Đó là nhận định của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Kiến Thức
Cán bộ công chức nhận phong bì rất... hồn nhiên!
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới vừa công bố kết quả khảo sát đối với gần 2.000 CBCC cho thấy, có 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, trong đó có 55% người trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp. Ông thấy con số này có phản ánh đúng thực tế?
Chuyện CBCC có thu nhập ngoài lương thì đó là điều đương nhiên rồi. Lương không đủ sống, buộc họ phải chân trong chân ngoài, việc nọ việc kia, thậm chí có người tham nhũng. Còn chuyện 55% trong số đó trả lời thu nhập ngoài chính là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp, tôi thấy đó cũng là một con số hợp lý thôi.
Cuộc họp nào mà chẳng có phong bì bồi dưỡng. Trước đây người ta có lên án cuộc họp có phong bì. Trong ngôn ngữ dân gian có thêm cụm từ "văn hóa phong bì". Bây giờ đi họp mà không có phong bì là điều không bình thường. Nhận phong bì là điều hiển nhiên, và người ta nhận cũng với thái độ rất hồn nhiên.
Vậy là nhiều CBCC thì đi họp chính là để có thêm thu nhập?
- Đó là điều đau lòng. Là bởi lương thấp, không sống được bằng lương thì phải tìm cách nào đó. Đi họp là để có thêm thu nhập thì cũng là một kiểu thu nhập chính đáng. Bởi thế mà lãnh đạo cũng phải "tích cực" tổ chức các cuộc họp, tập huấn, trao đổi, học tập kinh nghiệm, hết đề án này đến dự án kia để cho nhân viên của mình có thêm khoản nọ khoản kia.
Đó là kiểu thu nhập chính đáng nên ai cũng muốn đi họp?
- Không hẳn thế. E rằng nói như vậy là có sự xúc phạm. Bởi vì người ta còn có lương tâm và trách nhiệm chứ! Việc dành thời gian để đi họp, rồi còn phải đọc tham luận với sự chuẩn bị công phu, còn phát biểu đóng góp ý kiến... Rõ ràng, việc bồi dưỡng trong các cuộc họp có phần là hợp lý. Thế nhưng sẽ thật là đau lòng nếu CBCC nhăm nhăm đi họp để được nhận phong bì.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
Họp không phong bì thì buồn khó tả!
Vì sao cuộc họp nào ở ta cũng phải có phong bì, trong khi đó so sánh với nhiều nước khác thì họ gần như không bao giờ có?
- Đó là bởi có sự khác nhau rất rõ ràng về lương. Lương CBCC của ta quá thấp. Ví dụ như một gia đình mà 2 vợ chồng là công chức bình thường, lương của cả hai may ra được 6 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Nếu phải nuôi hai đứa con nhỏ thì chi phí mỗi tháng cho chúng cũng phải đến 5 triệu đồng.
Thế thì họ sống bằng gì? Họ phải tìm cách để xoay sở thôi. Bởi thế, ngẫm mà cũng thấy xót xa. Nếu những người được mời họp mà không đi họp thì làm gì có thêm thu nhập? Nếu đi họp mà không có phong bì thì có một nỗi buồn man mác khó tả.
Vậy là đã họp là phải có "bồi dưỡng"?
- Đúng thế. Giả sử giờ mà không có phong bì, chắc cũng ít người đi họp. Giờ, cuộc họp nào mà không có phong bì, chắc nhiều người sẽ băn khoăn: "Mời họp mà không có một chút gì à?".
Cấp thấp tham nhũng thấp, cấp cao tham nhũng cao!
Nói về lương của CBCC là câu chuyện quá cũ rồi. Ai cũng hiểu, cũng thông cảm với những khó, khổ của CBCC. Thế nhưng chỉ vì lương thấp mà phải tích cực đi họp thì thật đáng buồn?
- Mấy chục năm nay người ta đã nói đến câu chuyện tiền lương của CBCC. Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng chưa thể tìm ra một giải pháp tốt nhất. Ở đây lại là câu chuyện cái bánh. Ngân sách chỉ có thế, nguồn thu chỉ có thế, lấy đâu ra tiền để tăng lương cho CBCC?
Vậy thì phải cắt giảm biên chế đi, miếng bánh sẽ to hơn. Phải mở mang công việc, tăng năng suất lao động. Mấy chục năm qua, tôi cảm thấy vấn đề này chưa được đưa ra bàn bạc dân chủ, một số người muốn áp đặt lối suy nghĩ cũ kỹ của mình.
Tinh giảm biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC là giải pháp đưa ra đã lâu, nhưng có lẽ khó thực hiện?
- Khó lắm. Ta vốn quen theo kiểu đối xử coi trọng tình cảm. Quản lý nhà nước theo kiểu đó thì rất gay! Cơ quan nào cũng thừa người năng lực kém mà lại còn lười biếng. Bây giờ mà cắt giảm 30% công chức thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc.
Nhưng họ sống thế nào, gia đình họ sẽ lấy tiền đâu mà sống, dù chỉ là cho qua ngày. Thế nhưng, nếu vẫn giữ nguyên như thế, ai cũng làm việc bình bình như thế, đa số chỉ làm việc với 30 - 40% thời gian và năng lực của mình, thì nền hành chính của chúng ta sẽ thế nào?
Trở lại câu chuyện cái bánh, vì sao ta không tự tạo ra chiếc bánh to hơn để phần bánh của mỗi người sẽ lớn hơn ạ?
- Nếu mỗi người chỉ làm việc đủng đỉnh kiểu như "sáng cắp ô đi tối cắp ô về", làm cho có, cho tròn, không cố gắng sáng tạo, thì liệu có tạo ra được cái bánh to hay không? Nó là ý thức cá nhân của mỗi CBCC.
Tôi muốn nhấn mạnh từ câu chuyện nhỏ là nhiều CBCC công nhận có thu nhập ngoài lương, thu nhập từ các cuộc họp thì vấn đề mấu chốt ở đây là chế độ tiền lương của CBCC, các chế độ đãi ngộ, năng lực cũng như các chính sách. Trong cái vòng xoáy để có thêm thu nhập ngoài ấy thì tham nhũng chính là tên tội phạm có sức mạnh ghê gớm nhất.
Tôi lại nghĩ không thể biện minh cho hành vi tham nhũng bằng việc lương thấp?
- Đương nhiên là như thế, nhưng vì sao tham nhũng bây giờ lại mạnh mẽ như thế? Đâu đâu cũng có tham nhũng, cấp thấp tham nhũng thấp, cấp cao tham nhũng cao. Tham nhũng cũng sinh ra từ chính cái vòng xoáy khốn khó về lương, về nhu cầu sống đó.
Nhưng cái cơ bản hơn là chúng ta, nhất là những người lãnh đạo, chưa nhận thức đầy đủ mặt được và chưa được (thậm chí là nguy hiểm) của cơ chế thị trường. Hơn thế nữa là cái tâm không sáng, cái đức quá nghèo.
Khổ nhất là người về hưu
CBCC lương thấp thì còn có chân trong chân ngoài làm thêm, chạy cửa này cửa khác để có tiền, còn với người đã về hưu như ông thì sao?
- Đấy, tôi thấy khổ nhất là những người về hưu. Sức khoẻ không đủ để lăn lộn tìm cách kiếm sống nữa, mà lương thì lại quá thấp. Tính theo hệ số bậc lương được hưởng thì dù là cán bộ cấp cao, lương cũng rất thấp, không đủ sống, hoặc chỉ sống được ở mức tối thiểu. Bởi thế mà nhiều người về hưu nói đùa với nhau: "Biết thế trước đây cố gắng "xà xẻo" thêm một ít, thì khi về già đỡ khổ hơn không?".
Ông có chung sự "ân hận" đó không?
- Tôi thì không nghĩ thế. Mình làm việc hết mình, sống thanh thản, giản dị, cái tâm lúc nào cũng tĩnh lặng, không có điều gì phải lo sợ, chỉ cần tàm tạm như thế là được rồi. Giờ bảo vì lương thấp mà phải ra sức vơ vét này nọ, lợi dụng quyền hành để tham ô tham nhũng, thì có thể làm được, nhưng bản thân mình sẽ khó để ăn ngon ngủ yên.
Thực tế thì số lãnh đạo cố tình "vơ vét" có nhiều không thưa ông?
- Thì nhìn vào nạn tham nhũng bây giờ là thấy. Tham nhũng ghê gớm lắm. Có nhiều lý do để người ta tham nhũng, chế tài yếu, cán bộ thoái hóa biến chất làm cho tham nhũng lộng hành.
Liệu sắp tới chúng ta sẽ phải làm gì để có một hiện thực tươi sáng hơn về đội ngũ CBCC nói chung?
- Ngoài việc người cán bộ cần có cái tài và cái tâm thì tôi nghĩ học hỏi kinh nghiệm của các nước khác cũng sẽ không thừa đâu. Ta hãy khiêm tốn học hỏi, nhất định sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay.
Về mức thu nhập ngoài lương, kết quả khảo sát cho thấy, 82,7% số người có khoản thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương; 11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% đến 100% tiền lương; 2,1% người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 - 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%. Có 3,6 người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương. |
Theo Kienthuc