"Mục sở thị" cảnh chen chân đi khám bệnh vô sinh

Thứ bảy, 30/03/2013, 18:30
Bất kể thời tiết nắng mưa, ngày nào phòng khám mở cửa, là ngày đó bệnh nhân đến khám rất đông, mang theo hy vọng về việc chữa khỏi bệnh để có những đứa con khỏe mạnh...

Thuê nhà nghỉ... chờ khám bệnh

Hơn 5h sáng, chúng tôi có mặt tại xóm Kho, thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội để "mục sở thị" cảnh chen chúc đi khám bệnh vô sinh của nhiều người.

Tại đây, đã có khoảng chục người ngồi xếp hàng tại cổng nhà bà Nguyễn Ngọc Lâm để chờ đến giờ mở cửa. Bà K., bán hàng nước cho chúng tôi biết, hàng ngày phòng khám đông y mở cửa từ 7h30’ và khám theo thứ tự, không khám buổi chiều. Vì thế, ai cũng muốn đến trước để tới lượt mình, nếu không, sáng hôm sau lại phải dậy sớm để... xếp chỗ.

Từ vài năm nay, khi số lượng khách đến khám bệnh tại nhà bà Lâm tăng lên, một bãi gửi xe tự phát mọc lên trước cửa nhà bà để đáp ứng nhu cầu khách đến khám. Bà K. (một người bán quán nước ở gần đó) cho chúng tôi biết, bà Lâm năm nay 74 tuổi, nguyên là trưởng khoa Sản, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương. Từ khi về hưu bà đã mở ra phòng khám (đã được Sở Y tế Hà Nội cấp phép - PV) để giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có con.

Qua câu chuyện của các chị em đi khám bệnh, chúng tôi được biết, bà Lâm nổi tiếng với việc chữa bệnh tắc vòi trứng, khó mang thai và yếu sinh lý ở phụ nữ và đàn ông. Đa phần chị em đến chữa bệnh đều được bà dựa theo kết quả chữa bệnh tây y trước đó để bắt mạch rồi bốc thuốc.

Nhiều ông chồng đưa vợ đi khám, cũng được bà Lâm "xem" qua bệnh, vì thế tại phòng khám của bà Lâm, chuyện đàn ông đi khám vô sinh là "chuyện thường ngày ở huyện".

hiem muon

Bệnh nhân ngồi "vật vạ" bên ngoài chờ mở cửa.

Thấy một người phụ nữ đang ngồi mỏi mệt trên ghế, tôi bắt chuyện. Chị cho biết, chị tên là Tr. H. V. 36 tuổi, ở Phú Thọ, lấy chồng 10 năm nay mà vẫn chưa có con, do có người quen giới thiệu nên hai vợ chồng đã "khăn gói quả mướp" xuống Hà Nội chữa bệnh. Chị bảo, gần 10 năm nay, hai vợ chồng đã đi khám, chữa bệnh nhiều nơi để mong có tiếng trẻ con cười đùa trong nhà mà vẫn không được như ý muốn.

Tuần trước có người em họ giới thiệu nên họ đã xuống đây khám. Tuy nhiên, do không biết quy trình khám bệnh ở đây nên 8h sáng họ mới tới nơi, đợi đến lượt mình khám thì đã 12h nên họ đành trở về quê.

Lần này rút  kinh nghiệm, hai vợ chồng đã lên Hà Nội từ chiều hôm trước, thuê nhà nghỉ ở ngay sát phòng khám để vào khám cho sớm, 5h xuống đường để ghi số khám mà họ đã... xếp số 3. Thời gian nhích từng bước một khi gần hai chục con người đang chờ đến 7h30’ sáng để bà Lâm mở cửa  khám bệnh...

Đặt gạch... xếp hàng

Bà K. cho chúng tôi biết, dù đông hay hè, thì số bệnh nhân đến khám nhà bà Lâm cũng rất đông. Đa phần họ đã đi khám ở các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc không được nên lại quay về với phòng khám đông y. Bà bảo, ngồi bán hàng ở đây mới chứng kiến được nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt nhưng cũng xót xa của những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Có hôm mới 2h sáng, khi cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng đập cửa ở ngoài, bà lật đật chạy ra thì thấy một cặp vợ chồng co ro trong mưa lạnh, họ cho biết họ từ Hưng Yên sang đây để chờ đến sáng chữa bệnh. Họ xin bà tờ giấy và mượn bút để ghi số thứ tự...

