đổi) ở Hà Nội tới viện điều trị năm 2012. Ban đầu, con gái chị Hà là Nguyễn Thị My (SN 1988) tới bệnh viện khám vì cưới chồng hơn 1 năm mà chưa có con.
“Tôi không rõ họ làm gì nhưng rất giàu có. Cô con gái thường xuyên đi cùng mẹ. Người mẹ năm nay 46 tuổi. Chẳng biết họ nghĩ gì, nhưng người mẹ cũng muốn sinh con. Sau một thời gian điều trị, chị Hà có thai và sinh con trước con gái. Các cụ ngày xưa nói vui cháu bú bà, nay ở nhà chị Hà thì đó là sự thật”, bác sĩ vui vẻ kể chuyện.
Tại bệnh viện nam học, có nhiều trường hợp tới bệnh viện chữa trị với mong muốn có con lắm. Một ngày vài bác sĩ tiếp hàng chục bệnh nhân, mỗi người một hoàn cảnh. Có nhiều cặp sinh năm 90 - 92 đã tới viện.
“Những cặp vợ chồng trẻ tới khám nhiều lắm. Họ có vấn đề, nhiều người bị di truyền. Như ở viện, có một gia đình 4 anh em trai đều không có con. Họ tới đây điều trị và thành công.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vô sinh, hiếm muộn, cái chính là bệnh nhân có ý thức tới khám, điều trị sớm, kịp thời thì bác sĩ mới có cách giúp họ”.
Theo một nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả ở bệnh viện phụ sản Trung ương và Khoa sản phụ khoa, Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ cặp vô sinh lên tới 7,7%, trong đó 3,9% là vô sinh thứ phát, 3,8% là vô sinh nguyên phát.
Trong một hội thảo chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến công bố con số những cặp vợ chồng bị vô sinh ở nước ta hiện nay từ 700 đến 1 triệu cặp. Các chuyên gia y tế cho rằng nếu điều trị sớm, kịp thời thì cơ hội được làm bố, làm mẹ của những cặp vô sinh sẽ bớt khó khăn đi rất nhiều.
Theo Infonet