Hành trình vượt cám dỗ một thời của con trai PGS Tôn Thất Bách

Thứ ba, 16/04/2013, 07:35
Vừa qua, dư luận khá chú ý đến bức thư của Tôn Lê Hiếu Anh, con trai của cố PGS-Viện sĩ Tôn Thất Bách. Để viết bức thư đó, người con đã từng một thời “sa vào cám dỗ” đã mất gần 10 năm để chiêm nghiệm, làm theo những lời cha dặn.

Vừa qua, dư luận khá chú ý đến bức thư của Tôn Lê Hiếu Anh, con trai của cố PGS-Viện sĩ Tôn Thất Bách viết như một lời tạ lỗi với cha sau hơn 9 năm vị bác sĩ nổi tiếng Việt Nam ra đi. Bức thư rất cảm động và chân thật thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, không nhiều người tỏ tường rằng, để viết bức thư đó, người con đã từng một thời “sa vào cám dỗ” đã mất gần 10 năm để chiêm nghiệm, làm theo những lời cha dặn.

Bài học lớn qua một thời tai tiếng

Từng một thời, cái tên Tôn Lê Hiếu Anh nổi lên giữa giới trẻ Hà thành như một dân chơi đầy tai tiếng. Những tin đồn kiểu như: Hiếu Anh nghiện xì ke, bị bố từ, Hiếu Anh phê thuốc, bị bắt,…được bàn tán khá nhiều. Trong số những thật giả lẫn lộn ấy ắt hẳn sẽ có phần trăm đúng, phần trăm sai. Nhưng giờ đây, trước mặt những người đối diện luôn là một Hiếu Anh khá điềm đạm, kiệm lời và hay cười.

Với vai trò của một biên tập viên truyền hình trong thời điểm hiện tại, Tôn Lê Hiếu Anh đang từng bước khẳng định tên tuổi mình trong làng thời trang và trong cả nghiệp báo chí. Sau những gì đã qua và những thứ đang nỗ lực có được, dường như Hiếu Anh đang muốn gửi tới gia đình mình, tới cha mình một điều gì đó hơn cả một lời tạ lỗi.

tam thu

Tôn Lê Hiếu Anh hiện đang đảm nhiệm vai trò một biên tập viên thời trang của VTV.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y, từ ông nội, đến bố và mẹ đều là bác sĩ nên từ nhỏ, Hiếu Anh và chị gái đã được “bao bọc” trong không khí của nghề y. Những bài học đầu tiên, trước cả những bài học vỡ lòng ở trường lại là những kiến thức về thuốc. Bố mẹ của Hiếu Anh có thói quen nói chuyện công việc ở nhà nên những điều đó dần ngấm dần vào những đứa con. Hiếu Anh bảo: “Đến bây giờ, thậm chí chị em mình cũng có thể chẩn đoán được bệnh”.

Tuy nhiên, khi lớn lên, cả hai chị em đều không có ý định theo nghề y, “nghề của gia đình” coi như mất. Thế nhưng, Hiếu Anh cho biết vợ chồng PGS Tôn Thất Bách ủng hộ quyết định này của các con. Bởi lẽ, với bác sĩ Tôn Thất Bách, không quan trọng các con làm nghề gì, miễn là một cái nghề đứng đắn và mình cảm thấy yêu thích là được.

Hiếu Anh cho biết đã được rất nhiều người hỏi tại sao không theo nghề y. Những lúc đó anh đành viện ra những lý do đại khái để tránh câu trả lời.

Cho tới khi bức thư anh gửi cho bố có tên “Tết buồn” được đăng tải trên mạng nhân dịp kỉ niệm ngày mất của ông, nhiều người mới vỡ lẽ ra cái lý do cũng rất đời thường: “Mỗi năm, khi Tết đến, đêm giao thừa bố bao giờ cũng là người đảm nhận việc mổ gà và tôi là người phụ giúp. Bố dạy mấy cách mổ gà: mổ moi và mổ phanh, ông bảo là mổ người cũng như thế này mà thôi. Cứ nghĩ đến đoạn bậy ra trước khi lìa trần là tôi hết muốn làm bác sĩ”. Hiếu Anh tự nhận mình nhát gan và chính một câu chuyện bâng quơ của cha như vậy đã làm anh “sợ” nghề y.

Hiếu Anh kể, từ khi còn bé đã có một phản xạ gần như tự vệ trước bố, cứ ngồi gần ông là nhấp nhổm tìm cách đứng dậy đi. Hiếu Anh kể: “Bữa ăn tối là thời gian cả nhà gặp nhau nhiều nhất trong ngày.

Trong cả bữa ăn là nghe chuyện bệnh nhân, ca mổ, bệnh viện, chuyện chuyên môn… Đau đớn nhất là bố mắng các con cũng vào lúc này, lúc chuẩn bị bê bát cơm lên ăn. Việc này diễn ra liên tục trong nhiều năm, nên tạo cho chị em tôi thành một phản xạ có điều kiện là tìm mọi cách để vắng mặt vào bữa ăn, hoặc ăn trước rồi mỗi đứa té về một phòng đóng cửa kín mít. “Ngày Tết không mắng” là món quà của bố dành cho chúng tôi”.

Thành công để tạ lỗi cùng cha

Và cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành, Hiếu Anh mới thấu hiểu cho bố. Sự căng thẳng của những giờ phút chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân đôi khi khiến ông trở nên khắc nghiệt.

Trong bức thư ngỏ, người con của PGS Tôn Thất Bách viết: “Con biết bố là người luôn hiểu chuyện, con bất hiếu lắm hả bố. Lần sinh nhật nào của bố hay giao thừa, bố đều ôm con rất chặt. Con thèm vòng tay của bố lắm. Hồi bé, con toàn tránh bố và đến lúc lớn thành một thói quen. Con biết bố buồn, vì bố hiểu chính bố đã làm con tránh bố. Công việc và áp lực đã giết bố, trách nhiệm và tấm lòng là động cơ của định mệnh của bố…”.

Hiếu Anh cho biết, PGS Tôn Thất Bách cũng thuộc tuýp người ít bộc lộ tình cảm của mình, cách ông chăm lo cho các con cũng không phải theo kiểu bảo bọc mà để các con tự quyết định những hành động của mình, dù đúng dù sai cũng phải tự chịu trách nhiệm, sau khi sai lầm cũng phải tự đứng lên để làm lại.

Chính vì vậy, về sau khi con cái đã lớn hơn, kể cả khi Hiếu Anh sa đà vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, đi “bay”, quay cuồng trong tiếng nhạc, tiếng lắc của vũ trường, ông cũng không bao giờ la mắng con cái, thậm chí “từ con” như đồn thổi. Dù lúc sinh thời cha không nói ra nhưng  Hiếu Anh cho biết, anh vẫn được cha theo dõi từng bước đường để rồi khi cần thiết thì đưa ra một vài lời khuyên ý nhị.

Câu chuyện giữa chúng tôi trầm xuống cũng là lúc, Hiếu Anh kể về kỉ niệm sau cùng giữa anh và bố mình. Tháng 3/2004, ở London mới là 5h sáng, anh được những người bạn đánh thức dậy và báo hung tin. Khi nhận được tin bố mất, anh quá đỗi bất ngờ và đau buồn vì nhận được email của bố mấy tiếng đồng hồ trước đó. Điều đặc biệt, đây là lá thư đầu tiên bố gửi cho anh.

Ngay sau đó anh đã viết thư trả lời bố và đó cũng là lá thư đầu tiên anh gửi cho bố. Tiếc thay, lá thư trả lời của con thì PSG Tôn Thất Bách đã  không bao giờ đọc được. Bức thư của người cha gửi đi kiệm chữ, chỉ có 3 dòng ngắn ngủi, với mở đầu: “Bố chuẩn bị đi công tác Lào Cai…” giống như một lời tiên tri định mệnh.

Bức thư được viết trước khi ông lên đường đi công tác. Ông khởi hành vào lúc 8h sáng thì đến 12h đêm, tai nạn đã cướp ông đi khỏi gia đình và những người bệnh của mình.

Cho đến bây giờ, Hiếu Anh nhắc mình ngày ngày điều đơn giản mà cha đã dặn: “Phải tránh xa cám dỗ”. “Điều khó nhất bố dặn con phải tránh xa cám dỗ. Khó quá bố ạ, đôi lúc con dẫm vào cám dỗ rồi mắc kẹt rất lâu và rất nhiều thời gian mới thoát ra được”, anh viết trong thư. Những sai lầm đã qua cứ như một bài học cảnh báo để rồi khi nhớ về người cha, trở thành một động lực để Hiếu Anh vượt qua chính mình.

Đã 9 năm trôi qua, kể từ ngày PGS Tôn Thất Bách ra đi. Không chỉ đối với những người thân mà đối với nhiều người kí ức về vị bác sĩ một đời đóng góp cho sự nghiệp y học nước nhà vẫn còn như mới hôm qua. Với Hiếu Anh, thực sự cho đến giờ phút này, anh vẫn chưa quen được với cảm giác người cha thân yêu không còn nữa. Anh tâm sự, nhiều khi cứ cảm thấy như bố chỉ đi công tác đâu đó thôi.

Những dự định của ông vẫn còn dang dở, kế hoạch xây dựng Bệnh viện Việt Đức vẫn còn chưa hoàn tất, trong lần cuối gọi điện về nhà cho vợ, ông vẫn còn nhắc đi nhắc lại. Và trước khi mất, ông vẫn chưa dứt được nỗi lo lắng cho gia đình, vợ con. “Mọi người tả lại cho con là bố mất trong tư thế ôm ngực, còn tay kia như muốn với tới điện thoại”, Hiếu Anh bùi ngùi kể.

Hiếu Anh tâm sự: “Kể từ khi bố mất, đã qua 9 năm, chúng tôi đã không đón giao thừa và cũng như bỏ qua thói quen đi chơi Tết. Đến khi chị gái đi lấy chồng, căn nhà lại càng trở nên vắng lặng. Đến giờ, mẹ tôi cũng đã nghỉ hưu, tôi thì bận rộn với công việc của một biên tập viên, nhiều khi nhìn mẹ lủi thủi một mình, người khác phải bất giác quay đi vì biết bà đang nhớ ông”.

Vị thầy thuốc nổi tiếng

tam thu

Cha con bác sĩ Tôn Thất Bách- Tôn Lê Hiếu Anh (ảnh tư liệu gia đình).

Bác sĩ Tôn Thất Bách (1946-2004) là cố Phó Giáo sư Y học, Viện sỹ Viện hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Odessa - Ukraina, nhà giáo nhân dân, thành viên Hội ngoại khoa quốc tế.

Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội Việt Nam các khoá IX, X và XI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Việt Nam khoá XI.

Chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam. Ông là con trai của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ông cũng là một trong những người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Đêm 26/3/2004, trong một chuyến đi công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, ông đã đột ngột từ trần tại nhà khách tỉnh uỷ Lào Cai do bị nhồi máu cơ tim.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn