3.000 đồng cho mỗi phút báo sự cố điện

Thứ ba, 16/04/2013, 10:09
Kể từ năm 2012, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã cung cấp đầu số hotline 19001122 để khách hàng sử dụng điện trên toàn TP báo các sự cố điện.

Số này dùng kể cả khi khách hàng có nhu cầu báo số điện mỗi kỳ cũng như muốn biết thời gian cúp điện và lý do cúp điện, chứ không dùng số riêng của từng đơn vị điện lực như trước kia nữa. Từ đó khách hàng không có sự lựa chọn nào khác là gọi vào số trên mỗi khi có nhu cầu liên quan đến điện.

Bảng giá cước chị Hà gọi vào tổng đài 19001122 để báo thông tin về điện bị tính
2.727 đồng/phút (chưa VAT)

Nhưng đầu số 19001122 mà Tổng công ty Điện lực TP chọn tôi thấy giống những đầu số mà các công ty giải trí thường dùng, giá cước khách hàng phải trả khi gọi vào rất cao.

Trước đây mỗi khi nhà có sự cố cúp điện, muốn biết khi nào có điện lại tôi chỉ cần gọi vào số điện thoại nóng (điện thoại bàn) của Công ty Điện lực Bình Phú in trên hóa đơn thì giá cước khoảng 200 đồng/phút. Nếu tôi dùng số di động để gọi giá cũng chỉ 1.400-1.600 đồng/phút tùy theo nội mạng hoặc ngoại mạng. Trong khi đó, cước phí khi gọi vào đầu số 19001122 được tính khoảng 3.000 đồng/phút. 

Được trích đến 1.039 đồng/phút

Theo một cán bộ thuộc Trung tâm Viễn thông khu vực 2 thuộc VNPT TP.HCM, với đầu số 19001122 làm tổng đài tiếp nhận các sự cố, thông tin dịch vụ về điện, Tổng công ty Điện lực TP được trích lại tỉ lệ: 1.039 đồng/phút đối với cuộc gọi từ điện thoại bàn và 894 đồng/phút đối với cuộc gọi từ điện thoại di động.Q.K

Cụ thể ngày 7/1, tôi dùng điện thoại bàn gọi đến số điện thoại 19001122 yêu cầu nhân viên ghi chỉ số điện vì tôi không thấy nhân viên đến ghi điện hay để lại số điện thoại liên lạc khi khách hàng đi vắng. Cuộc gọi chỉ 3 phút 41 giây này tôi phải trả 10.908 đồng.

Tiếp theo, ngày 23/1 tôi lại gọi vào đầu số trên để yêu cầu điều chỉnh lại số nhà, tên đường trên hợp đồng mua bán điện mà trước đây Công ty Điện lực Bình Phú ghi nhầm.

Với thời gian cuộc gọi 3 phút 8 giây, tôi cũng phải trả 10.908 đồng. Sau đó thì cuộc gọi bị rớt mạng, tôi gọi lại và phải chờ máy do các điện thoại viên đều bận. Thời gian chờ máy chỉ mất 4 giây nhưng tôi bị tính cước 2.727đồng.

Chỉ vài cuộc gọi đến đầu số hotline của ngành điện với thời gian mỗi cuộc gọi không dài mà tôi phải trả cước gọi cho số máy này trong tháng 1/2013 là 46.359 đồng và tháng 2 là 19.089 đồng.

Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác cũng bị tốn tiền tương tự khi gọi vào số hotline này, nhất là thời gian gần đây khi nhiều khu vực bị cúp điện nên nhiều người đã gọi vào số máy trên để hỏi thông tin, ngay cả khi không gặp được điện thoại viên cũng bị tính cước oan ức.

Tôi có gọi đến Tổng công ty Điện lực TP để phản ảnh vấn đề này thì sau đó được một nhân viên kinh doanh gọi đến hỏi thăm một số thông tin và hứa sẽ gửi văn bản trả lời. Tuy nhiên, đến nay tôi chưa nhận được trả lời. Như vậy là ngành điện chưa có thành ý với sự góp ý của khách hàng.

Tôi cho rằng ngành điện cần xem xét lại việc áp dụng đầu số hotline này vì không công bằng với người tiêu dùng. Bởi lẽ người dân đã tốn khoản chi phí khá lớn trả tiền điện hằng tháng rồi, không thể vì dịch vụ điện do ngành điện cung cấp bị trục trặc, có sự cố gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà khi họ gọi điện thoại phàn nàn hoặc báo các sự cố cho ngành điện lại bị thu cước cao ngất.

Không chủ trương ăn chia cước phí

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM, việc chọn đầu số 19001122 đã được cân nhắc kỹ, trên cơ sở lựa chọn nhiều đầu số khác nhau. Đây được coi là đầu số có giá cước rẻ nhất trong các phương án đã được đưa ra.

Đối với thuê bao cố định, di động nội tỉnh, vô tuyến nội thị, thuê bao di động toàn quốc gọi vào hoặc nhắn tin vào phải trả 2.727 đồng/tin hoặc một phút gọi (cộng 10% thuế VAT khoảng 3.000 đồng/phút). Mặt khác, Tổng công ty Điện lực TP chỉ thuê đầu số này, còn việc tính, thu cước do Viễn thông TP.HCM (VNPT TP) thực hiện.

Trước đây Tổng công ty Điện lực có hai nhân viên trực tổng đài điện thoại, nhưng từ ngày ra đời của đầu số 19001122 đã tăng cường thêm 48 nhân viên trực tổng đài.

Tuy nhiên có một vài thời điểm có nhiều cuộc gọi báo sự cố cộng với số người gọi hỏi các dịch vụ khác nhiều hơn số người trực tổng đài nên xảy ra tình trạng máy bận. Nhưng vì sao trong lúc chờ, khách hàng cũng bị tính tiền? Việc này Tổng công ty Điện lực TP sẽ sớm làm việc lại với VNPT TP để có hướng xem xét điều chỉnh cho hợp lý. Nếu khách hàng gọi chưa gặp được điện thoại viên mà bị tính cước như vậy là oan.

Bên cạnh đó tổng công ty sẽ từng bước nâng cao khả năng giao tiếp của nhân viên trực tổng đài trên cơ sở thời gian trao đổi với khách hàng ngắn nhất, thu thập được nhiều thông tin nhất để hạn chế cước phí cho khách hàng.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn