Thanh tra
Ban Quản lý (KKTTTV) làm chủ đầu tư một đoạn đường ở Khu kinh tế Định An, ngày 3/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký thông qua kết luận thanh tra về việc đấu thầu dự án làm đoạn đường nói trên có sai phạm. Sai ở chỗ xét cho Công ty Cổ phần tập đoàn Hằng An trúng thầu khi bỏ giá hơn 66 tỷ đồng, cao hơn đơn vị bỏ giá thấp nhất gần 11 tỷ. Ban Quản lý cho rằng, kết luận thanh tra “chưa đủ tính thuyết phục”.
Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Phương Châu ở Cần Thơ, nơi bà Ly nằm điều trị từ ngày 13 đến 25/3. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Đang tranh cãi thì đơn tố cáo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tiêu cực, tập trung vào Trưởng ban Lê Tấn Lực, được gửi tới Thanh tra Chính phủ.
Ngày 31/1/2013, theo chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, một tổ công tác được cử xuống Trà Vinh, có nhiệm vụ “làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và các cơ quan đơn vị có liên quan” để nắm tình hình và “kiến nghị hướng xử lý đơn tố cáo Công ty Cổ phần tập đoàn Hằng An”.
Ngày 26/2, tổ công tác làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế để “thu thập hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến gói thầu dự án đầu tư làm đoạn đường ở Định Quán”.
Biên bản làm việc, tổ công tác ghi nhận: Theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thì “đưa vào nhiều tiêu chí trong hồ sơ mời thầu (…) không đúng quy định và sử dụng những tiêu chí này làm điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu là chưa đúng quy định pháp luật”.
Còn Ban Quản lý cho rằng: “Việc đưa những tiêu chí này làm điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu là phù hợp với quy định của pháp luật”.
Buổi làm việc còn thu thập “các hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu của Công ty Cổ phần tập đoàn Hằng An” mà theo chủ đầu tư thì “không có đủ điều kiện xác minh thực tế” và “nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác”.
Trước đó, ngày 21/2, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký quyết định “Thanh tra toàn diện quá trình hoạt động năm 2012 của Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh” và thành lập đoàn thanh tra do Phó chánh Thanh tra tỉnh làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra 45 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Khiêu giải thích “việc này nằm trong kế hoạch thanh tra hằng năm”, và cho biết thêm: “Chúng tôi đã phát hiện ra một số sai phạm, có thể đến cuối tháng tư sẽ công bố kết luận thanh tra”.
Tố cáo tiêu cực
Bà Trần Hồng Ly. |
Ngày 22/2/2013, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh ký quyết định khai trừ đảng bà Trần Hồng Ly và công bố ngay trong ngày. Bà Ly cũng có báo cáo ngay về tiêu cực ở Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh. Báo cáo được gửi đến nhiều cơ quan địa phương và trung ương.
Kỷ luật đảng với tôi lúc đang mang thai lại vào dịp Tết nên tôi gần như kiệt sức, tinh thần bấn loạn. Bà Trần Hồng Ly |
Báo cáo của bà Ly có đề cập vụ Công ty Cổ phần tập đoàn Hằng An trúng thầu thi công đoạn đường mà Thanh tra Chính phủ đang tìm hiểu.
Bà viết: “Khi có kết luận thanh tra tỉnh hủy kết quả trúng thầu, thì đồng chí Bốn Lực (Trưởng ban Lê Tấn Lực - PV) tức lồng lộn lên vì mất miếng ăn ngon. Rồi còn nghi kỵ, cho rằng tôi là người tố cáo với thanh tra tỉnh”.
Bà Ly liệt kê khá nhiều vụ việc được cho là “tiêu cực” của Trưởng ban Lê Tấn Lực. Trong đó có Nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất mỗi giờ 2.000 m3 ở Cụm công nghiệp Long Đức mà đoàn thanh tra tỉnh đang xem xét.
Theo đơn của bà Ly, nhà máy do ông Lực lúc còn làm Giám đốc Sở Công nghiệp kiêm Trưởng ban Quản lý Cụm công nghiệp Long Đức, chọn tư vấn thiết kế nhưng “thiết kế sai, không phù hợp, dẫn đến thi công xong không đưa vào sử dụng được”. Với kinh phí gần 30 tỷ đồng, đã nghiệm thu nhiều năm mà không vận hành nên “thiết bị rỉ sét, công trình nằm ngoài trời chịu mưa, chịu nắng”.
Nhiều diễn biến cho thấy, đang có sự chạy đua giữa các cơ quan trong việc dự kiến đưa ra các hình thức kỷ luật bà Ly. Trong khi hành vi “quậy” tại trụ sở UBND tỉnh không được lập biên bản, còn nhiều mâu thuẫn giữa trình bày của bà Ly và công an phường chưa được làm rõ, thì Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp chủ yếu dựa vào công an để ra quyết định khai trừ đảng bà Ly.
Ngày 26/2, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đang làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế, thì Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp có công văn “thống nhất cao đề nghị xử lý hình thức buộc thôi việc bà Ly”, xen vào quá sâu quản lý hành chính.
Bà Ly có đơn đề nghị xem xét lại công văn vừa nêu của Ban Thường vụ Đảng ủy khối Doanh nghiệp, vì bà đang mang thai. Nhưng ngày 13/3, Ban Quản lý Khu kinh tế vẫn triệu tập cuộc họp toàn thể công chức để kỷ luật bà Ly. Cùng ngày, bà Ly vào viện với chẩn đoán “theo dõi thai 5,5 tuần lưu và suy nhược cơ thể”.
Sau gần nửa tháng nằm viện, bà Ly về trình bệnh án nhưng Trưởng ban Lực không tin, làm công văn hỏi lại bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện trả lời, bà Ly đang bị “dọa sảy thai”, cần được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.
Ông Lực kêu, việc kỷ luật bà Ly gặp khó khăn. Còn bà Ly ngậm ngùi, quy định của Đảng và Chính phủ là không được kỷ luật người đang mang thai nhưng với bà, người tố cáo tiêu cực, lại không được hưởng điều đó.
Quy định số 45-QĐ/TW, ngày 1/11/2011, của BCHTW về thi hành Điều lệ Đảng: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”. Nghị định 34/2011/NĐ-CP, ngày 17/05/2011, của Chính phủ: “Chưa xem xét xử lý kỷ luật công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. |
Theo Tienphong