Gửi báo cáo chuyên đề góp ý cho hội nghị tổng kết thi hành Luật Hôn nhân - Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 do Bộ Tư pháp tổ chức diễn ra hôm nay (16-4), nhiều cơ quan, ban, ngành đã nhất trí với quan điểm phải thay đổi cách nhìn về người đồng tính và bảo đảm nhân quyền cho họ.
Một đám cưới của người đồng tính ở TPHCM. Ảnh: NGUYỄN LY
Không phải bệnh
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Việt Nam cũng không có cơ sở y tế nào chữa bệnh đồng tính. Đứng ở góc độ y tế thì đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (gọi chung là người đồng tính) không phải là một loại bệnh nên y học không thể can thiệp và chữa khỏi.
Đứng ở góc độ quyền con người, ông Tiến cho rằng người đồng tính cũng có quyền sống, ăn, ở, mặc, yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) cho thấy 90% người đồng tính nam cảm thấy xã hội có thái độ tiêu cực với người đồng tính, từ đó có đến 86% trong số họ phải che giấu tính dục của mình.
Theo ông Tiến, hầu hết quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng tính đều có quy định quá độ trong luật pháp, ban đầu là thừa nhận quyền của người đồng tính, tiếp đó là việc chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi mới quy định về thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đã có trên 20 nước chấp thuận hôn nhân đồng tính hoặc cho phép được chung sống. “Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền con người” - ông Tiến cho biết.
Không công nhận là vợ chồng
Trong khi đó, đại diện Viện Khoa học Kiểm sát - VKSND Tối cao cho rằng để bảo đảm quyền con người, Luật HN-GĐ (sửa đổi) không nên quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”.
Tuy nhiên, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính trong luật cần cân nhắc một số hệ lụy về mặt xã hội nhằm ngăn chặn hiện tượng những người bình thường về giới tính lợi dụng để có quan hệ đồng tính vì mục đích xấu do y học không dễ dàng phân biệt được các trường hợp này.
Hơn nữa, nếu thừa nhận hai người cùng giới tính là vợ - chồng thì họ có quyền được nhận con nuôi và đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ khó tránh khỏi bị định hướng sai lệch về giới tính, về chức năng của từng loại giới tính. “Tình trạng này nếu được nhân rộng là hết sức có hại” - đại diện Viện Khoa học Kiểm sát nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Văn Cừ (Trường ĐH Luật Hà Nội), thành viên ban soạn thảo Luật HN-GĐ (sửa đổi), cho biết đây là vấn đề phức tạp nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, trong những cuộc họp gần đây, các thành viên ban soạn thảo đều cho rằng sẽ phải bỏ quy định “cấm” người đồng giới kết hôn mà có thể thay bằng quy định “không công nhận quan hệ vợ chồng của hai người đồng tính”. “Đi liền với đó sẽ là những quy định nhằm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh như tài sản, con nuôi…” - ông Cừ nói.
Sửa quy định về độ tuổi kết hôn Các ý kiến đóng góp đều cho rằng phải sửa quy định về độ tuổi kết hôn. Quy định hiện hành cho phép nữ từ 18 tuổi trở lên và nam từ 20 tuổi trở lên được phép kết hôn là bất hợp lý, chưa đồng bộ với quy định trong Bộ Luật Dân sự năm 2005 dẫn đến thực trạng là người nữ đã kết hôn hợp pháp nhưng bị hạn chế quyền ly hôn, quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng. Ông Nguyễn Viết Tiến cho rằng khi mang thai và sinh con trước tuổi 18, cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện nên dễ có nguy cơ sinh non và trẻ suy dinh dưỡng. Vì thế, Bộ Y tế và nhiều cơ quan đề nghị sửa đổi thành “nữ đủ 18 tuổi trở lên và nam đủ 20 tuổi trở lên” mới được kết hôn. |
Theo NLD