Hay có người đến ghi số thứ tự từ 5h sáng, tuy nhiên đói bụng quá liền đặt viên gạch để đi ăn sáng rồi vào khám, nhưng lúc về đến nơi thì đã có người thế chỗ, vậy là xảy ra cãi nhau, khiến cho cả một khu phố ầm ĩ cả lên...

Chị Hà Thị Thu, ở đường Đê La Thành, Hà Nội cho chúng tôi biết: "Cậu con trai đầu hiện nay đã 10 tuổi nhưng mãi mà hai vợ chồng chưa sinh thêm được nên cả hai quyết định đến nhà bà Lâm điều trị theo phương pháp đông y.

Có người bảo vì "kế hoạch" lâu quá nên bị "tịt" nhưng hai vợ chồng đi khám các bệnh viện khác thì kết quả bình thường. Chúng tôi đến đây lúc 5h sáng mà ghi số thứ tự đã là 9. Công nhận là mọi người đi sớm lắm, vì ai cũng nóng lòng được khám và chữa bệnh nên không ngại mưa gió, đêm hôm...".

Một người hàng xóm tên M. cạnh nhà bà Lâm cho chúng tôi biết, bệnh nhân đến khám ở đây không chỉ có người Việt Nam mà có cả khách Tây. Anh M. tếu táo rằng, đấy là Tây "rau muống" nên các ngóc ngách ở Hà Nội họ biết hết, không chỉ vợ đi khám mà chồng cũng đi cùng vợ, họ cũng ngồi vêu vao ở ngoài đường, ghi số và cũng chờ đến lượt mình.

Đang vui câu chuyện, chị H. quê ở Nam Định cho chúng tôi biết: "Năm 36 tuổi tôi mới lấy chồng nhưng mãi không có con. Đi khám tây y thì người ta bảo bị tắc ống dẫn trứng, đến đây, bà Lâm bắt mạch và khám, rồi cho thuốc về uống.

Không hiểu do điều kỳ diệu gì hay thuốc tốt mà về nhà, tôi đã đậu thai được 4 tháng, hôm nay hai vợ chồng đến cảm ơn bà Lâm và đi khám lại theo phiếu hẹn. Đây là niềm vui lớn nhất của gia đình trong năm nay...".

Hầu hết bệnh nhân đến khám bệnh, đều được bà Lâm điều trị phối hợp giữa đông và tây y. Ở các bệnh viện hiện đại có thế mạnh về gỡ dính, gỡ tắc, họ có nhiều thiết bị chẩn đoán tốt nên được bà tận dụng để thăm khám.

Không chỉ vợ mới phải uống thuốc, mà nhiều ông chồng cũng phải cùng vợ chữa bệnh thì mới hiệu quả được. Tỷ lệ các loại thuốc được bà chia ra phù hợp với cơ địa từng người. Có những loại thuốc uống vào để nuôi trứng, có những loại thuốc để tăng cường sinh lực cho chồng.

Nhiều người cho biết, điều trị đông y an toàn đối với phụ nữ nhưng ngặt một nỗi là thuốc uống theo thang, không được uống cả tháng, vì vừa uống vừa nghe ngóng tình hình cơ thể nên không thể nóng vội được. Vì thế, ngoài những người đi khám để bốc thuốc lần đầu, cũng có nhiều người đến khám lại, bốc thêm thuốc... vì thế lúc nào nhà bà Lâm cũng đông nghịt bệnh nhân.

Anh L.H.D, 34 tuổi ở Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: "Ban đầu vào đây khám tôi cũng rất ngại vì cứ nghĩ, đàn ông, con trai ai lại vào chỗ này khám, nhưng đến đây mới thấy nhiều ông chồng cũng đi cùng vợ và được bà Lâm khám cho cả hai vợ chồng.

Lần này, hai vợ chồng tôi vào khám lại sau khi uống hết 10 thang đã được cắt từ trước. So với việc phải dậy từ nửa đêm để ghi số, chờ đợi thì việc khỏi bệnh và có con là niềm vui khôn tả nên có vất vả chút, chúng tôi cũng cam lòng...".

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn